Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 17/5/2021
17/05/2021 In bài viết
BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19
(Ngày 17/5/2021)
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 519.000 ca bệnh Covid-19 và trên 9.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay là 163,6 triệu ca, trong đó có xấp xỉ 3,4 triệu ca tử vong và hơn 142,2 triệu bệnh nhân bình phục.
Ngày 17/5, Thái Lan có số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục với 9.635 ca, trong đó có hơn 6.800 ca ghi nhận trong các nhà tù. Thái Lan đồng thời thông báo thêm 25 ca tử vong, đưa tổng số ca không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 614 ca trong tổng số 111.082 ca mắc. Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) của chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh bản đồ phân vùng các tỉnh có bệnh nhân Covid-19, giảm số lượng các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát tối đa xuống còn 4, bao gồm Bangkok, Nonthaburi, Samat Prakan và Pathum Thani. Các tỉnh còn lại gồm 17 tỉnh thuộc vùng đỏ và 56 tỉnh thuộc vùng da cam.
Ngày 17/5, Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm với tổng số 350 ca được phát hiện trong ngày trên cả nước, trong đó có 9 ca nhập cảnh. Tổng số ca nhiễm mới giảm trong 5 ngày liên tiếp nhưng Bộ Y tế Campuchia cảnh báo nếu Chính phủ và người dân Campuchia chủ quan, những biến thể virus được phát hiện tại Ấn Độ và Anh có thể lây lan nhanh chóng. Hiện nay tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này là 22.544 ca, 154 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã ghi nhận 21 ca mắc mới, trong đó có 10 ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Sau 25 ngày áp dụng lệnh phong tỏa, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 11 ca, tất cả đều lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, thủ đô tiếp tục xuất hiện các ổ lây nhiễm mới với những ca bệnh mất dấu F0. Tuy nhiên, việc hầu hết các tỉnh thành còn lại không ghi nhận các ca mới hoặc nếu có đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay cho thấy tình hình dịch tại Lào đang có xu hướng giảm số mắc mới. Đại diện Bộ Y tế Lào đã cảnh báo về tình trạng số ca mắc Covid-19 ở trẻ em và phụ nữ đang gia tăng, nhấn mạnh hiện Bộ đang chuẩn bị nhân sự để sẵn sàng đối phó với làn sóng dịch thứ 3 tại nước này.
Liên quan đến tình hình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: cuối tuần qua, Anh hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh cho 20 triệu người trưởng thành, tương đương 38,2% tổng số người trưởng thành tại nước này. Tại Australia, từ ngày 17/5, chương trình tiêm vaccine chủng phòng Covid-19 sẽ được mở rộng và tăng tốc, với những người trên 50 tuổi có thể đến tiêm vaccine AstraZeneca tại hơn 4.300 phòng khám đa khoa trên khắp cả nước. Ngày 17/5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và EU có khả năng viện trợ hơn 150 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho những nước đang thiếu vacccine mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tiêm chủng của mình bằng cách chia sẻ 20% dự trữ vaccine của mình trong tháng 6, 7 và 8 cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.
- Tổng số tích lũy ca mắc COVID-19 cả nước từ đầu dịch đến 16h00 ngày 17/5/2021 là 4.359 trường hợp, trong đó có 2.890 ca trong nước, cụ thể:
Từ khi có dịch đến ngày 26/4/2021, tổng số có 2.852 ca, trong đó:
+ Số mắc trong nước: 1.570; số mắc nhập cảnh: 1.282
+ Số ca đã khỏi: 2.662
+ Số ca đang điều trị: 155
+ Số ca tử vong: 35
Từ ngày 27/4/2021 đến 17h00 ngày 17/5/2021, tổng số có 1.507 ca, trong đó:
+ Số mắc trong nước: 1.320; số mắc nhập cảnh: 187
+ Số ca đã khỏi: 29
+ Số ca đang điều trị: 1.476
+ Số ca tử vong: 2
- Từ 17h00 ngày 16/5 đến 17h00 ngày 17/5/2021, Việt Nam ghi nhận 184 ca mắc mới, trong đó có 181 ca trong nước (tại Bắc Giang: 97, Bắc Ninh: 49, Đà Nẵng: 7, Điện Biên: 7, Hà Nam: 5, Hà Nội: 5, Vĩnh Phúc: 4, Lạng Sơn: 2, Phú Thọ: 2, Hưng Yên: 2, Tuyên Quang: 1) và 3 ca nhập cảnh. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Chỉ đạo khẩn trương tăng cường quản lý chặt khu công nghiệp; chủ động truy vết triệt để, không bỏ sót các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, các trường hợp đi về từ khu vực có dịch; tổ chức bàn giao, tiếp nhận và giám sát y tế sau khi cách ly tập trung; tăng cường quản lý chuyên gia, người nhập cảnh.
- Thực hiện xét nghiệm chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu vực chợ, siêu thị; các địa điểm du lịch, các bến xe, nhà ga, cảng hàng không; các cơ sở dịch vụ giải trí và các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người và các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp...
- Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hạn chế chuyển tuyến...; yêu cầu đảm bảo tối thiểu mỗi 300 giường bệnh có ít nhất một hệ thống xét nghiệm RT-PCR hoặc có hợp đồng với các đơn vị có thể thực hiện xét nghiệm với công suất 300 mẫu/ngày trở lên, đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2.
- Tiếp tục kiểm soát nghiêm khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh, lưu trú của người nhập cảnh vào Việt Nam trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc lưu trú của người nước ngoài trên địa bàn theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”;
- Triển khai hoạt động thông tin, truyền thông, bảo đảm nguyên tắc phản ánh kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, sát tình hình thực tế, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, không đưa các thông tin tiêu cực gây hoang mang dư luận hoặc tạo tâm lý chủ quan, lơ là; khuyến khích thực hiện 5K và vắc xin, nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tập trung đông người….
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam