Tin tức

Tin tức

​Tình hình dịch MERS đến 21/9/2015

22/09/2015 In bài viết

_
Trên thế giới tính từ tháng 9 năm 2012 đến nay đã ghi nhận tổng số 1.569 ca nhiễm MERS-CoV, trong đó có 554 ca tử vong. Tổng cộng có 26 quốc gia có công dân nhiễm MERS-CoV gồm: Ca bệnh tại chỗ (khu vực Trung Đông) có 9 quốc gia: Ả Rập Xê Út,  Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran; Ca bệnh xâm nhập (ngoài khu vực Trung Đông) có 17 quốc gia: Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp, Ai Cập, Mỹ, Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Theo Cơ quan Đầu mối (NFPs), tuần từ ngày 07-10/9/2015, tại Jordan xác định 05 trường hợp nhiễm MERS-CoV trong đó 02 trường hợp tử vong. Tuần từ ngày 06-11/9/2015, tại Ả Rập Xê Út báo cáo 22 trường hợp xác định nhiễm MERS-CoV, có 07 trường hợp tử vong, trong đó 03 trường hợp tại một bệnh viện ở Thủ đô Riyadh.

Tuyên bố mới nhất của Ủy ban tình trạng khẩn cấp WHO

Ngày 03/9/2015, Tổng giám đốc WHO đã triệu tập cuộc họp trực tuyến về MERS-CoV. Tại cuộc họp các chuyên gia đã phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh và nhận định:

- Tình hình dịch bệnh MERS hiện vẫn chưa phải là một sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp cần quan tâm quốc tế (PHEIC).
- Về tổng thể cần một ý thức nhận thức cao hơn, sự quan tâm về tình hình MERS.
- Dịch bệnh MERS được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm mới nổi dù đã xuất hiện ba năm ở người.
- Ổ chứa vi rút Corona ở lạc đà tiếp tục lây sang người ở một số nước và tiếp tục có các trường hợp lây truyền từ người sang người trong các cơ sở y tế. Chưa có ca lây từ người sang người trong cộng đồng.
- Tăng cường biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, trong phòng chăm sóc sức khỏe người bệnh, khoa hồi sức cấp cứu, duy trì thường xuyên điều kiện dự phòng cơ bản sẽ khống chế được dịch bệnh. Bên cạnh đó, đã có một số tiến bộ đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh MERS-CoV.
- Kết quả sự tiến bộ vừa qua là chưa đủ để kiểm soát mối đe dọa đối với MERS và cho đến khi đạt được điều này, các quốc gia, cá nhân và cộng đồng toàn cầu sẽ vẫn còn nguy cơ đáng kể đối với các ổ dịch mới, nhất là các quốc gia khu vực Trung Đông.
- Sự hành hương của du khách theo tập tục, nhận thức của cộng đồng, nhân viên y tế cũng như hệ thống giám sát dịch bệnh hạn chế hoặc yếu kém của các quốc gia sẽ còn có sự xuất hiện một ổ dịch MERS mới; có thể bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống y tế và xã hội.
- Nhiều khuyến cáo phòng chống MERS đã không được tuân thủ hoàn toàn, các trường hợp không có triệu chứng đã được thử nghiệm dương tính với vi rút không được báo cáo đầy đủ.
- Các báo cáo nghiên cứu giám sát tại các nước bị ảnh hưởng, giám sát vi rút học vẫn còn hạn chế; việc tìm hiểu cách thức vi rút lây truyền từ động vật sang người trong khu vực chăn nuôi; từ người sang người trong các cơ sở y tế còn thiếu thông tin, bằng chứng khoa học về MERS-CoV.
- Tất cả các cơ quan liên quan, đặc biệt là y tế công cộng quốc gia, thú y và các cơ quan nông nghiệp lưu ý những rủi ro sức khỏe cộng đồng sẽ tiếp tục và đáng kể gây ra bởi MERS. Các lĩnh vực này phải phối hợp chặt chẽ, chia sẻ quốc tế và làm theo những khuyến cáo đã được WHO đưa ra.

WHO khuyến cáo đối với MERS-CoV
1. Nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người mắc bệnh đáo tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh suy giảm miễn dịch. Những đối tượng này nên tránh tiếp xúc với động vật, đặc biệt là lạc đà khi tới các trang trại, chợ, chuồng trại nơi vi rút có khả năng lưu hành.
2. Các biện pháp vệ sinh chung như rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi sờ vào động vật và tránh tiếp xúc với động vật ốm.
3. Tuân thủ thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, không nên uống sữa tươi hoặc sữa bị nhiễm chất tiết của lạc đà không an toàn hoặc ăn thịt chưa nấu chín.
5. Thông tin phòng chống MERS-CoV tại khu vực vi rút có thể lưu hành cần được phổ biến rộng rãi, nhất là tại các cơ sở y tế trong khu vực.

Khuyến cáo với các quốc gia

1. Cần cảnh giác, tiếp tục giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, xem xét các trường hợp nhiễm trùng hô hấp khác thường và có tiền sử về từ các nước vùng Trung Đông.
2. Triển khai các biện pháp cơ bản phòng chống, kiểm soát phòng lây nhiễm, nhất là phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế.
3. Do MERS-CoV có các triệu chứng sớm không điển hình cần áp dụng các biện pháp dự phòng tiêu chuẩn và đầy đủ đối với cơ sở y tế và nhân viên chăm sóc người bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và nghi ngờ nhiễm MERS-CoV. 
4. Hoàn thành các điều tra, đánh giá về MERS-CoV để có hiểu biết đầy đủ về dịch tễ học, yếu tố nguy cơ.
5. Hỗ trợ nâng cao năng lực phòng chống cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi MERS-CoV.
6. Nâng cao nhận thức và truyền thông nguy cơ về MERS-CoV cho cộng đồng, cán bộ y tế, chính quyền.
7. Nâng cao nhận thức về MERS-CoV đối với du khách đến và đi từ các nước bị ảnh hưởng bởi MERS-CoV, thực hành các biện pháp vệ sinh y tế công cộng tốt.
8. Tăng cường hợp tác liên ngành, đặc biệt là thú y và y tế.
9. Chưa cần sàng lọc đặc biệt tại cửa khẩu, không hạn chế thương mại và du lịch tới các quốc gia bị ảnh hưởng.
10. Chia sẻ với WHO các thông tin liên quan cần thiết.
- Áp dụng đầy đủ các khuyến cáo trên.
- Chính quyền các quốc gia phải đảm bảo rằng tất cả các cơ sở y tế có đủ năng lực, kiến ​​thức và đào tạo để thực hiện và duy trì thực hành tốt, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm, biện pháp kiểm soát và xác định sớm các trường hợp.
- Cơ quan liên quan phối hợp cộng tác giải quyết các vấn đề chuyên sâu của hệ thống đó không cản trở sự kiểm soát đối với MERS, cả ở động vật và con người.
- Chính quyền các quốc gia phải đảm bảo việc chia sẻ nhanh chóng và kịp thời các thông tin quan trọng về sức khỏe công cộng, bao gồm cả điều tra dịch tễ học, thông tin chuỗi gen của vi rút phát hiện trong các nghiên cứu.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển vắcxin và thuốc chữa bệnh cho người và động vật.
- Bằng chứng cho thấy con lạc đà là nguồn chính của lưu hành vi rút Corona; cơ quan y tế công cộng, sức khỏe động vật và ngành nông nghiệp phải nâng cao sự hợp tác của họ để giải quyết các yếu tố nguy cơ sức khỏe cộng đồng về MERS.
- Nhận thức của Lãnh đạo cấp cao các quốc gia là điều cần thiết để đảm bảo toàn bộ Chính phủ phản ứng linh hoạt, hiệu quả và phối hợp tốt trong ứng phó với những thách thức do MERS cỏ thể gây ra.
WHO sẽ tiếp tục cung cấp bản tin cập nhật về MERS cho các thành viên Ủy ban và các quốc gia thành viên.

Công tác kiểm dịch y tế Việt Nam tại các cửa khẩu quốc tế
Trước tình hình dịch MERS-CoV trên thế giới, Việt Nam tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nước, ngăn chặn dịch MERS-CoV có thể xâm nhập vào nước ta:
1. Tiếp tục giám sát dịch bệnh MERS-CoV trong vòng 14 ngày đối với những người đến và đi từ các quốc gia khu vực Trung Đông: Ả Rập Xê Út (KSA), Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran và Bahrian.
2. Cán bộ trực giám sát các bệnh phải kiểm dịch y tế (theo Công văn số 1089/DP-KD ngày 09/9/2015 về tăng cường kiểm dịch y tế phòng, chống dịch bệnh) sẵn sàng tư vấn hỗ trợ thông tin cho du khách về phòng chống MERS-CoV.
3. Báo cáo kịp thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ MERS-CoV theo quy định.  


 
Cơ quan Đầu mối IHR, Văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Tin tức liên quan

Bộ Y tế xây dựng phần mềm quản lý tiêm chủng

Nhằm mục tiêu thống kê, kiểm tra thông tin và rà soát đối tượng tiêm chủng, không để sót đối tượng, đảm bảo quyền tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch của trẻ, trong đó lấy người dân làm trung tâm, Cục Y tế dự phòng cùng với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp xây dựng phần mềm quản lý tiêm chủng mang tên “Hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia”.

Xem chi tiết Next

Ấn Độ: Bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất 5 năm qua

Theo các quan chức Ấn Độ cho biết, thủ đô Delhi đang chịu sự chịu hoành hành của dịch bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong 5 năm qua

Xem chi tiết Next
Thong ke