Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 22/7/2021
22/07/2021 In bài viết
Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 192,8 triệu ca, trong đó hơn 4,1 triệu ca tử vong và gần 175 triệu trường hợp hồi phục.
Delta, biến chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, xuất hiện ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều hơn 13 so với tuần trước, chiếm hơn 3/4 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene ở những quốc gia lớn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/7 cho biết. Ngoài Delta, còn ba biến chủng khác thuộc nhóm gây lo ngại (VOCs) là Alpha, phát hiện lần đầu tại Anh, xuất hiện tại 180 vùng lãnh thổ, tăng 6 vùng so với tuần trước; Beta, xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, hiện ghi nhận trên 130 vùng lãnh thổ, tăng 7 vùng so với tuần trước; Gamma, phát hiện lần đầu ở Brazil, có mặt tại 78 vùng lãnh thổ, nhiều hơn ba vùng so với tuần trước.
Ngày 22/7, Hàn Quốc ghi nhận 1.842 ca mới, nâng tổng số lên 184.103 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này hồi tháng 1/2020. Trước đó ngày 21/7, số ca mới trong ngày được ghi nhận là 1.781 ca. Đồng thời, đây là ngày thứ 16 liên tiếp số ca mới trong ngày vượt mốc 1.000 ca.
Trong tuần, thủ đô Jakarta (Indonesia) buộc phải gia hạn các biện pháp khẩn cấp, trong khi Bangkok (Thái Lan) ngừng tất cả các chuyến bay ra vào, Kuala Lumpur (Malaysia) bước vào tháng thứ hai thực hiện lệnh cấm ra đường và đóng cửa các cửa hàng trong một đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc.
Ghi nhận 74.371 ca mắc, trong đó 72.242 ca ghi nhận trong nước, 12.179 người khỏi bệnh và 370 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 71.519 ca, trong đó có 70.672 ca trong nước (98%), 9.362 người đã khỏi bệnh (13%), 335 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 61 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 2 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là Lai Châu và Cao Bằng.
Trong ngày ghi nhận thêm 01 tỉnh mới là Quảng Bình có 02 ca mắc là F1 của trường hợp nhập cảnh. Từ 17h00 ngày 21/7 đến 17h00 ngày 22/7/2021, ghi nhận 6.194 ca mắc mới trong đó có 6.164 ca trong nước, hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa (tại Hồ Chí Minh: 4.218, Bình Dương: 679, Long An: 432, Đồng Nai: 210, Đồng Tháp: 117, Tiền Giang: 68, Bến Tre: 65, Bà Rịa-Vũng Tàu: 63, Hà Nội: 50, Cần Thơ: 45, Vĩnh Long: 38, Đà Nẵng: 27, Bình Thuận: 26, Phú Yên: 21, An Giang: 15, Hậu Giang: 12, Kiên Giang: 11, Trà Vinh: 9, Sóc Trăng: 8, Bắc Ninh: 7, Đắc Lắc: 6, Khánh Hòa: 5, Bình Phước: 5, Quảng Nam: 5, Bình Định: 4, Hải Phòng: 3, Hưng Yên: 2, Vĩnh Phúc: 2, Đắc Nông: 2, Sơn La: 2, Quảng Bình: 2, Kon Tum: 1, Quảng Ngãi: 1, Hà Tĩnh: 1, T.T. Huế: 1, Lào Cai: 1) và 30 ca nhập cảnh cách ly ngày tại Bà Rịa – Vũng Tàu (16), Hồ Chí Minh (10), An Giang (2), Bình Định (2).
Có 61 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc (chi tiết tại Phụ lục 1), trong đó:
- 9 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong nước, gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
- 8 địa phương không có lây nhiễm thứ phát, gồm: Vĩnh Phúc, Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La.
- 44 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 70.152 ca mắc. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Tháp. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Xây dựng, cập nhật các kịch bản chống dịch đối với các tình huống dịch bệnh xấu nhất trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng đáp ứng nhanh, kịp thời, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn. Chủ động rà soát nhân lực, trang thiết bị, máy thở, máy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy thở ô xy dòng cao HFNC, kể cả ô xy, thuốc, hoá chất, thiết bị phòng hộ… để đáp ứng với tình huống khi có số ca mắc tăng cao.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, triển khai các phương án vừa chống dịch, vừa tiến hành sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ. Đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là các đối tượng người lao động, người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh.
- Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng, tập huấn an toàn tiêm chủng, quy trình tiêm chủng để đảm bảo tiêm an toàn, không để lây nhiễm tại các điểm tiêm chủng.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh những nỗ lực chống dịch trên mọi mặt, nhấn mạnh thông điệp truyền thông “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ; khuyến khích, huy động người dân tham gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng