_
BỆNH SỐT Q
(Còn có tên Q fever, Query fever, Coxiella burnetii, Bệnh Derrick-Burnet)
Năm 1935 Derrick mô tả bệnh lần đầu; 1937 Burnet và Freeman phân lập C.burnetii từ bệnh nhân.
1. Đặc điểm: Nung bệnh khoảng 18-20 ngày (14-39 ngày); là 1 bệnh của súc vật (bò cừu dê…) lây sang người qua phân nước tiểu, sữa, nhau thai; bệnh ở người thường cấp tính (đôi khi chuyển mạn tính)
1.1. Chẩn đoán lâm sàng nghi ngờ: Khởi phát đột ngột, với hội chứng giả cúm có sốt cao, đau đầu/hốc mắt, đau cơ khớp, vã mồ hôi, ho, thậm chí ra máu, triệu chứng khám phổi không rõ nhưng hình ảnh X quang thường có viêm phổi không điển hình; tiến triển đa dạng nhưng thường nhẹ, phục hồi vào ngày thứ 15; tử vong dưới 1-2,4%; thể nặng hiếm: với viêm nội tâm mạc mạn kéo dài tới 2 năm (chiếm 50% số bệnh nhân có bệnh van tim); viêm gan hạt mạn tính; hội chứng thần kinh; viêm tắc mạch v.v...
1.2. Chẩn đoán xét nghiệm xác định: test CF, hoặc IF và ELISA (tìm IgM, IgG) với hiệu giá lần 2 (bệnh phục hồi) tăng 4 lần so với lần 1 (toàn phát); hiệu giá cao từ lần 1 gợi ý 1 nhiễm mạn. Có thể dùng test nhuộm HMD tổ chức (dùng cho sinh thiết gan)
1.3. Chẩn đoán phân biệt: Sốt Q khác các Rickettsia khác là Ban (-), Vết đốt (-), Weil Felix (-), lây đường hô hấp.
2. Tác nhân gây bệnh: Coxiella burnetii (R. burnetii) là cầu trực khuẩn nhỏ hơn các Rickettsii khác (dài 0,3 – 0,7 m), gram âm; có nha bào với sức đề kháng cao ở ngoại môi, sống được hơn 1 tháng trên thịt tươi để lạnh, từ 7 - 10 tháng trên len ở nhiệt độ 15 - 200C, trên 40 tháng trong sữa bỏ kem ở nhiệt độ trong nhà; vi khuẩn bị diệt bởi Lysol 1%, formaldehyde 2%, hydrogen peroxyde 5%
Vi khuẩn lây nhiễm cao với người. Tối thiểu có 6 chủng; các phân lập khác nhau tùy vùng. C.burnetii có 2 pha Kháng nguyên: Kháng thể pha 1 hiệu giá thấp hơn Kháng thể pha 2 ở giai đoạn cấp và đảo ngược ở bệnh mạn.
3. Đặc điểm dịch tễ: Xuất hiện ở 51 nước thuộc 5 châu; tỷ lệ mắc thực chất còn cao hơn thông báo vì có nhiều thể nhẹ, phát hiện sót, xét nghiệm thiếu ở cơ sở. Dịch lưu hành ở địa bàn có súc vật chứa mầm bệnh; bệnh đã xảy ra ở các điểm nguy cơ như trại gia súc (trâu bò, dê, cừu), các xí nghiệp chế biến thịt, sữa, lông, len..., các labô Viện nghiên cứu Y tế và Thú y dùng cừu nghiên cứu. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đã có hàng nghìn bệnh nhân trong số lính Hoa Kỳ đóng ở Châu Âu. Việt Nam đang phát triển chăn nuôi gia súc, nhập nhiều cừu, có nhu cầu điều tra giám sát Sốt Q. Nói chung, bệnh xẩy ra tản phát, hoặc chỉ thành các dịch nhỏ.
4. Nguồn truyền nhiễm: ổ chứa chủ yếu là các gia súc có sừng như cừu, bò, dê; thứ yếu là mèo, chó, lợn, ngựa, trâu, ngỗng… Động vật hoang dã: gặm nhấm, chim, sóc ve, cá, đều có thể là các ổ chứa mầm bệnh trong tự nhiên. Ve là vector tham gia chu trình truyền vi khuẩn trong thiên nhiên giữa các loài gặm nhấm, súc vật lớn, chim, và còn truyền được mầm bệnh dọc qua đời sau nên ve vừa là vector, vừa là ổ chứa. Những động vật nhiễm mầm bệnh như cừu, mèo nuôi v.v. thường không có triệu chứng nhưng thải ra ngoài rất nhiều vi khuẩn trong phân, nước tiểu, sữa, đặc biệt nhau thai mỗi lần sinh đẻ (nhau thai cừu bệnh chứa tới 1.000.000.000 vi khuẩn/1gam tổ chức); những chất thải kể trên là những yếu tố truyền vi khuẩn từ súc vật sang người và giữa các súc vật .
5. Phương thức lây truyền:
- Do tiếp xúc trực tiếp trong nghề với da, len, thịt, nhau thai, nước ối, nước tiểu, phân của con vật bị bệnh; hoặc tiếp xúc với quần áo, chất thải của bệnh nhân.
- Do lây đường hô hấp: hít phải bụi chứa vi khuẩn bốc lên từ các chất thải của súc vật bệnh trong nhà máy, trên đồng cỏ v.v.; phân tử chứa vi khuẩn có thể bay xa tới trên 1,5 dặm (2,4 km); có ý kiến cho đây là phương thức phổ biến (ở các nước phát triển)
C.burnetii có thể dùng làm vũ khí sinh học dạng khí dung.
Bệnh hiếm thấy lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp.
- Do lây đường ăn uống : ăn thịt không chín, hoặc sữa tươi của con vật bị bệnh.
- Phương thức lây qua truyền máu, truyền tủy đã có thông báo.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Mọi cá nhân đều thụ bệnh; sau khỏi bệnh, miễn dịch có khả năng cả đời; miễn dịch tế bào lâu dài hơn miễn dịch dịch thể. Trong Sốt Q có lẽ thể bệnh tự hồi phục phổ biến nhất; ở nhiều vùng, có tới 11-12% dân có kháng thể với C.burnetii mà không có tiền sử cảm cúm, viêm phổi v..v..; điều này gợi ý thể nặng/nhẹ còn phụ thuộc vào lứa tuổi nhiễm bệnh và số lượng mầm bệnh, và có trường hợp không triệu chứng.
7. Biện pháp phòng chống dịch:
7.1. Phòng dịch:
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Tại các điểm nguy cơ (Trại gia súc, nhà máy chế biến lông len thịt, nhà mổ súc vật, labô phân lập vi khuẩn...), truyền thông giáo dục nhân viên về phòng bệnh, biện pháp khử trùng tẩy uế;
- Vệ sinh phòng bệnh:
+ Tại các điểm nguy cơ: điều tra nhiễm vi khuẩn ở người, súc vật, lông len, và xử lý; kiểm tra chọn lọc các súc vật, thịt lông len khi nhập đến trại hoặc nhà máy để loại và xử lý.
+ Diệt khuẩn (phương pháp Pasteur) để bất hoạt C.burnetii: với sữa bò, dê, cừu: 62,70C/30 phút, hoặc 71,60C/15 giây hoặc đun sôi. Kiểm tra khử khuẩn các loại thịt khi đóng hộp.
- Tiêm vắc xin cho các đối tượng: cán bộ labô nghiên cứu trên vi khuẩn sống; nhân viên các lò mổ; cán bộ nghiên cứu trên các cừu chửa. Chú ý thử test da trước và không tiêm chủng cho người có test kháng thể (+) hoặc có tiền sử Sốt Q. Các đối tượng trên phải làm việc theo chế độ vô trùng nghiêm ngặt.
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức: Khi có bệnh nhân/súc vật ốm đầu tiên tại điểm chưa hề có: cần báo cáo Y tế cấp trên.
- Chuyên môn:
7.2.1. Với bệnh nhân :
- Bệnh nhân không cần cách ly riêng buồng (vì bệnh nhân hiếm lây qua đường hô hấp sang người lành)
- Khử trùng tẩy uế hàng ngày: đờm, máu, các đồ vật dính đờm máu của bệnh nhân, chất thải của súc vật ốm; dùng hypochlorite 0,05%, peroxide 5%, hoặc lysol 1%; thận trọng khi khám tử thi hoặc súc vật ốm/chết nghi bị Sốt Q; không tiếp xúc với quần áo chất thải của bệnh nhân.
- Điều tra nguồn lây của bệnh nhân: tiền sử tiếp xúc với cừu, gia súc, dê, lông len thịt, với chuồng trại chăn nuôi, với gia súc chết, với các lò mổ, với các labô nghiên cứu về C.burnetii, tiền sử có uống sữa tươi…
7.2.2. Với người tiếp xúc với bệnh nhân (trong cùng hộ, cùng đơn vị...; người chăm sóc thăm hỏi...), cần theo dõi phát hiện sớm bệnh và điều trị; không cần tiêm chủng.
7.3. Nguyên tắc điều trị: Kháng sinh đặc hiệu Tetracycline hoặc Chloramphenicol, Macrolid dùng tới khi hết sốt khoảng 5-7 ngày, đợt 10-15 ngày; nếu có tái phát (hay bị khi điều trị sớm trong vòng 48 giờ đầu) cần cho tiếp 1 đợt nữa; trường hợp nặng, như khi mạn tính kèm theo viêm nội tâm mạc dùng Chloramphenicol truyền tĩnh mạch hoặc Tetracycline + Rifampine; gần đây quinolone (ciprofloxacine..), hoặc Doxycycline + hydroxychloroquine trong 18-36 tháng cũng hiệu quả; với bệnh nhân mang thai dùng Cotrimoxazole
- Tại điểm phát hiện ra bệnh nhân hoặc dịch: Dịch thường không kéo dài; chủ yếu khử trùng, tẩy uế các nguồn bệnh (súc vật bệnh, chất thải...), môi trường (chuồng trại, nhà máy, lò mổ...), vùng đồng cỏ có súc vật chết, theo dõi tiếp để phát hiện người và súc vật bệnh để xử lý, đặc biệt chú ý phụ nữ mang thai và bệnh nhân van tim.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Tại sân bay bến cảng, kiểm soát súc vật và hàng nhập khẩu liên quan (cừu, dê, bò, lông).
Admin