Tin tức

Tin tức

​Tình hình bệnh dại năm 2023 và đầu năm 2024

12/03/2024 In bài viết

Tình hình bệnh dại năm 2023

Năm 2023 cả nước ghi nhận 82 người chết do bệnh Dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (~17%). Bệnh xảy ra ở tất cả các tháng trong năm 2023, trong đó tập trung nhiều vào các tháng 3,4,8. Khu vực miền Bắc là khu vực có số người tử vong do bệnh dại cao nhất trong cả nước (38,6%); khu vực miền Trung là 13,4%, miền Nam và Tây Nguyên có số tử vong bằng nhau (24,4%). Chó vẫn là nguồn lây truyền chủ yếu chiếm 80% các trường hợp tử vong, 18% do mèo, 0,1% do dơi và 2% là do các động vật khác như chuột, khỉ.

Bệnh Dại phân bố ở 30/63 tỉnh/TP, tăng so với năm 2022 (28 tỉnh). Trong đó, khu vực miền Bắc có 14/28 tỉnh, khu vực miền Nam 8/20 tỉnh, khu vực Tây Nguyên 3/4 tỉnh, khu vực miền Trung xảy ra ở 5/11 tỉnh. Các tỉnh có số ca bệnh dại tử vong cao nhất trong năm 2023 là Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca (năm 2022 không có), Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.

Kết quả phân tích các trường hợp tử vong do bệnh dại năm 2023 trên toàn quốc1[1] cho thấy:

- Tỉ lệ ca tử vong do bệnh dại ở nam giới (72%).

-Tỉ lệ người dân tộc thiểu số bị bệnh dại chiếm tới 60% tổng số ca bệnh.

- Tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh Dại chiếm 34%, người trong độ tuổi từ 15- 24 tuổi là 6%, nhóm tuổi 25-49 tuổi là 36,5%, nhóm tuổi trên 50 là 29,5%.

- 81/82 các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau khi bị chó cắn, 01 trường hợp có tiêm vắc xin nhưng không tiêm huyết thanh kháng dại.

- Lý do không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại:

+ Chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn chó bình thường: 72%.

+ Không có hiểu biết về bệnh dại: 11%.

 + Không có tiền: 12%

+ Dùng thuốc nam/đông y: 12%

+ Trẻ nhỏ không nói: 6%

+ Không khai thác được thông tin: 3%

Tình hình tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại

Trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận 674.888 người đi tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và không có trường hợp nào bị tử vong do bệnh dại sau khi được điều trị dự phòng. Số người đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong năm tăng 45% so với năm 2022 (465.824 người). Miền Nam là khu vực có số người đi tiêm vắc xin phòng dại cao nhất trên cả nước cao nhất, chiếm 65,3%. Đa số người dân đã có ý thức đi tiêm vắc xin phòng dại sớm, 94% các trường hợp đi tiêm phòng trong khoảng 10 ngày sau khi bị động vật cắn.

Tỷ lệ bệnh nhân được sử dụng huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng còn thấp, chiếm 18% trong tổng số bệnh nhân có vết thương mức độ III là mức độ bắt buộc sử dụng huyết thanh kháng dại. Cụ thể, tỉ lệ bệnh nhân tiêm huyết thanh kháng dại trên số bệnh nhân có vết thương độ III tại các khu vực lần lượt là: miền Bắc 31,8%, miền Trung 22%, miền Nam 14%, Tây Nguyên 25,6%.

Tình hình bệnh dại năm 2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận sự gia tăng đột biến với 22 người tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2023 tại Đắk Lắk (4 ca), Long An (3 ca), Quảng Bình, Bình Thuận (2 ca) và các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Bến Tre, Cà Mau, Ninh Thuận, Phú Yên, Gia Lai (1 ca). Thống kê nhiều năm cho thấy thời gian này không phải là thời gian cao điểm của bệnh dại.

Nhận định, dự báo

Qua giám sát và điều tra tình hình dịch bệnh cho thấy, từ năm 2022 đến nay bệnh dại xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh, thành phố vốn trước đây không có ca bệnh hoặc đã lâu không ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt thời gian gần đây có sự gia tăng số ca bệnh có thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ 10-15 ngày (thường là các ca bị chó, mèo cắn gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương). Bên cạnh đó, số ca bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi cũng tăng cao, trong dịp tết vừa qua số lượng trẻ em bị chó, mèo cắn và gây thương tích nghiêm trọng ở vùng đầu, mặt được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vắc xin hoặc tiêm muộn, không đúng chỉ định. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; cá biệt có một số tỉnh, thành phố chỉ đạt ~10%. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp (theo mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030).

Trước tình hình nói trên, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại nhiều tỉnh, thành và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố mà có tỉ lệ tiêm vắc xin dại trên đàn chó, mèo thấp.

 

[1] Báo cáo tình hình bệnh dại năm 2023 của Chương trình phòng, chống bệnh dại trên người Bộ Y tế (NIHE)

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke