Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 23/7/2021
23/07/2021 In bài viết
Tính đến 17h00 ngày 23/7/2021, Thế giới ghi nhận hơn 193,5 triệu ca, trong đó hơn 4,1 triệu ca tử vong và gần 175,8 triệu trường hợp hồi phục.
Tại châu Âu, dịch đang tái bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia như Pháp, Nga và Anh. Trong đó Pháp với hơn 6 triệu ca nhiễm và 110.000 ca tử vong đã trở thành vùng dịch lớn nhất châu lục, vượt qua Nga..
Giữa lúc số ca nhiễm mới hàng ngày lên mức kỷ lục 11.000, Malaysia phê duyệt có điều kiện hai loại kit tự xét nghiệm nCoV tại nhà. Cả hai đều có giá 39,9 ringgit (khoảng 9,4 USD), được bán tại các nhà thuốc và cơ sở y tế đã đăng ký. Hạn sử dụng kit Salixium là 18 tháng, với tỷ lệ chính xác nếu ra kết quả dương tính là 91% và âm tính là 100%. Trong khi đó, người dùng kit Gmate chỉ cần thử mẫu nước bọt, cũng có kết quả trong khoảng 15 phút; nếu thiết bị cho ra kết quả là không phù hợp, thay vì âm tính hay dương tính, người dùng phải sử dụng kit mới để xét nghiệm lại; Theo khuyến cáo, bộ xét nghiệm này nên được sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng..
Toàn thế giới có hơn 3,7 tỷ liều vaccine được triển khai ở 179 quốc gia, với tốc độ trung bình 31,5 triệu liều mỗi ngày. Riêng tại Mỹ, hơn 340 triệu mũi vaccine đã được tiêm cho người dân. Tính đến tuần qua, chiến dịch tiêm chủng đạt tốc độ trung bình là 532.836 liều mỗi ngày.
Ghi nhận 81.678 ca mắc, trong đó 79.537 ca ghi nhận trong nước, 12.593 người khỏi bệnh và 370 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 78.826 ca, trong đó có 77.967 ca trong nước (98%), 9.776 người đã khỏi bệnh (12%), 335 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng.
Trong ngày ghi nhận thêm 01 tỉnh mới là Lai Châu có 01 ca mắc là trường hợp từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương, được cách ly ngay trước đó. Từ 17h00 ngày 22/7 đến 17h00 ngày 23/7/2021, ghi nhận 7.307 ca mắc mới trong đó có 7.295 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa (tại Hồ Chí Minh: 4.913, Bình Dương: 608, Long An: 602, Đồng Nai: 217, Tây Ninh: 212, Đồng Tháp: 129, Tiền Giang: 95, Hà Nội: 70, Bà Rịa-Vũng Tàu: 58, Khánh Hòa: 51, Bình Thuận: 47, Đà Nẵng: 47, Ninh Thuận: 37, Cần Thơ: 34, Phú Yên: 30, Quảng Ngãi: 26, Bến Tre: 20, Trà Vinh: 15, Kiên Giang: 13, Vĩnh Long: 12, Nghệ An: 11, Đắc Nông: 8, Bình Định: 6, Hậu Giang: 4, Đắc Lắc: 4, Bắc Ninh: 4, Bình Phước: 4, Vĩnh Phúc: 3, An Giang: 2, Hà Tĩnh: 2, Bắc Giang: 2, Lâm Đồng: 2, Cà Mau: 2, Quảng Nam: 2, Hòa Bình: 1, Kon Tum: 1, Lai Châu: 1) và 12 ca nhập cảnh cách ly ngày tại Tây Ninh (9), Khánh Hòa (3).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Bộ Y tế tiếp nhận 150.000 hộp thuốc từ Công ty AstraZeneca nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm trong dịch COVID-19..
- Bộ Y tế ban hành công văn số 5881/BYT-KCB gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn cần rà soát, củng cố lại các điều kiện về nhân lực, thuốc, thiết bị y tế, cơ sở vật chất để phòng chống dịch COVID-19.
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19 đã chủ trì cuộc họp rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và xem xét đề xuất của nhà sản xuất đối với vắc xin Nano Covax phòng COVID-19. Báo cáo tại cuộc họp, đại diện công ty Nanogen cho hay, đến nay, vắc xin Nano Covax đã tiêm thử nghiệm lâm sàng trên 13.620 tình nguyện viên. Trong đó, 60 người thuộc giai đoạn 1, 560 người thuộc giai đoạn 2 và 13.000 người giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, có 1.004 người tiêm đủ 2 liều.
- Tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và một số địa phương đang có dịch trên cả nước. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID - 19 tại TP. Hồ Chí Minh do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt tiếp tục điều phối, phối hợp, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Thường xuyên bám sát diễn biến thực tế, liên tục chỉ đạo và hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp theo mức độ nguy cơ trên nguyên tắc khoanh vùng rộng để lấy mẫu xét nghiệm và phong tỏa hẹp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ chống dịch dựa vào cộng đồng; áp dụng các phương pháp xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế cho từng nhóm đối tượng và tổ chức tốt công tác điều phối lấy mẫu, xét nghiệm; thực hiện các hình thức cách ly phù hợp.
- Tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy tiến độ cung cấp vắc xin; tăng cường hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước.
- Tăng cường truyền thông về tập trung thực hiện 5K + vắc xin. Xây dựng nội dung truyền thông trong Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng