Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 07/12/2021
07/12/2021 In bài viết
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay hơn 266,7 triệu ca, hơn 5,27 triệu ca tử vong.
Theo thông tin không chính thức, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết đã có những cảnh báo về một số ít ca nhiễm biến thể Omicron từ cộng đồng, vì không phải tất cả các trường hợp mới đều liên quan đến đi du lịch. Một phân tích riêng của cơ quan này về 22 trường hợp Omicron đầu tiên ở Anh cũng cho thấy hơn một nửa trong số những người nhiễm Omicron đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Có 12 trong số 22 trường hợp nhiễm Omicron xảy ra hơn 14 ngày sau khi tiêm mũi 2. Và 2 trường hợp xảy ra ở thời điểm hơn 28 ngày sau liều vắc xin đầu tiên. Có 6 người chưa tiêm chủng, trong khi 2 người không có dữ liệu. Cho đến hiện tại tất cả đều biểu hiện triệu chứng nhẹ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 4/12, thế giới chưa ghi nhận ca tử vong nào do Omicron. WHO cho biết, giới khoa học có thể mất vài tuần để xác định liệu Omicron có gây bệnh nặng hay không và các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron gây nguy cơ tái nhiễm Covid-19 gấp 3 lần so với các biến chủng khác như Beta, Delta.
Tại Việt Nam, tính đến 16h00 ngày 07/12/2021, cả nước ghi nhận 1.337.423 ca mắc, trong đó 1.333.686 ca trong nước. Trong ngày 07/12, ghi nhận 13.840 ca mắc mới, trong đó 13.835 ca ghi nhận trong nước (giảm 723 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận trong ngày: Hồ Chí Minh (965), Cần Thơ (898), Tây Ninh (869), Sóc Trăng (746), Hà Nội (737), Đồng Tháp (697), Bình Dương (645), Bình Phước (640), Cà Mau (615), Vĩnh Long (529), Bà Rịa - Vũng Tàu (491), Khánh Hòa (486), Bến Tre (441), Bạc Liêu (434), Tiền Giang (340), An Giang (325), Thừa Thiên Huế (306), Hậu Giang (293), Bình Định (281), Đồng Nai (272), Trà Vinh (254), Kiên Giang (229), Bắc Ninh (190), Nghệ An (179), Gia Lai (178), Bình Thuận (170), Hải Phòng (156), Đà Nẵng (141), Đắk Nông (137), Đắk Lắk (131), Lâm Đồng (100), Thanh Hóa (97), Hà Giang (86), Ninh Thuận (84), Long An (83), Phú Yên (63), Quảng Nam (53), Vĩnh Phúc (51), Hưng Yên (42), Quảng Ngãi (40), Quảng Ninh (37), Hòa Bình (33), Hải Dương (32), Phú Thọ (32), Kon Tum (32), Nam Định (31), Quảng Bình (28), Quảng Trị (25), Yên Bái (25), Bắc Giang (19), Thái Bình (18), Thái Nguyên (17), Hà Tĩnh (9), Hà Nam (9), Cao Bằng (5), Tuyên Quang (4), Bắc Kạn (2), Sơn La (2), Lào Cai (1). Có 5 ca nhập cảnh ghi nhận tại Hải Phòng (1), Hà Tĩnh (1), Quảng Trị (1), Quảng Nam (1), Hồ Chí Minh (1).
Công tác xét nghiệm: Tính đến ngày 06/12/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 32.833.192 mẫu cho 73.894.747 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 27.170.274 mẫu tương đương 70.146.808 lượt người, tăng 140.714 mẫu so với ngày trước đó. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 6.396.597 mẫu gộp cho 45.337.864 lượt người.
Công tác tiêm chủng: Đến hết ngày 06/12/2021, cả nước đã tiêm được 128.773.142 liều (tăng 846.396 liều so với ngày trước đó), tỷ lệ sử dụng đạt 91% số vắc xin phân bổ 97 đợt; trong đó có 73.760.656 liều mũi 1 và 55.012.486 liều mũi 2.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.
Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
2. Chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique…) và một số quốc gia khu vực châu Âu; thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
3. Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
4. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ vắc xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
5. Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị COVID-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận.
6. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
Admin