​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 26/7/2021

26/07/2021 In bài viết

Đến 17h00 ngày 26/7/2021, tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 194,8 triệu ca, trong đó hơn 4,1 triệu ca tử vong và hơn 176,8 triệu trường hợp hồi phục. Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 427.948 ca nhiễm Covid-19 mới, tập trung nhiều nhất tại Indonesia (38.679 ca), tiếp theo là Ấn Độ (38.153 ca), Anh (29.173 ca), Iran (27.146 ca),...

Những ngày gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch Covid-19 ở châu Á và nhiều chuyên gia cảnh báo, tình hình đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta. Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Con số này tại Indonesia cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể.

Tại châu Âu, sự lây lan biến thể Delta đang trở thành mối quan ngại của nhiều quốc gia. Trong ngày 26/7, Hạ viện Pháp đã thông qua dự thảo luật nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát do sự lây lan của biến thể Delta, trong đó có nội dung bắt buộc đội ngũ nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tại Anh, các nhà khoa học cảnh báo, nước này có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới làm suy yếu hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ có thể khiến số ca mắc Covid-19 mới tăng tới 100.000 ca/ngày vào mùa Hè này.

Tại Việt Nam, ghi nhận 106.347 ca mắc, trong đó 104.146 ca ghi nhận trong nước, 19.342 người khỏi bệnh và 524 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 103.495 ca, trong đó có 102.576 ca trong nước (99%), 16.525 người đã khỏi bệnh (16%), 489 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng.

Từ 17h00 ngày 25/7 đến 17h00 ngày 26/7/2021, ghi nhận 7.882 ca mắc mới trong đó có 7.859 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa (tại Hồ Chí Minh: 5.997, Bình Dương: 733, Đồng Nai: 259, Tiền Giang: 201, Đồng Tháp: 135, Hà Nội: 81, Đà Nẵng: 61, Vĩnh Long: 49, Bình Thuận: 48, Phú Yên: 46, Cần Thơ: 43, Bến Tre: 37, Đắc Lắc: 29, Bình Định: 27, An Giang: 25, Trà Vinh: 13, Khánh Hòa: 12, Vĩnh Phúc: 10, Lâm Đồng: 9, Quảng Nam: 8, Đắc Nông: 6, Hậu Giang: 7, Ninh Thuận: 7, Quảng Ngãi: 4, Gia Lai: 3, Nghệ An: 2, Bạc Liệu: 2, Hưng Yên: 1, Cà Mau: 1, Thừa Thiên Huế: 1, Hòa Bình: 1, Tuyên Quang: 1) và 23 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Quảng Nam (4), Hồ Chí Minh (15), Tây Ninh (2), Hải Dương (1), Hà Nội (1).

 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống COVID-19.

- Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học trực tuyến trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

- Tính đến 17h00 ngày 25/7, chỉ sau một ngày kể từ khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh có thư ngỏ, đã có trên 1.300 lượt người đăng ký tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong đó, có gần 300 người là bác sĩ có trình độ Đại học; 200 người là dược sĩ; 700 người làm các ngành nghề khác.

- Tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và một số địa phương đang có dịch trên cả nước. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID - 19 tại TP. Hồ Chí Minh do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt tiếp tục điều phối, phối hợp, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Thường xuyên bám sát diễn biến thực tế, liên tục chỉ đạo và hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp theo mức độ nguy cơ trên nguyên tắc khoanh vùng rộng để lấy mẫu xét nghiệm và phong tỏa hẹp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ chống dịch dựa vào cộng đồng; áp dụng các phương pháp xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế cho từng nhóm đối tượng và tổ chức tốt công tác điều phối lấy mẫu, xét nghiệm; thực hiện các hình thức cách ly phù hợp.

- Tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy tiến độ cung cấp vắc xin; tăng cường hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước.

- Tăng cường truyền thông về tập trung thực hiện 5K + vắc xin. Xây dựng nội dung truyền thông trong Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke