​Hội thảo tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố năm 2021 – 2022 và góp ý kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế năm 2022 – 2023

28/07/2022 In bài viết

     Ngày 23/9/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4523/QĐ – BYT về việc phê duyệt dự án “Triển khai sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố và hỗ trợ hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19, đến nay 24 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc tiêm vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế. Để tổng kết kết quả tiêm chủng và hoạt động của dự án năm 2021 - 2022, ngày 26/7/2022 Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố năm 2021 – 2022 và góp ý kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế năm 2022 – 2023.

     TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng tham dự và chủ trì Hội nghị, ngoài ra còn có các đại biểu đến từ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, đại diện Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố và đại diện của CDC Hòa Kỳ.

 TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại Hội nghị

    Phát biểu tại Hội nghị TS. Nguyễn Minh Hằng phát biểu: “Trong thời gian vừa qua toàn bộ ngành y tế đã phải nỗ lực ngày đêm, dồn hết trí lực, nguồn lực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc. Với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào trong công cuộc phòng, chóng dịch COVID 19”.

     Lịch sử loài người đã trải qua các vụ dịch tương tự như đại dịch cúm với số lượng người tử vong lớn như Cúm Nga – Châu Á (1889 – 1890) với hơn 1 triệu người tử vong, Cúm Tây Ban Nha (1918 – 1920) với hơn 40 triệu người tử vong, đại dịch cúm châu Á (1957-1958), đại dịch cúm Hồng Kông (1968-1969). Trung bình các vụ dịch cúm gây bệnh cho khoảng 500 - 800 triệu người/năm, trong đó khoảng 5 triệu trường hợp bị bệnh cúm nặng và 250.000 - 500.000 trường hợp tử vong. Việt Nam cũng là một trong những điểm nóng trong khu vực về bệnh cúm, bao gồm cả cúm mùa. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao, từ đầu năm 2022 đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A(H5N1).

     Sử dụng vắc xin cúm mùa là biện pháp đem lại hiệu quả cao trong việc dự phòng tích cực và chủ động các bệnh dịch, trong đó có bệnh cúm và nhiều lợi ích, hiệu quả đầu tư kinh tế, phát triển và bảo vệ sức khỏe giống nòi... Vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ của vắc xin là tương đối cao 70-90%. Vắc xin cúm mùa được khuyến cáo sử dụng rộng rãi cho nhóm đối tượng cảm nhiễm, đặc biệt là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao (phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người mắc bệnh mạn tính và nhân viên y tế). Nhóm nhân viên y tế (NVYT) là một trong nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất do thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh cúm và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền vi rút cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên việc tiêm vắc xin cúm mùa ở NVYT vẫn gặp phải những khó khăn do nhận thức rằng bệnh cúm không phải là bệnh nguy hiểm đối với những người lao động trưởng thành, khỏe mạnh cũng như quan niệm sai lầm về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin cúm mùa của chính các NVYT.

Quang cảnh Hội nghị

Hiện nay tại Việt Nam vắc xin cúm mùa chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng mà được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ, bao gồm các vắc xin nhập khẩu được cấp phép lưu hành tại Việt Nam như Vaxigrip (Sanofi Pasteur), Influvac (Abbott) và GC Flu (Green Cross), số lượng vắc xin cúm trung bình hàng năm sử dụng khoảng 500 nghìn liều và tăng dần trong các năm gần đây. Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin cúm mùa IVACFLU-S, đây là vắc xin cúm mùa bất hoạt tam liên (phòng 3 chủng cúm: A/H1N1, A/H3N2 và B). Vắc xin này đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Chương trình hợp tác giới thiệu sử dụng vắc xin cúm (PIVI) do Trung tâm dự phòng, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và nhóm hành động vì sức khỏe toàn cầu thiết lập với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh cúm và nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh bằng cách cung cấp vắc xin cúm miễn phí cho các quốc gia đối tác. PIVI bắt đầu hoạt động từ năm 2011 và đã có trên 15 quốc gia tham gia với hàng triệu liều vắc xin cúm mùa được cung ứng. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của USCDC, PIVI, việc triển khai tiêm vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế đã được triển khai từ tại 4 tỉnh, thành phố năm 2017 (với 11.000 liều) và năm 2019 (với 21.000 liều); tại 24 tỉnh, thành phố năm 2020 (với 136.000 liều). Việc triển khai kế hoạch này được sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia của NVYT với số liều vắc xin sử dụng đạt tỷ lệ cao (hơn 80%), đảm bảo an toàn tiêm chủng. Năm 2021, với sự hỗ trợ 136.000 liều vắc xin của PIVI, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cúm mùa cho NVYT tại 24 tỉnh, thành phố và loại vắc xin sử dụng cho kế hoạch này là IVACFLU-S do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.

“PIVI cam kết sẽ hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam để triển khai kế hoạch trong vòng 05 năm kể từ năm 2019. Từ năm 2022, sự hỗ trợ của PIVI sẽ giảm dần, và phần đối ứng của chính phủ Việt Nam sẽ tăng dần. Để đáp ứng yêu cầu này, Cục Y tế dự phòng đã xây dựng dự thảo kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022, trong đó huy động sự tham gia của các tỉnh, thành phố, các tổ chức khác trong việc mua đối ứng vắc xin cùng với số lượng hỗ trợ từ phía PIVI” – TS. Nguyễn Minh Hằng cho biết thêm.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke