​Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

09/09/2024 In bài viết

Bệnh Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 27/8/2024, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã công bố dịch, bệnh truyền nhiễm nhóm B trên địa bàn toàn Thành phố. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trong cộng đồng, ngày 28/8/2024 Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung như sau:

  1. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện công văn số 4847/BYT-DP ngày 19/8/2024 về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch mùa tựu trường; công văn số 4992/BYT-DP ngày 23/8/2024 về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi và các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh sởi.

  2. Chỉ đạo Sở Y tế và chính quyền địa phương các cấp tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; chủ động phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn.

  3. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài, truyền thông cơ sở trên địa bàn phối hợp với ngành Y tế thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh và không để tình trạng hoang mang lo lắng trong dư luận. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke