​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 20/5/2022

21/05/2022 In bài viết

Tình hình dịch bệnh trên thế giới

Tổng số ca mắc trên thế giới vượt 526 triệu ca, trên 6,29 triệu ca tử vong.

- Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Triều Tiên là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 262.000 ca), trong khi Vương quốc Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 169 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”. Song Trung Quốc cũng đang khống chế hiệu quả đợt bùng phát này, với việc Thượng Hải công bố kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa.

- Ngày 19/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine  ngừa COVID-19 Convidecia của hãng dược phẩm CanSinBIO, Trung Quốc, cho người trên 18 tuổi. WHO khẳng định vaccine Convidecia đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 và lợi ích của việc tiêm vaccine này lớn hơn so với rủi ro. Như vậy, Convidecia là vaccine ngừa COVID-19 thứ 11 được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp trên thế giới. Theo WHO, các kết quả thử nghiệm vaccine này cho thấy khả năng ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 lên đến 92%.

Convidecia là vaccine một liều duy nhất, tương tự loại vaccine của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Trước khi được WHO phê duyệt, vaccine này đã được sử dụng ở một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và một số quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Mexico, Chile và Ecuador.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam

Tính đến 16h00 ngày 20/5/2022, cả nước ghi nhận 10.706.111 ca mắc, trong đó 10.699.924 ca trong nước. Đến nay đã có 9.390.032 người khỏi bệnh, 43.073 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 10.703.259 ca, trong đó có 10.698.354 ca trong nước, 9.387.215 người đã khỏi bệnh (87,7%), 43.038 tử vong tại 60 tỉnh, thành phố.  

Kết quả giám sát điều trị

- Từ đầu giai đoạn 4 đến nay, có 9.387.215 người đã khỏi bệnh (87,7%), tăng 7.151 người so với ngày trước đó. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.273.006 trường hợp, trong đó có 221 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: (1) Thở ô xy qua mặt nạ: 182 (2) Thở ô xy dòng cao HFNC: 19; (3) Thở máy không xâm lấn: 5; (4) Thở máy xâm lấn: 13; (5) Thở ECMO: 2.

- Trong ngày 19/5, cả nước ghi nhận 01 trường hợp tử vong (tương đương số ca tử vong của hôm trước) tại Tây Ninh.

Công tác xét nghiệm

Tính đến ngày 19/5/2022, cả nước đã thực hiện xét nghiệm được 45.247.588 mẫu cho 89.561.345 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 – nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.507.380 mẫu tương đương 85.813.406 lượt người. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8/2020 đến nay cả nước đã thực hiện 7.060.587 mẫu gộp cho 49.893.066 lượt người.

Công tác tiêm chủng:

Tiếp nhận và phân bổ vắc xin: Từ tháng 3/2021 đến ngày 20/5/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 241.860.214 liều vắc xin phòng COVID-19.

Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 19/5/2022: Cả nước đã tiêm 218.799.777 liều (trong ngày tiêm được 584.368 liều), tỷ lệ sử dụng đạt 98,1% số vắc xin phân bổ 144 đợt.

- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.126.724 liều:

- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.420.852 liều:

- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.252.201 liều:

Hiện tại, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho nhóm trẻ này tại 63 tỉnh, thành phố đạt từ 12% đến 54%.

Công tác chỉ đạo, điều hành

- Bộ Y tế có Công điện số 690/CĐ-BYT ngày 19/5/2022 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

- Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke