​Tổ chức Y tế thế giới công bố tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola tại Công gô là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế

28/07/2019 In bài viết

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Công gô diễn biến phức tạp. Từ tháng 4/2018 đến nay đã ghi nhận 2.522 trường hợp mắc, trong đó có 1.698 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngày 11/6/2019 ghi nhận 01 người Uganda bị nhiễm vi rút Ebola sau khi trở về từ Công gô. Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 17/7/2019, Ủy ban Khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của WHO về dịch bệnh do vi rút Ebola đã họp và kết luận tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola tại Công gô đã đáp ứng đủ các điều kiện là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Công gô diễn biến phức tạp. Từ tháng 4/2018 đến nay đã ghi nhận 2.522 trường hợp mắc, trong đó có 1.698 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngày 11/6/2019 ghi nhận 01 người Uganda bị nhiễm vi rút Ebola sau khi trở về từ Công gô. Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 17/7/2019, Ủy ban Khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của WHO về dịch bệnh do vi rút Ebola đã họp và kết luận tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola tại Công gô đã đáp ứng đủ các điều kiện là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. 
Để chủ động ứng phó với dịch bệnh do vi rút Ebola, WHO đã đưa ra các khuyến cáo với các nước, cụ thể như sau:

• Đối với các quốc gia đang có dịch: tiếp tục triển khai quyết liệt công tác giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng; nhanh chóng cách ly, xử lý các ổ dịch, triển khai sử dụng vắc xin phòng bệnh và phòng chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại bệnh viện để hạn chế sự lây lan và tử vong. 

• Đối với các quốc gia có cùng biên giới với các nước đang có dịch: tăng cường năng lực chuẩn bị, xác định các dòng người di cư để dự báo nguy cơ lây lan; thực hiện giám sát, phát hiện sớm các trường hợp xâm nhập, đẩy mạnh truyền thông nguy cơ tại các khu vực cửa khẩu.  

• Đối với các nước khác trên toàn thế giới: không nên đóng cửa biên giới hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và giao thương. 

Cho đến nay, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ebola; tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh do vi rút Ebola xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Ebola xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố có cửa khẩu tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế đối với các hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đến từ quốc gia có dịch bệnh; đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường thác tiền sử các bệnh nhân trở về từ khu vực đang có dịch để phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. 

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới và chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta. 

 
Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
 
 

Admin

Thong ke