Tin tức

Tin tức

​Thông tin về tiêm chủng vắc xin ASTRAZENECA

09/05/2024 In bài viết

1. Tiêm chủng vắc xin AstraZeneca là an toàn và hiệu quả

           Vắc xin AstraZeneca (AZD1222) là 1 trong 14 loại vắc xin COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp[1] (WHO vào ngày 15/2/2021, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu - EMA cấp phép sử dụng có điều kiện trên toàn châu Âu từ ngày 29/01/2021). Vắc xin này hiện là một trong những vắc xin được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 170 quốc gia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp và hơn 2 tỷ liều đã được tiêm chủng toàn cầu [2].

            Vắc xin AstraZeneca đã được chứng minh qua thực tiễn sử dụng rộng rãi là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và giảm tử vong do COVID-19. Phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu và theo dõi sau tiêm chủng chỉ ra rằng vắc xin này an toàn và hiệu quả cho mọi nhóm tuổi. Các thử nghiệm toàn cầu đã ghi nhận hiệu quả của vắc xin chống lại SARS-CoV-2 có triệu chứng là 74%, và không có trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch nào được báo cáo trong số những người đã tiêm chủng [3].

             WHO khuyến cáo rằng sử dụng vắc xin AstraZeneca là an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên. Tác dụng phụ hiếm gặp như huyết khối kèm Hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)[4] số liệu từ Anh và Châu Âu cho thấy nguy cơ xuất hiện TTS ước tính là 1 trên 100,000 người lớn được tiêm[5] và xảy ra trong khoảng 3-21 ngày [6] và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày [7]. Một thống kê khác của GAVI  cho thấy, tỷ lệ ghi nhận tại Anh là 4/1.000.000 người (tương đương 0.4/100.000 người).[8]

             Nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ huyết khối giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin là thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc phải hội chứng này sau khi nhiễm COVID-19 [9]. Bên cạnh đó, cục máu đông có thể xuất phát từ việc mắc Covid-19, thậm chí xảy ra đến tận 6 tháng sau khi mắc Covid-19 [10]. Với tỷ lệ rất hiếm gặp của huyết khối kèm giảm tiểu cầu, WHO và EMA đều khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin AZ trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 vượt xa so với rủi ro.

2. Việc sử dụng vắc xin AstraZeneca tại Việt Nam

          Tại Việt Nam, vắc xin AstraZeneca đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng có điều kiện từ ngày 01/2/2021 để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được Việt Nam nhập khẩu và triển khai tiêm chủng. Quá trình tiêm chủng diễn ra theo quy trình nghiêm ngặt do Bộ Y tế xây dựng và liên tục cập nhật để đảm bảo an toàn, hiệu quả, bao gồm các hướng dẫn chi tiết về khám sàng lọc trước tiêm, tổ chức buổi tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm. Các tiêu chuẩn chỉ định đối tượng tiêm và các mũi tiêm cũng được cập nhật liên tục theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.

          Tính đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 266 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho người dân từ 5 tuổi trở lên, trong đó có 70 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã được sử dụng cho các mũi tiêm đầu tiên và các mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

          Căn cứ trên các khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới về khả năng có biến chứng rối loạn đông máu sau tiêm vắc xin COVID-19, ngày 22/04/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, cục máu đông sau tiêm vắc xin COVID-19 (kèm Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 22/4/2021).

          Đến ngày 19/10/2023, theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT của Bộ Y tế, COVID-19 đã được chuyển từ nhóm A sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Sự thay đổi này phản ánh sự điều chỉnh của chính sách y tế công cộng phù hợp với diễn biến dịch bệnh hiện tại, và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện theo các quy định mới..

          Nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi và đạt tỷ lệ cao, vắc xin AstraZeneca cùng các loại vắc xin COVID-19 khác đã giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả đại dịch, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

3. Khuyến cáo

          Vì huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) liên quan đến vaccine AstraZeneca là tác dụng phụ rất hiếm gặp và thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn sau tiêm. Kể từ tháng 7 năm 2023, Việt Nam đã sử dụng hết loại vaccine này, nên hiện tại không còn rủi ro phát triển TTS sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Do vậy đối với những người đã tiêm vaccine này, không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu do không còn nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở những người đã tiêm vaccine AstraZeneca từ gần 1 năm trước.

          Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần liên tục cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy và chính thức để có cái nhìn đầy đủ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch và hiểu rõ lợi ích của việc tiêm chủng.

Ban biên tập Trang thông tin điện tử của Cục Y tế dự phòng

 

[1] https://extranet.who.int/prequal/vaccines/covid-19-vaccines-who-emergency-use-listing

[2] Geographical distribution of TTS cases following AZD1222 (ChAdOx1 nCoV-19) vaccination (thelancet.com)

[3] https://iris.who.int/bitstream/handle/10665/352466/WHO-2019-nCoV-vaccines-SAGE-recommendation-AZD1222-2022.1-eng.pdf?sequence=1

[4] Khi tiêm vaccine làm từ Adenovirus vào người sẽ kích hoạt tiểu cầu. Tiểu cầu giải phóng ra một loại protein có tên là PF4. Ở một vài người, cơ thể họ có phản ứng miễn dịch bất thường. Các nghiên cứu cho thấy có liên quan tới yếu tố gen, gặp nhiều ở người châu Âu. Những trường hợp hy hữu này kháng thể hình thành có thể bám vào PF4 giống như keo siêu dính, tạo thành các cấu trúc lớn được gọi là "phức hợp miễn dịch", gây ra cục máu đông. Hết vaccine, tiểu cầu trở về bình thường, không có PF4 sẽ không còn nguy cơ cục máu đông - https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9359676/#:~:text=Anti%2DPF4%20antibodies%20bind%20PF4,develop%20VITT%20is%20still%20unknown

[5] https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-vaccines-SAGE_recommendation-AZD1222-2021.1

[6] Interim recommendations for use of the ChAdOx1-S [recombinant] vaccine against COVID-19 (AstraZeneca COVID-19 vaccine AZD1222 Vaxzevria™, SII COVISHIELD™)

[8] https://www.gavi.org/vaccineswork/serious-blood-clots-more-likely-covid-19-infection-vaccine

[9] Risk of thrombocytopenia and thromboembolism after covid-19 vaccination and SARS-CoV-2 positive testing: self-controlled case series study - PubMed (nih.gov)

[10] Risks of deep vein thrombosis, pulmonary embolism, and bleeding after covid-19: nationwide self-controlled cases series and matched cohort study - https://www.bmj.com/content/377/bmj-2021-069590

Ban biên tập Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke