Tin tức

Tin tức

​Thiếu vắc-xin hay tâm lý lo lắng của người dân tạo nên cơn sốt?

15/03/2015 In bài viết

_

 

(PL&XH) - “Hiện nay, chúng ta không thiếu vắc-xin mà chỉ thiếu loại vắc-xin dùng trong tiêm chủng dịch vụ, loại vắc-xin mà những ông bố, bà mẹ phải bỏ tiền ra để tiêm cho con mình”, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định.

Vì sao nhiều người “bỏ rơi” vắc-xin miễn phí?
Những năm qua, do làm tốt công tác tiêm chủng nên nhiều bệnh thường gặp ở trẻ em đã được loại bỏ ở Việt Nam. Mấy ngày nay ở Hà Nội và TP HCM có thông tin là vắc-xin tiêm chủng bị thiếu, nên nhiều ông bố, bà mẹ đang phải chờ đợi vắc-xin để tiêm cho con mình.
Nhiều người lo lắng về độ an toàn của vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thay vào đó phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc-xin dịch vụ, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1… Tuy nhiên, vắc-xin dịch vụ đang khan hiếm nhưng rất nhiều bà mẹ vẫn cố đợi tiêm bằng được cho con loại vắc-xin này. Do thời gian chờ quá lâu nên có nhiều cha mẹ đã chuyển sang tiêm cho con loại vắc-xin theo chương trình TMMR.
Không khó để giải thích vì sao nhiều ông bố, bà mẹ lại thờ ơ với các loại vắc-xin trong chương trình TCMR. Bởi vài năm trở lại đây, một vài vụ tai biến xảy ra với trẻ tiêm vắc xin trong chương trình TCMR khiến các bậc cha mẹ hoang mang, lo sợ.
Ngoài ra, nhiều trẻ cũng bị ảnh hưởng, thậm chí tử vong sau khi tiêm do lỗi của cán bộ tiêm chủng. Vậy nên, họ đổ xô cho trẻ đi tiêm vắc -xin dịch vụ khiến nhu cầu tiêm vắc-xin này tăng mạnh. Trong khi, nguồn cung không đáp ứng đủ cầu nên tạo ra tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ, đặc biệt là các vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1, 3 trong 1 tiếp diễn kéo dài.
Chị H, ở Hà Nội chia sẻ: “Con tôi đã được 9 tháng tuổi nhưng cháu mới tiêm được một mũi vắc xin 6 trong 1, trong khi theo lịch trẻ hoàn thành mũi tiêm tổng hợp này khi được 4 tháng tuổi. Gia đình tôi thường xuyên đến các trung tâm tiêm chủng lớn ở Hà Nội đăng ký tiêm tiếp vắc -xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 cho con nhưng đều không có vắc-xin. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ thế này chắc tháng tới tôi cũng phải cho con đi tiêm ở phường”.

Chị Trần Thanh T, ở huyện Mỹ Đức bày tỏ: “Dù được tuyên truyền an toàn nhưng tôi rất lo, bởi thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp trẻ bị tai biến sau tiêm vắc-xin Quinvaxem”.
Chị Lê Thanh Th, ở quận Thanh Xuân cũng khá phân vân nhưng sau khi được nhân viên tư vấn khuyên và thấy nhiều bà mẹ khác đến đăng ký nên chị cũng quyết định cho con tiêm.
Không chờ được vắc-xin dịch vụ, chị Thanh D, ở Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy đã đưa con gái mới 6 tháng tuổi đi tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết: “Bé đầu tiêm toàn bộ vắc-xin dịch vụ thấy không sốt, quấy khóc nên bé thứ hai cũng muốn tiêm theo chứ không phải lo ngại về vắc-xin miễn phí. Thế nhưng, con nhỏ không thể kéo dài lịch tiêm mà lại phải đi lại nhiều lần đến điểm của Cty vắc-xin và sinh phẩm số 1, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đều không có vắc-xin nên tôi quyết định đưa bé đi tiêm vắc-xin miễn phí”.
Còn chị Lê Thị Thúy M, ở quận Đống Đa cùng nhiều người vẫn khẳng định, sẽ đợi để cho con được tiêm loại vắc-xin dịch vụ bởi cảm thấy yên tâm hơn.

Theo các chuyên gia, chất lượng và độ an toàn của vắc-xin sử dụng trong chương trình TCMR không khác gì so với các vắc-xin sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ. Bằng chứng thực tiễn về những thành quả của chương trình TCMR ở Việt Nam trong 30 năm qua (10/12 vắc-xin trong nước sản xuất) đã chứng minh tính an toàn và hiệu qủa của các vắc-xin này. Các bà mẹ hãy tin tưởng là ngành y tế đã, đang và sẽ cố gắng với hết tinh thần trách nhiệm của mình để đảm bảo tiêm vắc-xin là an toàn và hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những thành quả to lớn của TCMR ở Việt Nam.

 
Bên cạnh những người thờ ơ với với loại vắc-xin được tiêm cho trẻ trong chương trình TCMR thì đa số vẫn đặt niềm tin vào loại  vắc-xin này.    

Tâm lý người dân tạo nên cơn sốt ?
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta tiêm chủng theo hai hình thức. Thứ nhất là TCMR, bao phủ khoảng 12 loại vắc-xin dự phòng, do Nhà nước đảm bảo miễn phí cho trẻ em và đảm bảo được kế hoạch hàng năm cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin và đúng lịch tiêm chủng. Thứ hai là tiêm với hình thức dịch vụ, với khoảng 20 loại vắc-xin. Trong đó, có những loại vắc-xin giống như trong chương trình TCMR nhưng cũng có loại vắc-xin mà TCMR chưa tiêm nhưng lại được điều tiết theo cơ chế cung - cầu và người dân phải trả tiền.

Ông Phu cũng khẳng định, hiện nay, chúng ta không thiếu vắc-xin mà chỉ thiếu loại dùng trong tiêm chủng dịch vụ, loại vắc-xin mà những ông bố, bà mẹ phải bỏ tiền ra để tiêm cho con mình. Nguyên nhân thiếu các loại vắc-xin này là do nhà sản xuất không cung cấp đủ. Tình trạng nhiều ông bố, bà mẹ ưa chuộng hình thức tiêm các loại vắc-xin dịch vụ chỉ xảy ra tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM… Phương án triển khai tiêm vắc xin thuộc chương trình TCMR tại các điểm dịch vụ không phải nhằm giải quyết tình trạng thiếu vắc xin mà tạo điều kiện cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Nhiều bậc phụ huynh tại nhiều thành phố lớn luôn có tâm lý đưa con em mình tới các cơ sở tiêm phòng tự nguyện thay vì tới các cơ sở y tế dự phòng tại địa phương.     

Qua những con số thống kê, năm 2014, vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 chỉ có 600.000 liều, tương ứng khoảng 200.000 trẻ được tiêm các loại vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1. Nhưng ở nước ta, mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ ra đời, trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta đạt trên 96%, nghĩa là trên 1,5 triệu trẻ đã được tiêm vắc-xin. Nếu làm một phép tính, lấy 1,5 triệu trẻ trừ đi 200.000 trẻ được tiêm vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 thì có thể thấy rằng, có khoảng gần 1,5 triệu trẻ đã tiêm vắc-xin trong chương trình TCMR (vắc-xin Qinvaxem). Trong khi đó, vắc-xin dịch vụ cũng chỉ có vài năm nay còn trước đây chúng ta vẫn sử dụng vắc-xin DPT với những thành phần gần giống như vắc-xin Qinvaxem và đến nay chúng ta vẫn sử dụng chúng.

“Một nghịch lý đang diễn ra trong việc tiêm vắc-xin dịch vụ và chương trình TCMR là người dân chấp nhận chờ đợi, xếp hàng để tiêm vắc-xin dịch vụ trong khi vắc-xin miễn phí được Bộ Y tế cung ứng đầy đủ, nhưng phải đi đến từng nơi tuyên truyền, vận động người dân tiêm”, PGS-TS Trần Đắc Phu lo lắng.

Năm 2014, chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh ho gà và lo lắng sẽ bùng phát thành dịch bệnh nhưng may mắn là điều đó đã không xảy ra. Theo thống kê thì năm 2014, cả nước ghi nhận 107 ca mắc ho gà, trong đó tập trung chủ yếu ở các tính phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… Tìm hiểu những ca mắc ho gà tại BV Nhi Trung ương thì Bộ Y tế đã nhận thấy, có các trẻ bị mắc là do chưa tiêm vắc-xin hoặc là không được tiêm đầy đủ. Việc gián đoạn tiêm vắc-xin được chỉ ra là do 2 nguyên nhân, các cháu lớn là do trước vắc-xin Qinvaxem bị gián đoạn, một số cháu không được tiêm chủng đầy đủ, với trẻ nhỏ thời gian qua do khan hiếm vắc-xin dịch vụ, các ông bố, bà mẹ đã cố chờ, không cho con đi tiêm.
Những nguyên nhân mà Bộ Y tế chỉ ra cho thấy việc không được tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng thời hạn nguy hiểm như thế nào đối với trẻ nhỏ. Những bậc phụ huynh vì tâm lý không tin tưởng vào loại vắc-xin con mình được tiêm nên đã cố chờ loại vắc-xin như ý muốn để tiêm cho con nên đã hứng chịu những hậu quả hết sức nguy hiểm.

 
“Mọi người không nên quá lo lắng về độ an toàn của vắc-xin trong chương trình TCMR. Kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vắc-xin trong chương trình TCMR trong thời gian qua đều cho thấy, không liên quan đến chất lượng vắc-xin. Tai biến chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng. Vắc-xin được sử dụng trong chương trình TCMR đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới. Các mẫu vắc-xin cũng được kiểm tra và khẳng định về tính an toàn tại Viện Kiểm định quốc gia Vắc-xin và sinh phẩm y tế”, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia khẳng định.


Theo Khánh Phong - Báo PL&XH

Admin

Tin tức liên quan

Hà Nội: Đổ xô đưa trẻ đi tiêm vắc-xin miễn phí

Trước thắc mắc của nhiều người dân về độ “vênh” về chất lượng của hai loại vắc-xin dịch vụ và mở rộng, ông Cảm nói: “Hiệu quả tiêm vắc-xin dịch vụ và vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là như nhau. Việc phụ huynh tiêm 1 hoặc 2 mũi dịch vụ, sau đó tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn được, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng về điều này”.
Ông Cảm khuyến cáo: Không lý gì khi mà vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có sẵn mà phụ huynh phải chờ đợi, dẫn đến bị muộn, trẻ có thể bị bệnh. Phụ huynh hãy đưa con em đi tiêm đầy đủ, đúng lịch.

Xem chi tiết Next

Trả lời phỏng vấn của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia về tính an toàn và hiệu qủa của Vác xin Quinvaxem

Tỷ lệ tiêm vắc xin Quinvaxem trong chương trình TCMR trong năm vừa qua đạt trên 95% ở trẻ em dưới 1 tuổi. Điều đó chứng tỏ người dân vẫn tin tưởng vào độ an toàn và chất lượng của vắc xin này. Các bà mẹ hãy tin tưởng về tính an toàn và chất lượng các vắc xin này và các vắc xin khác hiện dùng trong chương trình TCMR và chủ động đưa con em minh đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỷ lệ tiêm chủng cao, chứ không phải có dịch mới đi tiêm vắc xin, hày đợi chờ tiem vắc xin dịch vụ để đảm bảo miễn dịch chủ động dự phòng hiệu quả.

Xem chi tiết Next
Thong ke