​Tác hại, tập tính và các biện pháp phòng chống ruồi nhặng

27/06/2019 In bài viết

Tại Việt Nam, đã xác định được 172 loài ruồi trong các khu dân cư, trong đó 70 loài ruồi gần nhà; giữa chúng có những loài thích nghi với lối sống gần người; ruồi, nhặng không chỉ gây ra sự phiền hà khó chịu mà còn là trung gian truyền nhiều mầm bệnh từ những nơi ô nhiễm cho con người gây bệnh như tiêu chảy, nhiễm giun, sán…
    Tại Việt Nam, đã xác định được 172 loài ruồi trong các khu dân cư, trong đó 70 loài ruồi gần nhà; giữa chúng có những loài thích nghi với lối sống gần người; ruồi, nhặng không chỉ gây ra sự phiền hà khó chịu mà còn là trung gian truyền nhiều mầm bệnh từ những nơi ô nhiễm cho con người gây bệnh như tiêu chảy, nhiễm giun, sán…

     Ruồi sinh sản rất nhanh và nhiều nên mỗi khi có dịch bệnh do ruồi truyền xảy ra, bệnh lan tỏa khá nhanh.
 
 Hình ảnh ruồi đang bu bám vào rác thải

     Vòng đời phát triển của ruồi nhặng trải qua 4 giai đoạn: Trứng – ấu trùng – nhộng – con trưởng thành; ruồi hay đẻ trứng tại các bãi rác, phân hoặc các chất hữu cơ ẩm ướt trong tình trạng phân hủy; saukhoảng từ 8 – 48 giờ, trứng nở thành ấu trùng (còn gọi là dòi), ấu trùng lột xác 2 lần, trải qua ba tuổi (I, II, III):

    Ấu trùng hết lớn ngừng ăn và tìm nơi đất xốp để chui xuống phát triển thành nhộng; nhộng ruồi không ăn, không hoạt động, sau một thời gian nhộng nở ra ruồi trưởng thành và chui lên khỏi mặt đất (con trưởng thành sẽ nở sau 3 ngày cho đến 4 tuần; tỷ lệ đực cái là 1:1, con đực nở trước con cái 12-24 giờ);thời tiếc ấm áp nhộng nở thành ruồi, 2 giờ sau khi khô cánh thì ruồi bay đi, khi ruồi bay được chúng tích cực kiếm ăn ngay, hướng đến nơi có chất bột, đường…

     Ruồi sau khi nở 2 ngày bắt đầu giao phối, sau đó 2 – 3 ngày đẻ trứng, mỗi lần đẻ từ 100 – 150 trứng; khi đói ruồi không thể giao phối được và nếu thức ăn thiếu chất đạm thì trứng thường không phát triển; thức ăn của ruồi nhặng rất đa dạng, gồm thực phẩm và chất thải của con người, động vật, đặc biệt là các chất thải có mang mầm bệnh truyền nhiễm như đờm, dãi, chất nôn, phân, máu, tổ chức hoại tử… Ruồi vừa ăn, vừa nôn, vừa thải ra thức ăn (ngoại tiêu và nội tiêu hoá, nghĩa là nước bọt tiết ra đã phân giải một phần thức ăn trước khi hút vào miệng trở lại) và chất nôn/phân có thể chứa nhiều mầm bệnh và ngoài ra, còn có những mầm bệnh bám trên cơ thể ruồi và được chúng vận chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Vì vậy, ruồi nhặng là vật trung gian truyền một số bệnh như tiêu chảy, lỵ, thương hàn và các bệnh giun sán, nấm… Ruồi nhặng chỉ hoạt động vào ban ngày, nhưng khả năng bay xa 2 – 10 km. Một ngày ruồi cần ăn 2 – 3 lần, nhưng có thể nhiều hơn nếu chúng chưa no. Ruồi nếu thiếu nước uống chỉ sống được 48 giờ. Ruồi kiếm thức ăn ban ngày, trường hợp đặc biệt, ruồi đói có thể kiếm ăn cả ban đêm khi có đèn. Khi không kiếm ăn hay ban đêm, ruồi thường đậu nghỉ nơi khuất gió như sàn nhà, trần nhà, tường nhà, bờ rào, dây phơi, dây điện, thảm cỏ, bụi cây thấp...

     Để phòng chống ruồi, nhặng có 02 nhóm biện pháp đó là: Nhóm các biện pháp phòng ngừa và nhóm biện pháp diệt. Trong đó nhóm biện pháp phòng ngừa là giải pháp tích cực, chủ động nhằm thủ tiêu tận gốc các ổ phát sinh ruồi nhặng và ngăn chặn khả năng lan truyền mầm bệnh của chúng. Cốt lõi của biện pháp phòng ngừa là thực hiện công tác vệ sinh, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nhằm đạt các mục tiêu: Làm mất hoặc hạn chế các sinh cảnh ấu trùng ruồi nhặng (ổ đẻ của ruồi nhặng); loại trừ các nguồn nhiễm bẩn và ngăn cản ruồi nhặng tiếp xúc với thức ăn, vật dụng và bản thân con người, cụ thể:

     Quản lý phân người hợp vệ sinh tại hộ gia đình: Mỗi gia đình phải xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không đi tiêu bừa bãi ra bên ngoài môi trường. Tùy thuộc điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế, hộ gia đình có thể lựa chọn một trong các loại nhà tiêu sau: Nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu thấm dội, nhà tiêu hai ngăn ủ phân tại chỗ, nhà tiêu chìm có ống thông hơi; đối với các hộ gia đình sử dụng loại nhà tiêu khô chìm có ống thông hơi cần hướng dẫn hộ gia đình phải đảm bảo được các yêu cầu tối thiểu: Hố chứa phân kín, không bị hở phân; lỗ đi tiêu phải có nắp đậy và luôn được đậy kín khi không sử dụng để ngăn ruồi tiếp xúc với phân người và phải có chất độn (tro bếp, đất bột…) để phủ phân sau mỗi lần đi tiêu. Tại các nơi công cộng trong các khu dân cư, đặc biệt tại các trường học, trụ sở cơ quan, đơn vị và cơ sở y tế: Đảm bảo có đủ nhà tiêu và nước sạch để sử dụng và thường xuyên giám sát tình trạng vệ sinh đối với các công trình vệ sinh. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến giáo dục ý thức vệ sinh nơi công cộng.

     Chăn nuôi và quản lý, xử lý phân gia súc, gia cầm hợp vệ sinh; gia súc, gia cầm phải được nuôi trong chuồng trại hợp vệ sinh, không thả rông gia súc, gia cầm; chuồng trại cần quy hoạch riêng, xa nhà ở và cuối hướng gió, có rãnh để thoát nước thải (nước tiểu, nước rửa chuồng), lưu ý, rãnh phải kín và được dẫn vào hố thấm nước thải của gia đình. Hàng ngày, phải quét dọn chuồng trại sạch sẽ và thực hiện xử lý phân hợp vệ sinh. Phân ở trang trại phải được giữ càng khô càng tốt nhằm hạn chế sự ẩm ướt là một trong những điều kiện tốt để ruồi đẻ trứng. Áp dụng một số biện pháp xử lý phân gia súc, gia cầm hợp vệ sinh như: Ủ phân đúng kỹ thuật làm cho nhiệt độ trong khối phân ủ có thể đạt tới 50 – 60C và đồng thời cho 03 tác dụng: Tiêu diệt một phần mầm bệnh, tiêu diệt ấu trùng ruồi nhặng và nâng cao chất lượng phân bón. Phân ủ được đắp theo hình con đê trên nền xây hoặc nền đất nén chặt. Khối phân ủ phải được đầm, vỗ chặt và phải được che bọc bằng ni long kín không thấm nước hoặc trát bằng bùn trấu, tro trấu hoặc phủ bằng rơm rạ, nếu là rơm rạ thì phải đạt độ dày 15 – 20 cm nhằm để phòng trứng nở và duy trì sức nóng của sự lên men. Xây dựng hệ thống Biogas để xử lý phân và làm nguồn nguyên liệu để đun nấu, biện pháp này thích hợp cho những nơi chăn nuôi tập trung, có khối lượng phân lớn. 

      Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt công tác vệ sinh và thu gom, xử lý rác thải, nước thải hợp vệ sinh,đối với hộ gia đình: Thực hiện vệ sinh nhà ở; thường xuyên quét dọn nhà cửa, bếp, sân, đường đi sạch sẽ; không khạc nhổ bữa bãi ra nền nhà, sân vườn; phát quang bụi rậm, san lấp vũng nước đọng; chất thải rắn ở trong nhà (rác thải, thức ăn thừa…) phải được thu gom vào thùng rác có nắp đậy kín và được đổ bỏ hàng ngày; tùy điều kiện thực tế, thực hiện xử lý rác thải hợp vệ sinh bằng một trong các biện pháp sau: Đổ rác vào thùng rác của Công ty Môi trường đô thị để xử lý tập trung; tại khu vực nông thôn, hàng ngày đổ rác vào hố rác, thực hiện chôn hoặc đốt hoặc ủ để làm phân bón; khi chôn rác thải phải đảm bảo rác thải phải được chôn sâu ít nhất 20cm, phủ đất lên trên và rồi nện chặt nhằm hạn chế sự nở của ấu trùng và đẩy mạnh nhiệt độ lên men, điểm mà ấu trùng không thể sống sót; đối với những chất có nguy cơ chứa mầm bệnh phải được bọc kín và đốt cháy ở bất cứ nơi nào có thể; đối với nước thải ở quanh nhà, nhà tiêu, chuồng gia súc, giếng nước… phải có rãnh thoát nước dẫn ra hố thấm nước thải và đồng thời thường xuyên san lấp tất cả các vũng nước đọng để triệt nơi sinh sản của ruồi. Đối với thôn/bản, khu dân cư: Hàng tuần, hàng tháng lấy một ngày nhất định để tổng vệ sinh, phát quang đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Giữ vệ sinh sạch sẽ vực nguồn nước và khu vực xung quanh nguồn nước; xây dựng và sửa chữa đường xá, mương rãnh thoát nước, san lấp các chỗ trũng, các vũng nước đọng để tránh lầy lội và triệt nơi sinh sản của ruồi, muỗi; không họp chợ bên đường; không thả rông súc vật như chó, lợn, trâu, bò… ra đường đi lại. Thực hiện biện pháp ngăn chặn ruồi tiếp xúc với thức ăn, vật dụng của con người như sử dụng các dụng cụ chứa đựng, bảo quản thức ăn và che chắn ruồi như tủ lạnh, tủ, chạn thức ăn… Sử dụng lưới che ruồi (mắt lưới khoản 1,18mm), cửa tự động kết hợp với tấm đập dẹp bằng cao su có thể phòng chống ruồi trưởng thành vào nhà.

     Các biện pháp diệt ruồi nhặng luôn được áp dụng đồng thời với các biện pháp phòng ngừa, mặc dù phải xác định rằng chúng chỉ là các biện pháp hỗ trợ. Biện pháp cơ học đơn giản nhất đã lưu hành từ xa xưa khắp nơi trên thế giới là diệt ruồi bằng vỉ ruồi, dễ phổ cập, dể sử dụng; dùng phương tiện bẫy ruồi như: Một số biện pháp dân gian như sử dụng bịch nilon đựng nước, sử dụng chai nước bôi mật ở miệng là phương tiện diệt ruồi đã từng được tuyên truyền rộng rãi, song hiệu quả không cao; sử dụng bẫy thuỷ tinh, bẩy dính và bẫy lồng là phương tiện đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả. Biện pháp vật lý dùng bẫy đèn với nguồn sáng thích hợp dẫn dụ và diệt ruồi bằng điện thế cao; Biện pháp sinh học… Dùng các biện pháp hoá học: Chất vô cơ (vôi bột…), chất hữu cơ cổ điển (dầu hỏa, dầu diezen…), lân hữu cơ (Malathion, Dipterex…), carbamat (Propoxur, Sevin…), thuốc tổng hợp Pyrethroid có nguồn gốc thảo mộc (Permethrine, Allethrine, Tetramethrine…). Phải diệt ấu trùng và diệt ruồi nhặng trưởng thành bằng hóa chất diệt côn trùng thông qua đường hô hấp, tiếp xúc, tiêu hóa và tạm thời có thể diệt ruồi rất nhanh khi có dịch kiết lỵ, dịch đau mắt đỏ... khi phát sinh ruồi với số lượng lớn, khi dịch xảy ra hoặc khi cần kiềm chế số lượng quần thể ruồi nhặng phát sinh từ các sinh cảnh mà các biện pháp khác chưa khắc phục được. Tổ chức phun hóa chất do ngành Y tế thực hiện.

     Sử dụng bả độc diệt ruồi là phương tiện phổ cập nhất hiện nay, bả độc có thể chế tạo ở dạng khô, dạng nước hoặc dạng keo sơn, thành phần gồm hóa chất diệt ruồi và chất thu hút ruồi (hoá chất diệt ruồi thường dùng là lân hữu cơ hoặc carbamat). Bả độc có thể đặt ở đĩa hoặc đổ vào ống bơ treo ở tường, cột, hàng rào, thân cây, khi sử dụng bả độc luôn lưu ý đến vị trí đặt bả sao cho an toàn cho người và vật nuôi. Dây bả treo bằng dây thừng hoặc vải tẩm hoá chất diệt côn trùng và các chất dẫn dụ tạo thành các dàn dây căng ngang và treo dọc; treo dưới trần, mái nhà với phần dây thả dọc dài 0,5-1m, phương tiện này thường được áp dụng cho chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm./.
 
Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử Cục y tế dự phòng

Admin

Tin tức liên quan

Chuyên gia hướng dẫn theo dõi, phát hiện phản ứng sau tiêm chủng

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia khuyến cáo, sau mũi tiêm, không chỉ việc theo dõi 30 phút đầu ngay tại Trạm Y tế là quan trọng, mà việc theo dõi 1 - 2 ngày sau tiêm chủng rất ý nghĩa để kịp thời phát hiện những bất thường của trẻ.

Xem chi tiết Next

Khuyến cáo về phòng, chống bệnh Thủy đậu

Bệnh Thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter (gây ra bệnh Thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy Thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng Thủy đậu.

Xem chi tiết Next

Đà Nẵng giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa trở thành mối quan tâm không chỉ ở nước ta mà còn ở rất nhiều quốc gia khác do nó tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Xem chi tiết Next

Nguyên tắc phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm - còn gọi là cúm A/H5N1 - do vi rút cúm A/H5N1 gây ra, là bệnh rất dễ lây lan, dễ tái phát, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể gây chết người và chết gia cầm hàng loạt, vì vậy chúng ta cần phải hết sức đề phòng trước sự tái phát của cúm A/H5N1 tại nước ta.

Xem chi tiết Next
Thong ke