Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về phòng chống dịch bệnh, ngày 21-23/9/2015, Bộ Y tế phối hợp với WHO, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tổ chức Cuộc họp các chuyên gia về chẩn đoán và dự báo sớm nguy cơ trong điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia hội nghị có hơn 50 đại biểu là các chuyên gia về lâm sàng, dịch tễ học từ các Viện nghiên cứu, Bệnh viện, Trường đại học của 14 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế tham dự.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm và dự báo được các nguy cơ trong điều trị sẽ góp phần giảm thiểu các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trong bối cảnh số trường hợp mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Theo thông báo của WHO, bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở mức cao và đang có xu hướng tăng cao tại các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong những tháng đầu năm 2015 như, Philippines, Singapore, Trung Quốc….Đặc biệt, Malaysia dịch sốt xuất huyết bùng phát và xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, trong 8 tháng đầu năm 2015 đã ghi nhận 75.795 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có 212 trường hợp tử vong, số mắc tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2014, tại Ấn Độ trong những tuần gần đây số mắc và tử do sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh. Hầu hết các nước có xu hướng bắt đầu tăng từ khoảng tháng 4 và hiện nay đang là đỉnh điểm của xu hướng gia tăng trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị, các chuyên gia từ các nước và các tổ chức quốc tế cho rằng việc chủ động đến các cơ sở khám, chữa bệnh của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng, đóng vai trò rất lớn trong việc giảm tử vong trong số các trường hợp mắc bệnh có biến chứng nặng. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy thời gian nhập viện của bệnh nhân kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên chủ yếu là trong khoảng 3-5 ngày, như vậy là khá muộn do hầu hết các trường hợp biến chứng sốc do sốt xuất huyết cũng thường xảy ra trong thời gian này nên việc cấp cứu đối với các trường hợp đến bệnh viện muộn có thể sẽ ít hiệu quả và dễ dẫn đến tử vong. Từ lý do nêu trên, một trong những đề xuất của các chuyên gia lâm sàng đề xuất cần phải tăng cường việc theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm của các bệnh nhân sốt xuất huyết ngay khi mới nhập viện để có thể cấp cứu kịp thời, trong đó việc lồng ghép theo dõi theo mô hình quản lý lồng ghép sức khỏe trẻ em (IMCI). Đây là mô hình đã áp dụng có hiệu quả trong việc giảm tử vong do sốt xuất huyết ở trẻ em dưới 5 tuổi và có thể áp dụng mở rộng đối với trẻ vị thành niên.
Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó khoảng trên 80% số trường hợp mắc ghi nhận ở các tỉnh khu vực phía nam do đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển. Trong năm 2015, mặc dù số trường hợp mắc thấp hơn so với giai đoạn 2009-2013, tuy nhiên vẫn tăng hơn so với năm 2014 là năm có số mắc sốt xuất huyết thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Năm 2015 cũng là năm có xu hướng gia tăng số mắc của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết nhằm giảm thiểu số trường hợp mắc cũng như tử vong, các chuyên gia thống nhất nhận định cùng với việc áp dụng tốt các phương pháp mới trong việc nâng cao khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh nhân tại các cơ sở y tế, vai trò của truyền thông nguy cơ đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm thay đổi hành vi của người dân trong việc loại trừ các ổ chứa bọ gậy sốt xuất huyết như lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, đậy kín nắp các bể đựng nước sinh hoạt, thường xuyên thay rửa nước trong các bình bông (lọ hoa), … đồng thời chủ động đến các cơ sở y tế sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên để được khám, điều trị sớm nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: Như các bạn biết hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu SXH. Do đó chúng ta không tổ chức chiến dịch tiêm phòng bệnh SXH được.
Tuy nhiên, hàng năm Bộ Y tế đã tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động cộng đồng tham gia phòng chống dịch SXH, đặc biệt, chiến dịch diệt bọ gậy (loăng quăng). Trong 5 năm trở lại đây, cứ vào dịp 15.6 hàng năm Bộ Y tế đều tổ chức phát động hưởng ứng ngày ASEAN (Các nước Đông Nam Á) phòng chống sốt xuất huyết.
Các hoạt động còn được phát động ở tại các tỉnh do UBND các tỉnh đứng ra tổ chức. Tháng 6.2015 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức phát động ở TPHCM với khoảng trên 3000 người tham gia dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo UBND TPHCM.
Chính các cuộc phát động này đã tuyên truyền rộng rãi đến người dân hiểu và tham gia phòng chống sốt xuất huyết.