Tin tức

Tin tức

​“Alô” hẹn giờ chích ngừa cho con

11/10/2015 In bài viết

_
30 trạm y tế tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) đang thực hiện mô hình đặt lịch chích ngừa mở rộng qua điện thoại (miễn phí). Việc này giúp mỗi phụ huynh tiết kiệm được ba giờ.
 
           
 Phụ huynh chỉ cần “alô” đến trạm y tế phường/xã nơi mình đang cư trú đặt lịch trước rồi cứ theo lịch lên trạm chích ngừa cho con mà không phải dài cổ xếp hàng, chen lấn chờ đợi như trước.

Cả phụ huynh và nhân viên trạm đều dễ thở hơn trong những đợt chích ngừa

Y sĩ
 TRẦN THỊ THU HÀ

Ai cũng dễ thở

Sáng 9-10, tại trạm y tế P.Trảng Dài, chị Nguyễn Thị Chinh - mẹ hai bé sinh đôi Nguyễn Hoàng Khoa và Nguyễn Hoàng Phi (3 tháng tuổi) - đang bế con cho hay: “Hai bé vừa chích mũi 2 văcxin 5 trong 1 xong, giờ tôi đợi một xíu rồi về thôi”.

Theo chị Chinh, từ khi trạm y tế P.Trảng Dài tổ chức phân luồng tiêm chủng theo khu phố và thực hiện đặt lịch tiêm chủng qua điện thoại, việc đưa con đi chích ngừa trở nên nhanh chóng hơn nhiều, không phải xếp hàng chờ đợi bốc số hàng giờ liền.

“Như sáng nay tôi vừa đưa con đến đã được nhân viên trạm y tế hướng dẫn làm thủ tục, khám cho bé và chích ngừa, chỉ sau 10 phút đã chích xong” - chị Chinh nói.

Ngồi gần đó, chị Phạm Thị Thúy - mẹ bé Đỗ Phương Linh (3 tháng rưỡi, ngụ KP.3, P.Trảng Dài) - cũng đánh giá việc áp dụng mô hình đặt lịch chích ngừa trước đã giúp chị và nhiều bà mẹ khác thoải mái hơn khi đưa con đi chích ngừa.

Chị Thúy nói: “Sáng nay tôi tranh thủ làm việc nhà, đến 9g30 như lịch hẹn tôi đưa con đến chích ngừa thì chỉ 15 phút sau đã tiêm xong, không còn cảnh chờ đợi chen chúc nữa”.

Theo ghi nhận, đến 10g20 cùng ngày, bàn làm việc đã chích đủ 50 trẻ (P.Trảng Dài có dân số quá đông nên trạm ở đây được đặt hai bàn, mỗi bàn 50 trẻ) theo quy định, chỉ còn hai bà mẹ ở trước sân một lúc rồi đưa con về. Nhân viên trạm đã dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc, nghỉ ngơi đợi đến đợt chích chiều.

Tại trạm, y sĩ Trần Thị Thu Hà cho biết sau hơn ba tháng triển khai mô hình đặt lịch tiêm chủng mở rộng qua điện thoại và phân luồng theo khu phố, người dân đã quen với trình tự, đúng hẹn, lịch trình đã được quy định trước nên cả phụ huynh và nhân viên trạm đều “dễ thở” hơn trong những đợt tiêm chủng.

Tiết kiệm 
mỗi người 3 giờ

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng - giám đốc Trung tâm Y tế TP Biên Hòa - cho biết từ khi Bộ Y tế yêu cầu mỗi cơ sở tiêm chủng chỉ được tiêm 50 trẻ/buổi, việc tiêm chủng trở nên quá tải, gây áp lực nặng nề không chỉ cho phụ huynh mà cả nhân viên y tế.

Trong những đợt chích ngừa, cảnh chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng bốc số thứ tự diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, dân số ở Biên Hòa quá đông nên có nhiều phụ huynh phải đưa con đến trạm y tế xếp hàng chờ đợi từ 5g sáng để lấy số thứ tự mà đến trưa vẫn chưa tiêm ngừa được, phải ôm con ra về.

Cá biệt, có nhiều phụ huynh phải trở lại trạm 3 - 4 lần mới tiêm ngừa được cho con khiến người dân không khỏi bức xúc.

Theo bác sĩ Hùng, chính vì trăn trở với những phiền hà, bất tiện như trên nên từ tháng 6-2015, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa đã nghiên cứu và triển khai thí điểm dịch vụ đặt lịch chích ngừa qua điện thoại với mục đích giảm thời gian chờ đợi cho phụ huynh, giảm quá tải cho trạm y tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Người dân khi tham gia tiện ích không phải trả thêm phí nào khác. Theo đó, mỗi trạm y tế sẽ tổ chức chia bảng, phân luồng người khám theo khu phố/ấp và quy định ngày khám cho từng nơi.

“Khi phụ huynh nhấc điện thoại alô tới trạm để đặt lịch hẹn, nhân viên tiếp nhận sẽ hỏi một số thông tin cơ bản rồi sắp số thứ tự, ấn định thời gian. Đến hẹn, phụ huynh đưa con đến khám và tiêm phòng mà không phải bốc số như trước” - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Bác sĩ Hùng nói: “Đến nay, sau hơn ba tháng triển khai mô hình này, số lượng phụ huynh đăng ký tiêm chủng qua điện thoại tăng lên theo từng tháng. Hiện đã có khoảng 4.000 phụ huynh sử dụng dịch vụ. Lợi ích lớn nhất là người dân có thể tiết kiệm được bình quân 3 giờ/phụ huynh khi tham gia dịch vụ”.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn - giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đây là mô hình mới phát huy hiệu quả nên sở đã đề nghị các trung tâm y tế trên địa bàn học hỏi mô hình này để áp dụng chích ngừa cho trẻ, sau đó tiếp tục đánh giá chọn ra những cái hay để thực hiện.

Nên nhân rộng hình thức này

Hiện đã có nhiều địa phương áp dụng hình thức điện thoại hẹn trước thời gian đưa con đến tiêm chủng, nhưng Đồng Nai là địa phương rất nỗ lực thực hiện.

Một phần đặc thù của họ là trẻ trong độ tuổi tiêm chủng rất đông, có phường tới 400 cháu, phải tiêm chủng 8 buổi/tháng mới hết, trong khi thông thường ở vùng sâu vùng xa chỉ có 50 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng và tiêm chủng một buổi/tháng là đủ.

Ở Đồng Nai nếu không có can thiệp sẽ không thể đảm bảo tiêm chủng an toàn và giảm thời gian chờ đợi của phụ huynh.

Khi điện thoại hẹn trước, trạm y tế sẽ có đủ thời gian làm công tác tổ chức, đảm bảo các khâu trong quá trình như khám phân loại, chỉ định tiêm chủng, tư vấn, theo dõi giám sát sau tiêm chủng. Việc có hẹn trước cũng thuận lợi hơn cho bố mẹ trẻ vì giảm được thời gian chờ đợi.

Theo tôi, các địa phương có điều kiện tương tự Đồng Nai cũng nên đẩy mạnh hình thức này.

 
Cục Y tế dự phòng 
Nguồn tin: Báo tuổi trẻ
 

Admin

Tin tức liên quan

Đại biểu Quốc hội và chuyên gia Bộ Y tế giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Đại biểu Nhân dân - Phòng, chống dịch sốt xuất huyết và vai trò của chính quyền địa phương.

Nhằm góp phần thực thi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại cơ sở, cung cấp thông tin cho cử tri và bạn đọc nhận diện các biện pháp phòng, chống và điều trị hiệu quả với bệnh sốt xuất huyết, Báo Điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến về “Phòng, chống dịch sốt xuất huyết và vai trò của chính quyền địa phương”.

Xem chi tiết Next
Thong ke