​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 19/5/2022

20/05/2022 In bài viết

Tình hình dịch bệnh trên thế giới

Tổng số ca mắc trên thế giới vượt 525,3 triệu ca, trên 6,2 triệu ca tử vong.

- Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 hàng tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/5 cho biết số ca mắc COVID-19 đang ổn định trên toàn cầu, song hiện có 4 khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng, so với 2 khu vực cách đây 2 tuần. Vùng Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc tăng mạnh, tới 68% so với tuần trước đó, tiếp theo là khu vực Tây Thái Bình Dương với số ca mắc tăng 14%, trong đó Trung Quốc, Australia và Nhật Bản là những nước có số ca mắc cao nhất. Khu vực châu Mỹ ghi nhận số ca mắc tăng 26% và châu Phi tăng 6%.

Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục giảm, trừ khu vực châu Phi - nơi ghi nhận số ca tử vong trong tuần trước tăng 48% so với 7 ngày trước đó. Trên phạm vi toàn cầu, kể từ cuối tháng 4 đến nay, biến thể phụ BA.4 và BA.5 lần lượt gây ra 0,5% và 0,4% số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khi 10% các ca nhiễm biến thể phụ BA.2 là do dòng phụ BA.2.12.1.

- Các nhà nghiên cứu thuộc Văn phòng thống kê quốc gia Anh gần đây phát hiện ra rằng vaccine ngừa COVID-19 dường như giúp giảm các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài. Cụ thể, trong số những người trưởng thành lần đầu nhiễm virus SARS-CoV-2 và sau đó tiêm phòng, việc tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp giảm 12,8% nguy cơ bị hội chứng COVID kéo dài, trong khi mũi 2 giúp giảm 8,8%. Một mũi vaccine được cho là giúp giảm 12,3% nguy cơ bị suy giảm khả năng vận động do hội chứng COVID kéo dài, trong khi mũi tiêm thứ 2 giúp giảm 9,1%. Không có khác biệt đáng kể về xu hướng bị hội chứng COVID kéo dài giữa những người tiêm vaccine mRNA và những người tiêm vaccine dùng công nghệ adenovirus.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam

Tính đến 16h00 ngày 19/5/2022, cả nước ghi nhận 10.704.524 ca mắc, trong đó 10.698.337 ca trong nước. Đến nay đã có 9.382.881 người khỏi bệnh, 43.072 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 10.701.672 ca, trong đó có 10.696.767 ca trong nước, 9.380.064 người đã khỏi bệnh (87,6%), 43.037 tử vong tại 60 tỉnh, thành phố.  

Kết quả giám sát điều trị

- Từ đầu giai đoạn 4 đến nay, có 9.380.064 người đã khỏi bệnh (87,6%), tăng 9.587 người so với ngày trước đó. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.278.571 trường hợp, trong đó có 206 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: (1) Thở ô xy qua mặt nạ: 172 (2) Thở ô xy dòng cao HFNC: 19; (3) Thở máy không xâm lấn: 2; (4) Thở máy xâm lấn: 11; (5) Thở ECMO: 2.

- Trong ngày 18/5, cả nước ghi nhận 01 trường hợp tử vong (giảm 03 trường hợp so với với hôm trước) tại Hà Nội.

Công tác xét nghiệm:

Tính đến ngày 18/5/2022, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 45.247.488 mẫu cho 89.561.112 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.507.242 mẫu tương đương 85.813.173 lượt người. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 7.060.587 mẫu gộp cho 49.893.066 lượt người.

Công tác tiêm chủng:

Tiếp nhận và phân bổ vắc xin: Từ tháng 3/2021 đến ngày 19/5/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 241.860.214 liều vắc xin phòng COVID-19.

Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 18/5/2022: Cả nước đã tiêm 218.140.778 liều (trong ngày tiêm được 501.750 liều), tỷ lệ sử dụng đạt 97,8% số vắc xin phân bổ 144 đợt.

- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 197.668.399 liều.

- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.416.833 liều.

- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.055.546 liều.

Từ ngày 14/4/2022, các địa phương bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện tại, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho nhóm trẻ này tại 63 tỉnh, thành phố đạt từ 12% đến 52%.

Một số hoạt động trọng tâm trong thời gian tới

- Tiếp tục tổng hợp hoàn thiện xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022 – 2023.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

- Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke