​Bệnh mắt hột

18/07/2016 In bài viết

_
BỆNH MẮT HỘT
(Trachoma)
ICD-10 A71: Trachoma
Bnh mt ht thuc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Đặc điểm của bệnh.
1.1. Định nghĩa: bệnh mắt hột (BMH) là một viêm kết giác mạc đặc hiệu, lây lan, tiến triển mạn tính ở người, gây ra do tác nhân Chlamydia Trachomatis. Tổn thương đặc trưng ở kết giác mạc bởi: hột mắt hột, tăng sản nhú gai, màng máu, cuối cùng là sẹo hoá kết giác mạc, gây lông quặm, lông siêu và dẫn đến mù loà.
1.2. Chẩn đoán BMH:
1.2.1. Các tổn thương cơ bản gặp trong BMH:
- Thẩm lậu: là phản ứng viêm mãn tính gây ra do tế bào limphô, plasmo… làm cho kết mạc phù dầy, đục, che lấp hệ mạch ở dưới, khi thẩm lậu ở rìa giác mạc làm cho giác mạc phù lớp nông và đục thường ở rìa trên.
- Hột: là những tổ chức hình tròn, hơi nổi lên trên bề mặt kết mạc, hay ở rìa giác mạc, màu trắng xám, mạch máu vây quanh và bò lên trên mặt hột. Thực chất là phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh, tạo nên do tụ tập tế bào lymphô, ở giữa là một trung tâm sinh sản tích cực, bao quanh là tế bào plasmo….
- Nhú gai: là những khối có hình đa giác, màu hồng, có 1 trục mạch máu ở giữa, toả ra các mao mạch ở xung quanh. Thực chất là sự rãn mạch, tăng sinh các mao mạch và thâm nhiễm các tế bào viêm.
- Sẹo: điển hình ở kết mạc sụn mi trên, là những dải sơ trắng hình  sao, có nhánh hình thành  dạng lưới. Đây là tổn thương chứng tỏ BMH đã tiến triển lâu.
1.2.2. Chẩn đoán, phân loại BMH: có rất nhiều cách phân loại, để phục vụ cho công tác phòng chống BMH. Tổ chức Y tế Thế giới (1987) chia BMH ra thành các giai đoạn sau:
- Bệnh Mắt hột có hột (Trachomatous inflamation Follicular - TF): có ít nhất 5 hột trên kết mạc sụn mi trên, hột phải có kích thước từ 0,5 mm trở lên. Tỷ lệ TF nói lên sự lây lan của BMH trong cộng đồng.
- Bệnh Mắt hột viêm nặng (Trachomatous inflamation Intense - TI): kết mạc sụn mi trên bị thẩm lậu (đỏ, dày lên), thẩm lậu đó che mờ 1/2  các mạch máu trên kết mạc sụn mi trên. Tỷ lệ TI nói lên sự trầm trọng của BMH trong cộng đồng.
- Sẹo kết mạc do Mắt hột (Trachomatous Scarring - TS): có sẹo trên kết mạc sụn mi trên, Sẹo kết mạc phải dễ thấy như hình dải, vạch hoặc hình sao, tỷ lệ TS nói lên sự tồn tại trước kia của BMH trong cộng đồng.
- Lông xiêu, lông quặm do mắt hột (Trachomatous Trichiasis - TT): có ít nhất 1 lông mi chọc vào nhãn cầu, hoặc có bằng chứng về việc mới nhổ lông xiêu, tỷ lệ TT nói lên tiềm năng gây mù của BMH cho cộng đồng.
- Sẹo đục giác mạc do Mắt hột (Corneal Opacity - CO): tỷ lệ CO nói lên hậu quả gây mù của BMH cho cộng đồng.
1.2.3. Chẩn đoán phân biệt.
- Viêm kết mạc cấp: kết mạc cương tụ toàn bộ, nhiều rử mắt, không có hột trên kết mạc sụn mi trên.
- Viêm kết mạc dị ứng: hay nhầm lẫn vì trên trẻ em hay gặp đặc biệt viêm kết mạc mùa xuân, trên kết mạc có nhiều nhú gai, không phải hột trên kết mạc sụn mi trên.
1.2.4. Xét nghiệm: bệnh phẩm là nạo kết mạc sụn mi trên, rử mắt hay nạo hột trên kết mạc sụn mi trên, nhuộm Giemsa soi tìm thể vùi trong tế bào. Các xét nghiệm nuôi cấy trên lòng đỏ trứng hay trong tế bào và tìm Chlamydia, phản ứng huyết thanh hiện nay chưa có gì đặc hiệu cho chẩn đoán và chủ yếu trong nghiên cứu.
2. Tác nhân gây bệnh: Tên tác nhân gây BMH là Chlamydia Trachomatis, nhóm vi khuẩn gram âm mang cả đặc tính của vi khuẩn như: Có 2  axit nhân ADN và ARN, chịu tác dụng của một số kháng sinh và Sulfamid, có màng bọc tế bào, sinh sản theo cơ chế phân đôi và đặc tính của vi rút như: Ký sinh bắt buộc trong tế bào biểu mô dưới dạng thể vùi CPH( Corpus Prowaczek – Halbersteadter), có kích thước rất nhỏ có thể lọc qua được màng lọc tế bào
- Chlamydia thuộc họ Chlamydiaceae, có 3 nhóm nhỏ gồm : Chlamydia Trachomatis là tác nhân đặc trưng gây BMH và các viêm đường tiết niệu - sinh dục có hột ở người. Chlamydia Psittaci: gây bệnh ở động vật (chim). Chlamydia Pneumoniae: gây viêm đường hô hấp
- Tác nhân Chlamydia Trachomatis có 15 týp huyết thanh khác nhau, gồm : Týp A,B,Ba,C: truyền bệnh từ mắt sang mắt, gây BMH lưu địa. Týp D,E,F,G,H,I,J,K : truyền bệnh qua đường sinh dục. Týp L1, L2, L3 : truyền bệnh lim phô hạt phong tình. Chlamydia Trachomatis là một vi khuẩn gây bệnh rất nhạy ở người, nhưng chưa thấy gây bệnh ở động vật. Vi khuẩn mắt hột chịu được ở độ lạnh rất cao trong  một tuần nhưng bị chết nhanh chóng sau khi để lạnh rồi lại để ở độ nóng. Với nhiệt độ 50 độ C, chết sau 15 phút. Ngoài cơ thể người,không tồn tại được quá 24 giờ.
3. Đặc điểm dịch tễ học: thường trẻ em bị nhiễm Chlamydia từ lúc rất sớm có thể năm đầu cao điểm là lứa tuổi 5 - 6 tuổi, không bao giờ trước 6 tháng. Bệnh tiến triển âm thầm toàn phát sau nhiều năm, có thể tự khỏi, hay có nhiều đợt bội nhiễm viêm kết mạc cấp làm cho bệnh nặng và gây biến chứng, hay gặp ở vùng có điều kiện vệ sinh kém.
4. Phương thức lây truyền: mặc dù Chlamydia trachomatis chỉ có một vật chủ duy nhất là con người nhưng quá trình tiến triển của BMH lại rất phức tạp, có thể là mắt hột lưu địa gây mù hoặc không gây mù, tuỳ thuộc vào sự tác động qua lại của 3 yếu tố chính là vật chủ (con người), các yếu tố môi trường và tính gây bệnh của tác nhân Chlamydia trachomatis. Tại những nơi có các điều kiện vệ sinh môi trường tốt, BMH nhẹ, ít trầm trọng và ít lây lan, bệnh có thể tự khỏi, không bị tái nhiễm khuẩn và không để lại quặm dẫn đến mù loà. Ngược lại, nơi có điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém BMH tiến triển và lây lan mạnh, để lại nhiều di chứng  trầm trọng dẫn đến mù loà. Tại đó, BMH tồn tại dai dẳng trong nhiều năm, qua nhiều thế hệ,  bệnh lây từ mắt người bệnh sang mắt lành thông qua sự tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp (ruồi,dử mắt…). Sự tiếp xúc chặt chẽ và lâu dài với những cá thể mắc bệnh xung quanh dẫn tới việc những người đã khỏi bệnh lại tiếp tục bị tái nhiễm bệnh, chu kỳ mắc bệnh lặp đi lặp lại làm bệnh ngày càng trầm trọng hơn và cuối cùng dẫn tới mù loà. Tại những vùng này, sự lây nhiễm và mức độ trầm trọng của BMH có thể tăng lên bởi các dịch viêm kết mạc.
5. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: đặc trưng phản ứng miễn dịch của BMH là sự tập hợp các tế bào limpho, plasmo hình thành các hột mắt hột, tuy nhiên chỉ là phản ứng miễn dịch tại chỗ, không đủ ngăn cản tái nhiễm.
6. Các biện pháp phòng chống dịch BMH:
6.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ.
- Vệ sinh cá nhân: rửa mặt hàng ngày bằng khăn sạch riêng. Cải thiện điều kiện sống: tạo nguồn nước sạch, diệt ruồi, xử lí phân, rác thải.
6.2. Biện pháp chống dịch: nhằm mục tiêu thanh toán mù loà do BMH vào năm 2012, kiểm soát BMH ở mức hạn chế tối đa sự lây lan, vì thanh toán hoàn toàn BMH sẽ rất khó khăn. Hiện nay ở nước ta BMH chỉ tồn tại ở một số vùng, một số địa phương, xã thôn…Việc quan trọng là phải xác định được ở đâu, những ai cần có chương trình phòng chống mắt hột. Những ưu tiên là:
- Nơi có ổ BMH gây mù trầm trọng: được xác định qua phương pháp điều tra đánh giá nhanh. Từ xác định vùng có BMH, xác định những huyện có nguy cơ cao, tại đó chọn xã có nguy cơ cao, tại xã đã chọn, chọn thôn có điều kiện vệ sinh và thói quen vệ sinh của cộng đồng kém nhất. Tại các thôn đã chọn đó, ta sẽ chọn những gia đình có điều kiện vệ sinh và kinh tế kém nhất để khám chẩn đoán BMH cho ít nhất 50 trẻ em từ 1-10 tuổi (tìm tỷ lệ TF và TI) và ít nhất 50 người lớn từ 35 tuổi trở lên để tìm TT và CO.  Chú ý phải khám hết các thành viên trong các gia đình đã chọn. Người ta quan niệm: nếu tỷ lệ mù loà do mắt hột  CO ≥ 0,1%  thì cộng đồng đó có ổ BMH gây mù. Nếu tỷ lệ quặm, lông xiêu TT ≥ 1,0% thì cộng đồng đó có  tiềm năng mù loà do BMH. Nếu tỷ lệ TI ≥ 5%, TF ≥ 20% ở trẻ em dưới 10 tuổi thì ta cần phải tiến hành chương trình chống mắt hột ở đó.
- Các nhóm tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh: trẻ em dưới 10 tuổi  với mắt hột hoạt tính và quặm đối với phụ nữ từ 35 tuổi trở lên.
- Nơi có nhiều nguồn lực: cần có sự ủng hộ tích cực của chính quyền và các ban ngành trong xã hội, sự tham gia đóng góp tích cực của toàn cộng đồng đối với công tác phòng chống BMH.
Chiến lược Phòng chống BMH: để thanh toán mù loà do bệnh mắt hột theo khuyến cáo của Tổ Chức Y tế Thế giới đưa ra chiến lược SAFE được áp dụng ở nhiều nước  mà nội dung là:
- S (Surgery): mổ quặm sớm nguyên nhân trực tiếp gây mù, xử trí lông xiêu bằng đốt lông siêu.
- A (Antibiotics): điều trị mắt hột hoạt tính bằng kháng sinh, nhằm tiêu diệt ổ nhiễm khuẩn và hạn chế lây lan bệnh, 2 loại kháng sinh được dùng phổ biến để điều trị BMH hiện nay là:
Mỡ Tetraxiclin 1%
- Tra ngày 2 lần liên tục trong 6 tuần liền hoặc dùng ngắt quãng ngày tra 1 lần tối trước ngủ liên tục trong 10 ngày một tháng trong 6 tháng liền. Cần điều trị cho cả nhà người mắc mắt hột hoạt tính.
- Ưu điểm rẻ tiền, thuốc dễ mua, dễ làm và có thể tra cho trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai, nhưng có nhược điểm là điều trị kéo dài quá khiến người bệnh dễ quên, dễ chán nản.
Thuốc uống Zythomax (Azythromycin)
- Đây là kháng sinh tương tự như Erythromycin, nhưng tốt hơn ở khả năng thấm tốt  vào các mô tế bào, đậm độ tập trung cao và kéo dài, điều trị bằng uống 1 liều duy nhất trong năm trong 2 năm.
- Ưu điểm là tác dụng tốt chỉ với 1 liều duy nhất, dễ uống, tác dụng nhanh nhưng có nhược điểm là khá đắt, không dùng được cho những phụ nữ có thai và đang cho bú, trẻ dưới 1 tuổi và cân nặng dưới 8 kg, bệnh nhân bị suy gan và suy thận nặng.
Chỉ định: cả gia đình của bệnh nhân bị mắt hột hoạt tính ở vùng mà trên trẻ em dưới 10 tuổi có tỷ lệ TI ≥ 5%, TF ≥ 20%. Không nên lạm dụng khi tình trạng BMH không quá trầm trọng.
Liều lượng :
Người lớn và trẻ trên 16 tuổi: uống 1lần 1g/năm (4 viên 0,25g).
Trẻ em từ 5 - 15 tuổi: 20 mg/1 kg cân nặng (thuốc viên).
Trẻ em từ 1 - 4 tuổi: 20 mg/1 kg cân nặng (thuốc nước).
Điều trị nhắc lại sau năm thứ hai với liều tương tự.
F (Face Washing): rửa mặt hàng ngày bằng nước sạch, khăn mặt riêng, 3 lần/ ngày nhằm loại bỏ chất tiết kết mạc, hạn chế lây bệnh trong gia đình và cộng đồng.
E (Environment Improvements): cải thiện vệ sinh môi trường cung cấp nguồn nước sạch, xây hố xí hợp vệ sinh, chuồng gia súc xa nhà, kế hoạch hoá gia đình, tạo nơi ở sạch sẽ, rộng rãi.
6.3. Kiểm dịch biên giới: Hiện tại không có qui định về kiểm dịch biên giới đối với bệnh nhân mắc BMH.


 

Admin

Thong ke