Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 04/12/2021
04/12/2021 In bài viết
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay hơn 265,2 triệu ca, hơn 5,25 triệu ca tử vong. Trong 24h qua, thế giới ghi nhận hơn 705 nghìn ca mắc và hơn 7,9 nghìn trường hợp tử vong. Số ca mắc mới tại Mỹ những ngày qua liên tiếp tăng mạnh, ngày 3/12 ghi nhận hơn 147 nghìn ca mắc, chiếm 21% số ca mắc mới.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi cảnh báo nước này đang bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát do biến thể Omicron. Tính đến nay, các ca mắc biến thể mới đã được ghi nhận tại 7/9 tỉnh ở Nam Phi, tuy nhiên, hệ thống y tế và bệnh viện hiện vẫn hoạt động bình thường.
Trước nguy cơ biến thể Omicron có thể trở thành chủng virus phổ biến trong các ca nhiễm mới tại châu Âu trong vòng vài tháng tới, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đưa ra khuyến nghị về cách “tiếp cận đa tầng”, bao gồm vaccine, giữ khoảng cách và thông gió đầy đủ cùng với việc xét nghiệm COVID-19 và cách ly những người trở về từ các nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể này.
WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới Omicron, đồng thời khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine bắt đầu lập kế hoạch và chuẩn bị cho khả năng phải điều chỉnh công thức vaccine ngừa Covid-19 hiện có. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian, nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay. Vì vậy, các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát do biến thể Delta. Theo đó, các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Tính đến 16h00 ngày 04/12/2021, cả nước ghi nhận 1.294.778 ca mắc, trong đó 1.291.081 ca trong nước. Đến nay đã có 1.007.566 người khỏi bệnh, 25.858 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 1.291.926 ca, trong đó có 1.289.511 ca trong nước (99,8%), 1.004.749 người đã khỏi bệnh (77,8%), 25.823 tử vong tại 47 tỉnh, thành phố.
Ghi nhận 13.998 ca mắc mới, trong đó 13.993 ca ghi nhận trong nước (tăng 332 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh (1.636), Cần Thơ (998), Tây Ninh (787), Bến Tre (762), Bình Thuận (626), Đồng Tháp (624), Bà Rịa - Vũng Tàu (620), Cà Mau (568), Bạc Liêu (565), Bình Phước (562), Vĩnh Long (552), Kiên Giang (498), Khánh Hòa (467), Hà Nội (455), Đồng Nai (433), Thừa Thiên Huế (335), An Giang (319), Bình Dương (319), Trà Vinh (301), Hậu Giang (288), Tiền Giang (209), Bình Định (203), Gia Lai (180), Hà Giang (140), Bắc Ninh (119), Đắk Nông (116), Đà Nẵng (104), Thanh Hóa (103), Long An (91), Thái Nguyên (82), Hải Phòng (81), Ninh Thuận (76), Hưng Yên (65), Nghệ An (61), Quảng Nam (59), Hải Dương (55), Phú Yên (52), Phú Thọ (49), Vĩnh Phúc (44), Đắk Lắk (42), Quảng Ngãi (41), Yên Bái (40), Nam Định (39), Quảng Trị (34), Thái Bình (27), Quảng Bình (25), Tuyên Quang (25), Hà Tĩnh (21), Hòa Bình (20), Quảng Ninh (20), Bắc Giang (20), Lào Cai (11), Hà Nam (8), Cao Bằng (8), Ninh Bình (6), Sơn La (1), Bắc Kạn (1); Có 5 ca nhập cảnh ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Tĩnh (1), Quảng Trị (1), An Giang (1).
- Công tác xét nghiệm: Tính đến ngày 03/12/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 32.440.645 mẫu cho 73.446.371 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 26.862.472 mẫu tương đương 69.698.432 lượt người, tăng 126.002 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 6.347.136 mẫu gộp cho 45.009.176 lượt người.
- Công tác tiêm chủng: Đến hết ngày 03/12/2021, cả nước đã tiêm được 126.944.852 liều (tăng 988.857 liều so với ngày trước đó), tỷ lệ sử dụng đạt 90,4% số vắc xin phân bổ 95 đợt ; trong đó có 73.252.680 liều mũi 1 và 53.692.172 liều mũi 2.
Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ biến chủng mới (Omicron); Chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt người đến/đi về từ các quốc gia khu vực Nam châu Phi; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tiếp tục thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo nguyên tắc “4 tại chỗ”: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, với các trụ cột chính: giám sát chặt, nhanh, phong tỏa hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phát hiện sớm, xử trí kịp thời; Chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trong tình hình mới, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin cho người dân; Thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ theo Nghị quyết số 128/QĐ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1 theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.
- Các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để triển khai các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về mua sắm các trang thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch; triển khai các giải pháp an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đảm bảo lưu thông hàng hóa, cung ứng lương thực thực phẩm, an toàn trật tự xã hội.
- Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận và các tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn và huy động sức mạnh của Nhân dân; nắm bắt tình hình và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, sớm thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng