Tin tức

Tin tức

​Thời tiết thất thường, bệnh hô hấp “chiếm” khoa Nhi

11/01/2016 In bài viết

Miền Bắc đang từ lạnh chuyển sang nắng nóng cả tuần nay khiến hàng loạt trẻ em đổ bệnh. Số bệnh nhi phải đến bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám tăng khoảng 20 - 30%, trong đó bệnh hô hấp tăng mạnh, chiếm 2/3 số các ca bệnh.

 


 

Miền Bắc đang từ lạnh chuyển sang nắng nóng cả tuần nay khiến hàng loạt trẻ em đổ bệnh. Số bệnh nhi phải đến bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám tăng khoảng 20 - 30%, trong đó bệnh hô hấp tăng mạnh, chiếm 2/3 số các ca bệnh.

BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết trong 7 ngày trở lại đây, khi miền Bắc chuyển từ lạnh sang nắng nóng như mùa hè, với nền nhiệt độ cao về trưa, lạnh về sáng sớm và đêm khuya đã khiến số trẻ mắc bệnh về đường hô hấp tăng vọt. Số trẻ đến khám vì các bệnh lý viêm đường hô hấp tăng 20- 30% so với trước đó. Bác sĩ phải khám rất kỹ, chỉ định chặt chẽ chỉ những trường hợp nào viêm phổi ở trẻ nhỏ mới nhập viện, còn lại sẽ điều trị ngoại trú và tái khám.

Tuy vậy, số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng lên, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 15 - 20 trường hợp bệnh nhi nội trú, trong đó thì đến 2/3 là bệnh nhi viêm phổi, viêm phế quản.
 

Một em bé viêm phổi phải thở ôxy đang được điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải
Một em bé viêm phổi phải thở ôxy đang được điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải
 
Theo BS Nam, nguyên nhân của tình trạng này là do thời tiết thay đổi, đang lạnh lại trở nóng, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khiến trẻ dễ mắc viêm phổi vì không thích nghi được sự thay đổi thời tiết, vì nhiễm lạnh do mặc ấm. Bởi khi trời rét, các gia đình luôn chú tâm đến việc chống rét cho con, mặc nhiều quần áo. Khi trời ấm lên, như mấy ngày hôm nay, lên đến 26 độ C nhưng nhiều người vẫn mặc quá ấm cho trẻ, trẻ lại hay chạy nhảy, ra nhiều mồ hôi, mồ hôi ướt quần áo, thấm trở lại cơ thể nên trẻ bị nhiễm lạnh, rất dễ bị đường hô hấp rồi biến chứng viêm phổi.
 
“Nhiều trẻ khi đến viện khám, bác sĩ nghe phổi thấy ướt đẫm mồ hôi lưng vì bố mẹ ủ ấm”, BS Nam nói.
Trong đợt này, đối tượng viêm phổi nhiều nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Số trẻ nhỏ 2 - 3 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm phổi rất nhiều, có nhiều trẻ phải thở ôxy. Nhiều bà mẹ rất thảng thốt, không tin vào tai mình khi bác sĩ chỉ định con nhập viện vì viêm phổi bởi ở trẻ nhỏ biểu hiện không rầm rộ như trẻ lớn, nhiều trường hợp chỉ hâm hấp sốt, thậm chí không ho, hoặc chỉ húng hắng vài tiếng ho 1 - 2 ngày rồi bỏ bú, ngủ kém, suy hô hấp và khi đi khám thì đã viêm phổi.
 
Theo BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), viêm phổi ở trẻ em đến 20% là trẻ không xuất hiện triệu chứng ho, vì thế, không ít các bà mẹ chủ quan. Nhất là thời tiết “ẩm ương” như hiện nay, trẻ được mặc quần áo dài tay, quần áo body liền thân nên việc quan sát nhịp thở phát hiện nguy cơ viêm phổi cũng khó hơn.
Theo các bác sĩ, thời tiết này còn kéo dài, sẽ còn nhiều bệnh nhi viêm phổi nhập viện. Vì thế, hãy chú ý chăm sóc trẻ để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh, bằng cách lưu ý “mặc theo thời tiết” cho trẻ. Trẻ em cũng như người lớn, người lớn nóng đến mức mặc được đồ cộc tay thì không lẽ gì bắt trẻ con mặc áo ấm. Vì không những thân nhiệt trẻ cao hơn người lớn, trẻ còn vận động, chạy nhảy nhiều nên còn thấy nóng nực, đổ mồ hôi hơn. Vì thế, hãy mặc cho con trẻ như mặc cho mình và chú ý lau mồ hôi khi trẻ chạy nhảy.
 
Đặc biệt, khi mới ngủ, trẻ rất hay đổ mồ hôi, cần lau khô cho trẻ. Còn gần sáng trời trở lạnh, nên mặc cho trẻ một chiếc áo mỏng (mặc ngược), hoặc chăn mỏng để giữ ấm ngực, tay, tránh tình trạng đắp chăn chung với bố mẹ, bố mẹ thì thấy vừa đủ ấm còn trẻ lại mướt mồ hôi vì trẻ vốn nóng hơn người lớn.
 
Còn khi trẻ ốm, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, cha mẹ cần theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú, có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường), quấy khóc thì cần cho trẻ đi khám. Không nên mặc quần áo liền thân để theo dõi nhịp thở của trẻ. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Trẻ dưới 2 tháng tuổi được cho là thở nhanh khi bé thở từ 60 lần trong một phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi có nhịp thở 50 lần trong một phút trở lên và trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần trở lên trong một phút.



Nguồn tin: Hồng Hải - Báo Dân trí

Admin

Tin tức liên quan

Thử nghiệm thêm vaccine ngừa bại liệt cho trẻ

Dự kiến, đến năm 2018, vaccine bại liệt IPOVAC sẽ có mặt trên thị trường, giúp các bà mẹ có thêm lựa chọn khi cho trẻ đi tiêm chủng.
Được biết, đây là một trong 6 thành phần của vaccine phối hợp “6 trong 1” đang được Chính phủ và Bộ Y tế đưa vào Chương trình sản phẩm quốc gia.

Xem chi tiết Next

Cảnh báo về nguy cơ và tác hại do sử dụng rượu bia

Theo các số liệu nghiên cứu công bố trong “Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012”, nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích sẽ tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn[1] trong một ngày, và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.

Xem chi tiết Next
Thong ke