​Bệnh Đậu mùa khỉ

23/08/2022 In bài viết

Bệnh Đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, bệnh ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh Đậu mùa khỉ. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh Đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Hoa Kỳ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc và sau đó bệnh Đậu mùa khỉ được báo cáo rải rác ở những du khách từ Nigeria đến Israel vào tháng 9/2018, Vương quốc Anh vào tháng 9/2018, tháng 12/2019 và tháng 5/2021; Singapore vào tháng 5/2019; và Hoa Kỳ vào tháng 7 và tháng 11/2021.

Từ tháng 5 năm 2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, mà chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 15/8/2022, đã ghi nhận trên 35 nghìn ca mắc tại 92 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Hiện có một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập.

Vi rút gây bệnh Đậu mùa khỉ là một loại vi rút DNA sợi đôi, hiện có 2 nhánh vi rút gồm nhánh Trung Phi và nhánh Tây Phi, trong đó nhánh Trung Phi thường gây bệnh nặng hơn và có khả năng lây lan nhanh hơn. Một số loài cảm nhiễm với vi rút Đậu mùa khỉ gồm sóc cây, chuột túi Gambian, động vật linh trưởng và một số loại khác. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được chính xác ổ chứa.

Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Ngoài ra, cũng ghi nhận sự gia tăng và số lượng trường hợp bệnh tại các quốc gia khu vực Tây, Trung Phi.

Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy như là: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Theo WHO tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tỷ lệ tử vong của bệnh Đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm vi rút Đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1% và có thể cao hơn ở nhóm đối tượng bị suy giảm miễn dịch.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca mắc Đậu mùa khỉ.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke