_
Ngày 27/6/2015, ghi nhận một trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem và uống OPV lần 1 ở trẻ nam 3 tháng tuổi tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem, uống OPV lúc 14h00 ngày 26/6/2015 tại Trạm Y tế phường Hòa Minh. Cán bộ tiêm chủng tại trạm đã thực hiện đúng các quy định về tổ chức tiêm chủng của Bộ Y tế. Trẻ được tiêm theo đúng quy trình, được theo dõi 30 phút sau tiêm và được tư vấn chăm sóc trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng.
Theo thông tin từ gia đình trẻ, sau khi tiêm chủng trở về nhà, trẻ khỏe và bú bình thường. Đến 18h00 ngày 26/6/2015, trẻ có biểu hiện sốt, gia đình có xử trí bằng cách lau mát cho trẻ và theo dõi nhiệt độ. Trẻ vẫn sốt nhẹ, bú và ngủ bình thường. Tới 7h00 ngày 27/6/2015, trẻ sốt 38,50C, gia đình cho trẻ uống thuốc hạ sốt và để trẻ ngủ. Đến 8h00 cùng ngày, gia đình phát hiện trẻ tái nhợt, xuất huyết ở mũi và miệng, trẻ được tiến hành hô hấp nhân tạo tuy nhiên không có kết quả. Trẻ tử vong tại nhà (18 giờ sau tiêm chủng). Trẻ có tiền sử sinh non (34 tuần tuổi), đẻ mổ, cân nặng 1,4kg
Cùng ngày tiêm chủng trên địa bàn toàn thành phố Đà Nẵng, có 3.733 trẻ được tiêm cùng lô vắc xin Quinvaxem, ngoài trẻ tử vong nêu trên các trẻ còn lại đều có sức khỏe bình thường.
Ngay sau khi xảy ra trường hợp tai biến nêu trên, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế thành phố Đà Nẵng đã tiến hành điều tra và tổ chức họp ngày 29/6/2015 với sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng, chuyên gia Viện Pasteur Nha Trang để đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, nguyên nhân tử vong của trẻ. Sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá, Hội đồng đã thống nhất kết luận: trẻ tử vong không liên quan đến tiêm chủng, nghĩ đến nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên ở trẻ sinh non, thiếu ký.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin