​Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 28/7/2022

28/07/2022 In bài viết

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRÊN THẾ GIỚI

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 578,8 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.

Nhật Bản đang chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc gần đây với tổng số ca mắc mới trong nước vượt 200.000 ca ngày 27/7. Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/7 cho biết Nhật Bản có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới trong tuần tính đến ngày 24/7 với hơn 969.000 ca, sau đó là Mỹ với 860.000 ca và Đức với 570.000 ca. Nhật Bản đang đối diện với làn sóng dịch thứ 7, do biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ của Hiệp hội Y khoa Anh, các nhà nghiên cứu cho biết 4% bệnh nhân chưa hồi phục khứu giác và 2% chưa hồi phục vị giác sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19. Các nhà nghiên cứu ước tính tình trạng mất khứu giác có thể tồn tại dai dẳng ở 5,6% số bệnh nhân, trong khi 4,4% có thể hoàn toàn không lấy lại được vị giác. Có một số người thậm chí không thể hồi phục khứu giác sau hơn 2 năm kể từ khi mắc COVID-19. Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ ít có khả năng phục hồi các giác quan này hơn so với nam giới. Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết bệnh nhân sẽ lấy lại khứu giác và vị giác trong 3 tháng đầu tiên sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người có thể bị rối loạn khứu giác và vị giác kéo dài. Những người này cần được kịp thời phát hiện, điều trị và theo dõi lâu dài.

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI VIỆT NAM

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.774.679 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.695 ca nhiễm).

TÌNH HÌNH ĐIỀU TRỊ

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.877 ca

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.888.468 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 31 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 27 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca

- Thở máy không xâm lấn: 1 ca

- Thở máy xâm lấn: 0 ca

- ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Từ 17h30 ngày 27/7 đến 17h30 ngày 28/7 ghi nhận 0 ca tử vong.

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.092 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

TÌNH HÌNH TIÊM CHỦNG:

Trong ngày 27/7 có 430.517 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 243.823.801 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 211.820.564 liều: Mũi 1 là 71.301.286 liều; Mũi 2 là 68.822.036 liều; Mũi 3 (vắc xin Abdala) là 1.513.298 liều; Mũi bổ sung là 14.001.834 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 47.681.050 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 8.501.060 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 20.372.625 liều: Mũi 1 là 9.038.123 liều; Mũi 2 là 8.686.354 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 2.648.148 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 11.630.612 liều: Mũi 1 là 7.683.846 liều; Mũi 2 là 3.946.766 liều.

NHẬN ĐỊNH

Trong 01 tháng qua (từ ngày 28/6 đến nay), cả nước ghi nhận 28.895 ca mắc, 8 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 0,03%). So với tháng trước, trong tháng này số mắc tăng 4,2%, Số ca nặng giảm 7,0% và số tử vong tăng 02 ca. Trong 07 ngày qua (từ ngày 21/7 đến nay), cả nước ghi nhận trung bình hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày (cao nhất trong 02 tháng qua) khi có ngày ghi nhận cao nhất với 1.765 ca mắc (ngày 27/7). So với tuần trước, trong tuần này số mắc tăng 30,1%; số ca nặng giảm 14,4% và cả nước chỉ ghi nhận 01 ca tử vong trong tuần (tương đương so với tuần trước).

Các biến chủng mới của vi rút có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh; tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung sau:

1. Đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.

2. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch;

2. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tễ, xã hội.

4. Đảm bảo kinh phí, nhân lực, vật lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch, nhất là việc đảm bảo chế độ, chính sách, động viên khen thưởng đối với các lực lượng phòng, chống dịch.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke