Tin tức

Tin tức

​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 11/4/2021

11/04/2021 In bài viết

 

Tính đến 17h00 ngày 17/3/2021, Thế giới ghi nhận hơn 136 triệu ca mắc, trong đó trên 2,94 triệu ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (152.682 ca), Brazil (69.592 ca), Mỹ (66.764 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (52.676 ca). Đây cũng là ngày Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.

Tại châu Âu, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các nước như Ba Lan, Đức, Italy, Ukraine vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ trên 17.000 ca đến gần 25.000 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nga, Hungary, Hà Lan dao động trong khoảng 7.500 ca đến 8.000 ca.

Tại châu Á, Iran cũng là nước hàng đầu châu lục chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau Ấn Độ. Trong 24 giờ qua, quốc gia Trung Đông này ghi nhận 19.666 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2,04 triệu ca. Ngày 10/4, Iran cũng đã tăng cường các biện pháp phòng dịch trên khắp cả nước để ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư đang rình rập nước này. Theo đó, trong 10 ngày tới, lệnh phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập" được áp dụng tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh hàng không thiết yếu, trường học, trung tâm giải trí và toàn bộ địa điểm vui chơi công cộng đều phải đóng cửa.

Tại khu vực Đông Nam Á, tính đến ngày 11/4, Campuchia đã ghi nhận 157 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên thành 4.238 người, với 2.152 ca bình phục và 29 trường hợp tử vong. Ngày 11/4, Chính phủ Campuchia đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang. Các đối tượng cụ thể phải tiêm chủng được nêu rõ trong sắc lệnh ký ban hành ngày 11/4 gồm công chức và lực lượng vũ trang trong cơ quan hành pháp; quan chức được bầu và viên chức phục vụ trong cơ quan lập pháp; các thẩm phán, công tố viên và công chức trong cơ quan tư pháp. Sắc lệnh cũng cảnh báo những trường hợp trốn tránh tiêm chủng sẽ bị kỷ luật. Văn kiện này giải thích rõ sắc lệnh tiêm chủng bắt buộc không áp dụng với những cá nhân không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe, nhưng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế. Trong thông điệp gửi cả nước vào tối 10/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo nước này sẽ nhận thêm hơn 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021, gồm 500.000 liều (ngày 17/4); 1,5 triệu liều (tháng 5/2021); 3 triệu liều (tháng 6/2021); 2 triệu liều (tháng 7/2021) và 1 triệu liều (tháng 8/2021).

Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine của hai hãng này với đối tượng trẻ em từ 12-15 tuổi tại Mỹ, động thái đánh dấu bước đi quan trọng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Hiện các nhà quản lý mới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer/BioNTech cho người từ 16 tuổi trở lên tại Mỹ. Trong một tuyên bố, Pfizer/BioNTech cũng cho biết họ có kế hoạch đưa ra đề nghị tương tự đối với các cơ quan quản lý khác trên khắp thế giới trong những ngày tới. Trước đó, trong báo cáo công bố hồi tháng 3, Pfizer/BioNTech khẳng định trong giai đoan 3 thử nghiệm lâm sàng, vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em từ 12-15 tuổi và tạo kháng thể mạnh.

Kể từ khi được triển khai, vaccine AstraZeneca gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng 3, hàng loạt quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italy ngừng sử dụng sản phẩm do lo ngại về chứng đông máu. Ngày 18/3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố vaccine "an toàn và hiệu quả", không liên quan đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Các nước nối lại chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, số ca đông máu xảy ra nhiều hơn. Đến hôm 7/4, EMA thay đổi quan điểm, công nhận máu đông là "tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine". Nhiều quốc gia sau đó đã giới hạn độ tuổi tiêm chủng. Tuy vậy, EMA cũng như Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến nghị tiếp tục tiêm vaccine bởi "những lợi ích to lớn hơn các rủi ro".

         Từ ngày 25/01/2021 đến nay đã ghi nhận 906 trường hợp mắc có liên quan đến đợt dịch này, gồm Hải Dương (722), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (06), Bắc Ninh (05), Hải Phòng (04), Điện Biên (03), Hưng Yên (03), Hòa Bình (02), Bắc Giang (02), Hà Giang (01). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.567, trong đó có 1.566 ca trong nước.

            Trong 17 ngày qua không ghi nhận ca mắc mới trong nước. Ngày 11/4 Việt Nam ghi nhận 1 trường hợp mắc nhập cảnh, cách ly ngay tại tỉnh Kiên Giang; đây là trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang vào ngày 08/4/2021 và được cách ly ngay; hiện nay bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế Thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. 

          Đến nay, tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.693, trong đó có 1.570 ca trong nước.   

         Từ ngày 25/01/2021 đến nay đã ghi nhận 910 trường hợp mắc trong nước. Tổng số xét nghiệm đã lấy tại 13 tỉnh, thành phố từ 25/01/2021 đến nay là 1.332.923 mẫu trong đó các tỉnh làm nhiều xét nghiệm gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai.

         Hiện nay 2.429 trường hợp khỏi bệnh, ra viện (90,2%) và 229 trường hợp đang điều trị (8,5%). Hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 80%), biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 17% và hiện nay còn 5 trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Tiếp tục chỉ đạo các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.

- Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là lao động tay nghề cao nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Tổ chức tốt việc đưa các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước, nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, vào Việt Nam.

- Cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh; tiếp tục truyền thông thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, không tụ tập đông người; xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang; thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên truyền thông khuyến khích nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.

Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Admin

Thong ke