Bác sỹ Trần Thị Mười, Phó trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến cho người mới gặp ấn tượng khó phai.
Bác sỹ Trần Thị Mười, Phó trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến cho người mới gặp ấn tượng khó phai. Vóc người nhỏ nhắn, cặp kính trễ trên gương mặt gầy, nhưng ngày nào bác sỹ Mười cũng 2-3 vòng thang bộ chạy khắp Trung tâm Y tế. Số là bác sỹ Mười có tính sợ thang máy, nhưng công việc thì chất ngất nên chị không thể mập được vì phải “chạy thể dục” hàng ngày. Nói chuyện với chị Mười mới thấy để một chương trình lớn như chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thành công, thì những hạt nhân ở địa phương như bác sỹ Mười là vốn quý.
Người sợ thang máy
Cách đây trên 20 năm, khi chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu hành trình phòng bệnh cho trẻ em, thiết bị y tế phục vụ cho chương trình vẫn còn thô sơ lắm. Lúc ấy chị Mười và các đồng nghiệp mỗi khi đi tiêm chủng phải mang theo cả… đá mài để mài kim và nồi hấp kim tiêm chủng. Vì có lúc không đủ kim tiêm, bác sỹ phải luộc hấp lại kim để dùng. Những lúc ấy, phích lạnh bảo quản vắc xin cũng không hiện đại như bây giờ, các chị phải mua bình xốp ngoài chợ rồi bỏ đá vô thùng, vắc xin thì lấy bao nilon bọc lại rồi xếp vào thùng xốp. Đó là “đồ nghề” của người đi làm tiêm chủng.
Nhưng đến nay nhờ hàng loạt sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức quốc tế, trang thiết bị phục vụ tiêm chủng giờ hiện đại hơn nhiều. Phích lạnh chứa vắc xin trước có 4 tích đá, nay là 8 tích đá chứa được nhiều vắc xin hơn hơn. Trước đây, 10 xã phường của Thuận An chỉ được trang bị 4 tủ lạnh, còn bây giờ 10/10 xã phường đều được trang bị tủ lạnh để bảo quản vắc xin. Còn riêng Trung tâm Y tế thị xã có tới 3 tủ lạnh đảm bảo bảo quản ngay cả các thời điểm vắc xin về nhiều. Bác sỹ Mười chỉ có một băn khoăn là nhiệt kế được trang bị ít quá, chỉ 1-2 nhiệt kế/xã phường, trong khi loại thiết bị này nếu dùng đi dùng nhiều lần sẽ rất dễ bị hư hỏng.
Đã hơn 20 năm gắn bó với tiêm chủng, nên có thể nói tiêm chủng đã gắn bó máu thịt với bác sỹ Mười. Chị có thể nói cả ngày không hết chuyện về tiêm chủng, về những khó khăn và cả những điều mà các chị đã cùng với chương trình làm được trong những tháng năm qua. “Đầu năm 2014 khi thấy số trẻ bị sốt phát ban lên tới 600 cháu, em lo lắm, nhưng giờ đây sau hai đợt tiêm vét và chiến dịch tiêm ngừa sởi- rubella, thấy không còn trẻ em sốt phát ban vào viện, chỉ thế thôi là em đã thấy mừng lắm rồi”- bác sỹ Mười chia sẻ. Nói rồi chị lại tất tả chạy thang bộ, trong khi cả đoàn chúng tôi thì vào thang máy. Thế nhưng khi những người đi bằng thang máy có mặt tại Khoa Kiểm soát dịch bệnh, đã thấy bóng dáng nhỏ bé của chị Mười hiện diện. Quả là không gì nhanh bằng sức của những người tận tụy và yêu mến những gì họ đang có, đang làm và cống hiến.
Và người đi, đến tận cùng với tiêm chủng, phòng bệnh
Khác với các tỉnh thành khác, Bình Dương có đặc trưng là một vùng đất hứa của những người trẻ tuổi từ khắp các tỉnh thành đổ về lập nghiệp. Phường Bình Hòa, thị xã Thuận An nơi chúng tôi đến là một trong hai phường đông dân nhất thị xã, với trên 96 ngàn dân, tương đương với số dân của huyện Phú Giáo cũng thuộc tỉnh Bình Dương này. Hãy thử tưởng tượng một phường mà số dân bằng một huyện thì việc quản lý hành chính, chăm lo y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng sẽ “nặng gánh” đến thế nào? Bác sỹ Nguyễn Thị Lê Thu, trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Bình Hòa cho biết phòng khám này triển khai tới 12 ngày tiêm chủng/tháng, tức là mỗi tuần 3 ngày, trong khi bình thường mỗi phường chỉ dành 1-3 ngày/tháng cho công tác tiêm chủng. Trạm Y tế phường Bình Chuẩn thì mỗi tháng 4 ngày tiêm chủng, nếu không sẽ không đủ thời gian để tiêm chủng cho các cháu trong phường.
Tuy nhiên, không chỉ tiêm chủng mà những người như bác sỹ Mười, bác sỹ Thu còn bận bịu về nhiều chương trình khác. Theo chị Mười, Khoa Kiểm soát dịch bệnh của chị không có trưởng khoa, lại có rất nhiều hoạt động khác nhau, từ chương trình lao, HIV, sốt xuất huyết, sốt rét, tiêm chủng mở rộng… Trong đó riêng chương trình lao quản tới 500 bệnh nhân. Những ngày cao điểm, các anh chị trong khoa đều phải “chạy”. “Rất may chúng tôi nhận được sự ủng hộ của ngành y tế tỉnh và tại Trung tâm là sự hỗ trợ hết mình của bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung, GĐ Trung tâm”- chị Mười hồ hởi cho biết.
Khi chúng tôi đến thăm khu phố Đồng An, thị xã Thuận An, buổi chiều khá vắng vẻ vì cha mẹ trẻ đã đi làm hết, trong các căn nhà dọc hai bên phố, chỉ có bóng dáng bà bế cháu hay các cô trông nhóm trẻ đang loay hoay lo cho lũ trẻ ăn bữa xế. Nhiều người chạy ra vì nhớ mặt “giảng viên Trần Thị Mười” vì từng gặp mặt chị tại các buổi tập huấn, tuyên truyền lợi ích tiêm chủng cho trẻ em, vận động bà mẹ đưa trẻ đi tiên chủng đầy đủ, đúng lịch, theo dõi trẻ sau tiêm chủng; rồi tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và các dịch bệnh khác. Thấy một phụ nữ phàn nàn dạo này thấy muỗi nhiều, lác đác đã có những gia đình nhiều người sốt xuất huyết, chị Mười dừng lại say sưa hướng dẫn thế nào thì cần phun muỗi, phòng muỗi và diệt lăng quăng ra sao… Nhìn gương mặt say sưa của chị, chúng tôi không khỏi nhủ thầm những chương trình lớn sẽ ra sao nếu không có những hạt nhân như vậy. Trở lại Hà Nội, chúng tôi sẽ nhớ mãi một người bác sỹ đã may mắn được gặp ở Thận An, Bình Dương, mảnh đất trù phú đang bao dung đón nhận những người con của mọi miền đất nước.
Cộng tác viên, Chương trình TCMR
Admin