Trước diễn biến về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc, ngày 07/01/2019, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) đặt tại Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã chức họp nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, rà soát các hoạt động đáp ứng và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp trong thời gian tới.
Trước diễn biến về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc, ngày 07/01/2019, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) đặt tại Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã chức họp nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, rà soát các hoạt động đáp ứng và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp trong thời gian tới.
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện từ các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng khu vực đặt tại 04 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các cơ quan liên quan và chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO).
Tại cuộc họp, tình hình dịch bệnh đã được chia sẻ, đánh giá, đến nay tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 07 trường hợp nặng, 02 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp khác trong tình trạng ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhiều các trường hợp có liên quan đến chợ hải sản lớn nhất tại Vũ Hán. Kết quả điều tra cho thấy chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh. WHO thông tin, kết quả xét nghiệm đã loại trừ các tác nhân gây bệnh như cúm, Adenovirus, cúm gia cầm, SARS và hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV). Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Cuộc họp nhận định trong thời gian tới là dịp Tết, giao lưu đi lại giữa các nước gia tăng, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các đại biểu cũng đã thống nhất đề xuất thực hiện một số hoạt động sau để ứng phó với tình hình dịch bệnh:
- Phối hợp chặt chẽ với WHO, các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh.
- Truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch, khuyến cáo người dân không để hoang mang, lo lắng; chủ động phòng chống bệnh dịch mùa Đông Xuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế
- Đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát viêm phổi nặng chưa rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
- Duy trì hoạt động của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam tại Bộ Y tế và tại 04 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.
- Tiếp tục tổ chức đánh giá nguy cơ dịch bệnh để kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp.
- Trên cơ sở các bản kế hoạch ứng phó với các dịch bệnh mới nổi đã ban hành như Ebola, MERS-CoV, xây dựng Kế hoạch dự phòng đáp ứng với dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc theo từng tình huống cụ thể để sẵn sàng, chuẩn bị, đáp ứng với dịch bệnh.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại một số địa phương nơi có cửa khẩu lớn và có đường biên giới giáp với Trung Quốc.
- Rà soát, chuẩn bị các trang thiết bị, xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chuẩn đoán bệnh tại các cơ sở y tế và viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế để cập nhật tình hình dịch bệnh để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
Admin