​Triển khai phần mềm quản lý khẩu phần ăn cho học sinh tiểu học

15/12/2014 In bài viết

Ở nước ta, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh là một nhiệm vụ rất quan trọng vì trẻ em hôm nay là tương lai của đất nước mai sau

Ở nước ta, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh là một nhiệm vụ rất quan trọng vì trẻ em hôm nay là tương lai của đất nước mai sau. Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, ngành y tế và ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng phối hợp trong việc chỉ đạo triển khai công tác y tế trường học, xây dựng Trường học nâng cao sức khỏe, tổ chức các hoạt động dinh dưỡng hợp lý trong trường học như bữa ăn học đường, chương trình sữa học đường... nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao sức khỏe cho học sinh trong các nhà trường và bước đầu đã thu được kết quả rất khả quan.

Trong nhiều năm qua, bắt đầu từ khi Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 được triển khai trên toàn quốc, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh, tính chung cả nước mỗi năm trung bình giảm khoảng 1,5%, từ 31,9% năm 2001 xuống còn 15,3% vào năm 2013; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) từ 43,3% năm 2000 xuống còn 25,9% vào năm 2013. Tuy vậy Việt Nam vẫn còn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm tỷ lệ trẻ bị thừa cân và béo phì, tỷ lệ trẻ dưới < 5 tuổi bị thừa cân và béo phì năm 2013 là 6.5%.

Học sinh tiểu học từ 6 đến 11 tuổi, là giai đoạn mà trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo, đồng thời giai đoạn này liên quan đến việc học tập tại trường và thích nghi với môi trường xã hội. Tình trạng dinh dưỡng tốt ở trẻ em lứa tuổi tiểu học giúp trẻ tăng cường sức khỏe và đề kháng đối với bệnh tật; đây cũng là nền tảng quan trọng ở lứa tuổi tiền dậy thì giúp các em tạo đà tăng trưởng tốt ở các giai đoạn tiếp theo, phát triển tốt chiều cao khi trưởng thành.

Hiện nay, theo các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở học sinh tiểu học giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh. Tại TP. HCM, theo điều tra, chỉ trong vòng 7 năm (từ 2002-2009), tỉ lệ thừa cân béo phì của học sinh Tiểu học đã tăng gấp 3-4 lần. Mức độ dung nạp các vi chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng và học tập của các em như các vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin A, vitamin D, các khoáng chất như calci, phospho iod, sắt, kẽm đều thấp hơn khuyến nghị .

Tại Hà Nội, nghiên cứu năm 2011 trên hơn 3.000 học sinh Tiểu học nội thành cho thấy gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đã nghiêng hẳn về phía thừa dinh dưỡng với 23,4% học sinh bị thừa cân và 17,3% học sinh bị béo phì, so với 2,4% học sinh bị thấp còi và 2% học sinh bị gầy còm.

Các số liệu trên cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ em tuổi học đường đang là gánh nặng của cả xã hội chứ không riêng ngành y tế và giáo dục. Chúng ta cùng một lúc phải giải quyết cả suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng lẫn thừa cân - béo phì và một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng ở học sinh nói chung và học sinh Tiểu học nói riêng.

Nhằm góp phần quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh nói chung và dinh dưỡng hợp lý cho học sinh nói riêng trong các trường Tiểu học, trong khuôn khổ Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, từ năm 2012, Cục Y tế dự phòng đã biên soạn phần mềm quản lý khẩu phần ăn cho học sinh bán trú với mục đích hỗ trợ các trường Tiểu học trong việc tổ chức và quản lý khẩu phần ăn cho học sinh một cách thuận tiện, chính xác và khoa học hơn. Năm 2013, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã tập huấn đến cán bộ ngành y tế và giáo dục cấp tỉnh của 63 tỉnh/thành phố và đã sao in cấp phát đĩa cũng như cuốn hướng dẫn sử dụng phần mềm đến các Sở Y tế, Sở Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Y tế dự phòng của 63 tỉnh. Trên cơ sở đó, có nhiều địa phương như Tuyên Quang, Đà Nẵng, Cần Thơ ... đã tổ chức tập huấn lại cho cán bộ y tế trường học, giáo viên trên địa bàn tỉnh để triển khai phần mềm tại các trường Tiểu học.

Đầu tháng 8/2014, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thái Bình và Lâm Đồng tổ chức lớp tập huấn Sử dụng phần mềm quản lý khẩu phần ăn cho học sinh Tiểu học cho cán bộ các trung tâm y tế huyện, phòng giáo dục & đào tạo và các trường Tiểu học bán trú trên địa bàn hai tỉnh để hướng dẫn xây dựng khẩu phần ăn cho học sinh Tiểu học, đồng thời cung cấp kiến thức về dinh dưỡng hợp lý.

Song song với việc học lý thuyết, các học viên được hướng dẫn thực hành trên máy tính, thực hành và trao đổi theo nhóm để nắm được phương pháp sử dụng phần mềm về quản lý khẩu phần ăn cho học sinh tiểu học. Kết thúc lớp tập huấn, học viên tham dự rất phấn khởi và cảm thấy hài lòng về các nội dung được học. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn các trường tiểu học triển khai phần mềm trong thời gian tới.  

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 

Admin

Tin tức liên quan

Họp Tổ biên tập xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 2014, Cục Y tế dự phòng tổ chức cuộc họp Tổ biên tập “Xây dựng Chiến lược quốc gia phòng

Xem chi tiết Next

Cách phòng bệnh Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt

Xem chi tiết Next

Tăng cường giám sát và phòng chống hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi

Ngày 08/4/2014, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị H, 14 tuổi do Trạm y tế xã chuyển lên và được chẩn đoán: theo dõi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân

Xem chi tiết Next

Khuyến cáo phòng bệnh tiêu chảy cấp

Hiện nay đang là tháng cao điểm mùa hè điều kiện nắng nóng, bão lụt có thể xảy ra, vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn hạn chế là điều kiện dịch bệnh có nguy cơ xảy ra, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp

Xem chi tiết Next
Thong ke