BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19 (Ngày 23/3/2021)
23/03/2021 In bài viết
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 75 nghìn trường hợp mắc và hơn 2 nghìn ca tử vong, đánh dấu sự tăng trở lại số ca tử vong và ca bệnh mới trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ sau nhiều ngày giảm liên tục. Đến nay, tổng số ca nhiễm trên thế giới đã vượt mức 124,36 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,737 triệu người không qua khỏi.
Xét theo khu vực, châu Âu vẫn đang là tâm dịch của thế giới. Một số nước châu Âu buộc phải tái áp dụng các hạn chế do lo ngại về làn sóng dịch mới: Áo đã quyết định trì hoãn việc mở cửa trở lại các quán ăn, nhà hàng và quán bar theo kế hoạch vào ngày 27/3 tới do số ca nhiễm mới ngày một gia tăng, Thủ tướng Đức và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa hiện nay cho tới ngày 18/4, Chính phủ Séc đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày sau khi hết hiệu lực vào ngày 28/3 tới nhằm duy trì các biện pháp hạn chế ứng phó với dịch Covid-19 cho tới khi dịch bệnh giảm. Trong khi đó tại Pháp, hơn 1/3 dân số đang bị phong tỏa. Biểu tình nổ ra ở Đức, Hà Lan, Bulgaria và Thụy Sĩ do thái độ bất mãn của người dân với công tác chống dịch.
Mặc dù đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19, ngày 22/3, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton nhận định chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại khu vực đang trong giai đoạn nước rút, đồng thời tuyên bố tới ngày 14/7, người dân trên khắp châu Âu sẽ có miễn dịch chống lại virus. Trong khi đó tại Anh, dữ liệu chính thức cho biết hơn 27,6 triệu người, tương đương hơn 1/2 dân số trưởng thành tại quốc gia này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và khoảng 2,2 triệu người đã nhận cả hai liều.
Tại châu Á, ngoài điểm nóng dịch bệnh là Ấn Độ, nhiều nước tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca nhiễm tại châu Á đã lên tới 27,08 triệu ca. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/3 đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca trong bối cảnh ông chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ diễn ra tại Anh vào tháng 6 tới.
Trong cuộc họp báo ngày 22/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khác biệt về lượng vaccine ngừa Covid-19 tiêm chủng tại các nước giàu và nghèo gia tăng từng ngày và ngày càng trở nên phi lý khi nhiều nước giàu tiêm vaccine cho những người trẻ tuổi ít nguy cơ mắc biến chứng nặng, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo không có vaccine để tiêm chủng. Người đứng đầu WHO cho đây là sự bất công cần giải quyết quyết để đảm bảo phân phối vaccine được đồng đều trên toàn thế giới.
Từ ngày 25/01/2021 đến nay đã ghi nhận 908 trường hợp mắc có liên quan đến đợt dịch này, gồm Hải Dương (724), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (06), Bắc Ninh (05), Hải Phòng (04), Điện Biên (03), Hưng Yên (03), Hòa Bình (02), Bắc Giang (02), Hà Giang (01). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.576, trong đó có 1.568 ca trong nước.
Trong ngày 23/3, Việt Nam ghi nhận 01 trường hợp mắc nhập cảnh tại Hà Nội, cụ thể: nam, 25 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Bệnh nhân từ Pháp nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 09/3/2021, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 23/03/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
- Ngày 23/3, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 đối với vắc xin Sputnik V của Nga. Đây là vắc xin phòng COVID-19 thứ 2 được Việt Nam phê duyệt đến nay.
- Tiếp tục chỉ đạo các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai bao y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.
- Cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh; tiếp tục truyền thông thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, không tụ tập đông người; xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang; thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên truyền thông khuyến khích nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.
Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam