​Bệnh do nấm Can-di-đa An-bi-căng

18/07/2016 In bài viết

_
BỆNH DO NẤM CAN - ĐI - ĐA AN - BI - CĂNG
(Maladus Candidae albicantis)
ICD-10 B37: Candidiasis
Bệnh do nấm can - đi - đa  an - bi - căng (Candida albicans) thuộc nhóm  C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng: Bệnh nấm candida đường sinh dục nữ hay viêm  âm hộ - âm đạo do nấm men candida  (Vulvovaginal Candidadiasis) là một bệnh nhiễm trùng âm đạo nội sinh do chủng nấm candida mà chủ yếu là Candida albicans gây nên (khoảng 90%), bệnh rất hay gặp ở phụ nữ. Bệnh không lây qua quan hệ tình dục mà do sự tăng sinh quá mức nấm candida ký sinh trong âm đạo dưới một số yếu tố thuận lợi như sử dụng các thuốc làm suy giảm miễn dịch, kháng sinh phổ rộng kéo dài, mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ có thai...
- Đặc điểm lâm sàng nấm candida âm hộ - âm đạo
+ Bệnh nhân thường ngứa nhiều, do vậy bệnh nhân thường phải gãi làm xây xước âm hộ và làm nấm lan rộng cả tầng sinh môn, bẹn. Khí hư nhiều, có màu trắng đục như váng sữa, không hôi. Có thể kèm theo đi tiểu khó, đau khi giao hợp.
+ Khám: âm hộ - âm đạo viêm đỏ, có thể bị xây xước nhiễm khuẩn do gãi, trường hợp nặng bị viêm cả vùng tầng sinh môn và đùi bẹn. Khí hư thường nhiều, màu trắng như váng sữa, thành mảng dày dính vào thành âm đạo, ở dưới có vết trợt đỏ.
Nam thường rất ít bị bệnh và cũng có ít người biểu hiện triệu chứng bệnh. Biểu hiện thường gặp là cảm giác bỏng rát qui đầu, ngứa, qui đầu và bao da đỏ, có nhiều vết nứt rạn và nhiều chất nhày màu trắng.
- Ca bệnh xác định: Viêm âm đạo do nấm candida được xác định khi soi tươi hoặc nhuộm Gram  thấy có bào tử nấm men, có thể nảy chồi hoặc có giả sợi. Nuôi cấy ở môi trường Sabouraud.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: viêm âm đạo do trùng roi (trichomoniasis) và do vi khuẩn (bacterial vaginosis).
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm: Lấy tế bào thành âm đạo, âm hộ làm tiêu bản soi tươi hoặc nhuộm gram
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Soi tươi hoặc nhuộm soi dưới kính hiển vi để xác định đặc trưng của bào tử nấm C.albicans và giả sợi nấm.
+ Nuôi cấy trên môi trường thạch bột ngô hoặc thạch khoai tây.
2. Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân : Candida albicans và các chủng candida khác thuộc lớp Adelomycetes.
- Hình thái: Trên tiêu bản soi tươi bào tử  Candida hình bầu dục có chồi hoặc không, thành nhẵn, đôi khi  thấy sợi giả. Kích thước bào tử Candida khoảng  3 - 6 micron.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: nấm candida dễ bị diệt bởi nhiệt độ, môi trường khô, nấm candida có thể tồn tại ở môi trường ẩm.
3. Đặc điểm dịch tễ học
- Bệnh nấm candida không lây qua quan hệ tình dục. Bệnh có thể lây truyền qua đồ dùng, quần áo, khăn tắm ẩm ướt, bồn tắm. Nấm Candida có thể lây từ hậu môn và gây bệnh nấm âm hộ - âm đạo. Bệnh hay gặp ở người trẻ tuổi, trong độ tuổi hoạt động tình dục.
4. Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa:  Nấm candida khư trú trong âm đạo của người bệnh và có thể ở hậu môn.
- Thời gian ủ bệnh: Thông thường bệnh nấm men candida âm hộ- âm đạo có thời gian ủ bệnh không rõ ràng. Nấm có thể ký sinh trong âm đạo mà không gây triệu chứng bệnh và chỉ gây bệnh khi có yếu tố thuận lợi làm nấm tăng sinh gây bệnh.
- Thời kỳ lây truyền: Bệnh nấm candida âm hộ - âm đạo có thể lây truyền qua đồ dùng quần áo ẩm ướt và lây từ hậu môn. Vai trò lây bệnh từ bạn tình nam giới không rõ ràng.
5. Phương thức lây truyền: Bệnh nấm âm hộ - âm đạo không lây qua quan hệ tình dục. Người bệnh có thể bị nhiễm qua đồ dùng, quần áo, khăn tắm ẩm ướt, nhiễm nấm từ hậu môn. Nhiều phụ nữ có nấm Candida ở âm đạo nhưng không có triệu chứng bệnh.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Bệnh nấm candida âm hộ - âm đạo thường gặp nữ trong tuổi hoạt động tình dục, nam ít gặp và có biểu hiện viêm quy đầu - bao da quy đầu, ít khi bị viêm niệu đạo. Bệnh candida âm hộ- âm đạo không có miễn dịch. Có tới 3/4 phụ nữ bị nấm candida âm hộ - âm đạo ít nhất một lần trong đời và một số phụ nữ bị tái phát nhiều lần.
7. Các biện pháp kiểm soát bệnh
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ về vệ sinh cá nhân, tránh lạm dụng các thuốc kháng sinh và các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid...
+ Khi có biểu hiện bệnh cần đi khám chữa sớm, loại trừ các yếu tố thuận lợi cho bệnh.
- Vệ sinh phòng bệnh:
7.2. Biện pháp chống dịch:
-  Tổ chức: nấm candida âm hộ - âm đạo không gây thành dịch, do vậy chủ yếu thực hiện các biện pháp chuyên môn để phòng chống bệnh.
- Chuyên môn:
+ Bệnh nhân mắc bệnh nấm candida âm hộ - âm đạo  khi đến các cơ sở y tế được khám, điều trị, tư vấn.
+ Bệnh nhân nấm candida âm hộ - âm đạo cũng như các bệnh nhân mắc bệnh lây truyền khác không có chế độ cách ly.
+ Phòng chống bệnh: tăng cường khám phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh qua lồng ghép vào chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản, màng lưới y tế đa khoa các cấp, hợp tác với y tế tư nhân.
 7.3. Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị theo hướng dẫn quốc gia phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không cần điều trị cho cả bạn tình của bệnh nhân, trừ trường hợp họ có triệu chứng bệnh. Đối với các cơ sở y tế không chuyên khoa và tuyến y tế cơ sở, quận huyện không có xét nghiệm hỗ trợ thì điều trị theo tiếp cận hội chứng; đối với cơ sở chuyên khoa, các cơ sở y tế có xét nghiệm hỗ trợ thì điều trị theo căn nguyên.
- Phác đồ điều trị  bệnh nấm candida âm hộ- âm đạo :
Clotriamazole 100 mg hoặc Miconazole 100 mg viên đặt âm đạo mỗi đêm đặt 1 viên trong 7 ngày, hoặc
Clotriamazole 500mg viên đặt âm đạo đặt 1 viên duy nhất, hoặc
Econazole 150 mg viên đặt âm đạo mỗi đêm đặt 1 viên trong 3 ngày.
Fluconazol 150 mg uống liều duy nhất, hoặc
Itraconazol 100 mg uống 2 viên/ngày trong 3 - 5 ngày.
- Tại chỗ có thể bôi tím Gentian 0,5%, rửa dung dịch betadin.
- Chú ý: Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu. Trong khi uống thuốc không được uống rượu, không quan hệ tình dục.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có chế độ kiểm dịch y tế biên giới đối với nấm candida âm hộ - âm đạo và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.



 

Admin

Thong ke