Tin tức

Tin tức

​Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

22/10/2024 In bài viết

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu tháng 10/2024 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (huyện Hương Khê) đã ghi nhận một số ổ dịch sởi. Để chủ động công tác phòng, chống bệnh sởi, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan, Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 1050/DP-DT gửi Đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đề nghị quan tâm chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc, các ổ dịch tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để bùng phát, lây lan. Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

2. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi; tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi theo Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 của Bộ Y tế và tổ chức triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

3. Thực hiện tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh (tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên, phát hiện kịp thời những trường hợp mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế; người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, phải nghỉ học, nghỉ làm việc và cách ly y tế 7 ngày kể từ ngày phát ban; khử trùng bề mặt toàn bộ lớp học, nơi làm việc; tăng cường thông khí, ánh sáng tự nhiên lớp học, nơi làm việc…).

5. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường truyền thông về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch.

6. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh sởi, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.

7. Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin chống dịch, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.

8. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Báo cáo hằng ngày bằng văn bản gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) về tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke