Tin tức

Tin tức

​BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DO VI RÚT EBOLA, LASSA HOẶC MARBURG

15/06/2016 In bài viết

_
BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DO VI RÚT EBOLA, LASSA HOẶC MARBURG
(Febris haemorrhagia Ebolaviruso, Lassaviruso, Marburgviruso)
ICD-10 A98.3, A98.4: Ebola-Marburg; A96.2: Lassa fever
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Đặc điểm của bệnh:
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng: Bệnh có chung hình ảnh  của nhiễm vi rút cấp tính, khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, ỉa ra máu...). Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não; có thể suy sụp  đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh nhân Lassa có thể sốt kéo dài thành từng đợt kiểu sốt rét cơn và biến chứng điếc dây VIII ở khoảng 25% số bệnh nhân.
Xét nghiệm: giảm lympho bào song tăng bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu nghiêm trọng ở bệnh nhân mắc bệnh Ebola - Marburg và ở mức độ vừa và nhẹ ở bệnh Lassa; tăng men gan SGOT, SGPT ở hầu hết trường hợp bệnh.
Tỷ lệ tử vong đối với bệnh Lassa từ 2 - 15% trong những người nhập viện, trong khi tử vong do bệnh Ebola-Marburg cao hơn nhiều, từ 25% tới 50%, có khi tới 90%  tại một số ổ dịch ở Công gô, Châu Phi.
- Ca bệnh xác định: Bệnh cảnh lâm sàng như trên, có thêm 1 hoặc một số kết quả xét nghiệm như: ELISA phát hiện kháng thể IgM (mới nhiễm) hoặc IgG (từng nhiễm) trong máu; Miễn dịch huỳnh quang (IFA) phát hiện kháng nguyên vi rút; PCR phát hiện dấu ấn di truyền của vi rút.
1.2. Chẩn đoán phân biệt: Bệnh sốt xuất huyết do các vi rút Lassa, Ebola-Marburg cần được chẩn đoán phân biệt với một số nhiễm vi rút gây xuất huyết, thể nặng, chưa rõ căn nguyên, hoặc một số bệnh sau:
- Bệnh sốt vàng: có vàng da do suy gan cấp, thường diễn biến 2 đợt, tỷ lệ tử vong cũng cao (20-50%), bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào, do muỗi truyền.
- Bệnh sốt tây sông Nin: sốt kiểu 2 pha, thường có ban dát sần, xuất huyết và đi cùng hội chứng viêm màng não - viêm não, bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào, do muỗi truyền.
- Bệnh Dengue xuất huyết, thể nặng, có suy gan và tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
- Bệnh sốt Hantan: thể nặng có suy thận, phù phổi cấp và có thể bị sốc, tử vong cũng cao (tới 40%), có nguồn gốc bệnh từ động vật hoang dại.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm: Máu, lấy ở giai đoạn sớm (ngay khi có sốt) hoặc muộn hơn (từ ngày thứ 7 của bệnh) để phân lập vi rút và làm các xét nghiệm khác. Có thể lấy dịch não tủy, mẫu sinh thiết hoặc tử thiết, nước bọt, nước tiểu và một số dịch tiết khác của cơ thể người bệnh.
- Phương pháp xét nghiệm: phản ứng ELISA, phát hiện kháng thể IgM, IgG hoặc kháng nguyên vi rút; phản ứng miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA); phản ứng PCR phát hiện dấu ấn di truyền của vi rút. Có thể dùng kỹ thuật hiển vi điện tử, hoặc phân lập vi rút trên động vật hoặc tế bào nuôi.
2. Tác nhân gây bệnh:
- Bệnh Lassa: gây ra do vi rút Lassa (Lassavirus), thuộc họ Arenaviridae, có quan hệ kháng nguyên với các vi rút gây sốt xuất huyết ở khu vực Mỹ la tinh như Junin, Machupo. Lõi nhân ARN 2 sợi đơn (S và L) 9,5 kb. Hạt vi rút hình cầu, đường kính 50-300 nm, nucleocapsid khoảng 78 kD và vỏ lipoprotein 2 lớp liên quan tới kháng nguyên gây bệnh của vi rút. Vi rút nhạy cảm với các hóa chất có chứa nhóm chức clo, phenol, chất tẩy và xà phòng; bị tiêu diệt dưới tác động của pH axit hoặc kiềm, tia cực tím, bức xạ gamma và nhiệt độ trên 560C. Ở nhiệt độ phòng (250C), vi rút có thể tồn tại vài ngày.
- Bệnh Ebola-Marburg: gây bởi 2 giống vi rút là Ebolavirus Marburgvirus, đều thuộc họ Filoviridae có thể gây bệnh sốt xuất huyết. Giống Ebolavirus hiện có 4 loài lấy theo tên 4 địa điểm phân lập; còn giống Marburgvirus chỉ duy nhất có 1 loài, bao gồm 6 phụ loài. Đây là những vi rút lõi ARN sợi đơn, âm, khoảng 15-20 kb. Hạt virion hình sợi tròn (đường kính khoảng 80 nm x 1100 nm), bao bọc bởi vỏ cấu trúc lipoprotein nguồn gốc màng tế bào chủ và nuclecapsid bản chất glyco-lipoprotein.
Các vi rút có thể tồn tại trong nhiều ngày ở môi trường chất thải bệnh nhân hoặc bề mặt trung tính ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên bị diệt bởi nhiệt độ trên 560C trong 60 phút. Hóa chất nhóm clo, chất oxi hóa, muối kim loại nặng, chất tẩy và xà phòng cũng như tia cực tím, bức xạ gamma đều có thể diệt được vi rút ở những liều lượng thông thường.
3. Đặc điểm dịch tễ học:
- Bệnh Lassa: Bệnh lưu hành có tính địa phương thuộc một số khu vực thuộc Tây Phi như Nigeria, Guinea, Liberia, Sierra Leone. Nhóm nguy cơ cao là những người săn bắt hoặc mổ, ăn thịt một số loài thú thuộc họ gặm nhấm hoặc những loại thú hoang dại khác có ở châu Phi.
- Bệnh Ebola-Marburg: Bệnh được phát hiện mang tính lưu hành địa phương ở một số vùng thuộc Châu Phi như Sudan, Cộng hòa Công gô, Uganda, Zimbabwe, Kenia. Nhóm người phát bệnh thường là những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc giết mổ, ăn thịt các loài thú như khỉ, vượn, tinh tinh, hoặc một số loài thú hoang dại khác trong vùng.
Bệnh Ebola được phát hiện đầu tiên năm 1976 tại Sudan trong một ổ dịch có hơn 600 người dân địa phương mắc, tỷ lệ chết/mắc lên tới 90%. Tiếp theo là các vụ dịch xảy ra ở Sudan (1979), Bờ biển ngà (1994),  Kitwit, Công gô (1995), Uganda (2001), Gabon và Công gô (2003) với hàng trăm ca mắc, tỷ lệ tử vong rất cao (50 tới 75%).
Bệnh sốt xuất huyết do  vi rút Marburg được phát hiện đầu tiên năm 1967 tại các cơ sở nhập khỉ xanh Châu Phi (Cercopithecus aethiops) ở nước Đức và Nam Tư cũ với 31 ca mắc,7 tử vong. Sau đó một số trường hợp bệnh cũng được phát hiện tại Uganda, Nam Phi, Kenia, Cộng hòa Công gô...trong một số ổ dịch nhỏ trên người địa phương.
Đã có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm phòng thí nghiệm ở Liên bang Nga và Hoa Kỳ (2004).
Kết quả điều tra huyết thanh cũng thấy nhiều người dân Châu Phi có mang kháng thể kháng với các vi rút Ebola và Marburg. Loài khỉ Cynomolgi nguồn gốc từ Philippin xuất sang Châu Âu và Hoa Kỳ cũng thấy có mang vi rút có kháng nguyên giống vi rút Ebola. Việt Nam chưa từng có báo cáo về sốt xuất huyết do các vi rút trên.
4. Nguồn truyền nhiễm:
- Ổ chứa và nguồn truyền nhiễm: cho tới nay chưa được biết chính xác. Có nhiều bằng chứng cho thấy vai trò ổ chứa vi rút Lassa của một số loài gặm nhấm hoang dại, như loài chuột Mastomys châu Phi. Đối với các vi rút Ebola và Marburg có vai trò của các loài tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương và nhím Châu Phi. Người bệnh và người mang vi rút tiềm ẩn cũng có vai trò nguồn truyền nhiễm trong chu trình lây người - người. 
- Thời gian ủ bệnh:  Bệnh Lassa có thời gian ủ bệnh từ 5 - 16 ngày, có thể dài hơn. Thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết do vi rút Ebola-Marburg là 2 - 21 ngày.    
- Thời kỳ lây truyền trong trường hợp lây từ người: Từ cuối thời kỳ ủ bệnh, cao nhất ở giai đoạn toàn phát có sốt cao và kéo dài trong suốt thời gian vi rút còn có trong máu và các chất tiết của bệnh nhân sống sót, thường sau nhiều tuần kể từ khi phát bệnh. Vi rút Lassa có mặt ở nước tiểu tới 8 tuần, còn vi rút Ebola phân lập từ tinh dịch sau khoảng 9 tuần.
5. Phương thức lây truyền:
- Bệnh Lassa lây theo đường hô hấp, qua các giọt bắn hoặc khí dung của dịch tiết hô hấp người bệnh. Ngoài ra còn lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người bệnh, hay gián tiếp qua bề mặt, dụng cụ bị ô nhiễm bởi chất tiết của người bệnh hay động vật ốm.
- Bệnh Ebola-Marburg chủ yếu lây theo đường tiếp xúc trực tiếp với máu và chất tiết của người bệnh hay động vật nhiễm vi rút, hoặc thông qua các dụng cụ, đồ vật ô nhiễm trong khi giết mổ động vật, dụng cụ điều trị tại bệnh viện hay trong sinh hoạt hàng ngày. Trong vụ dịch Ebola tại Sudan có tới 30% người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân bị mắc bệnh. Vi rút cũng có thể lan truyền qua các giọt nước bọt và dịch tiết hô hấp bắn ra từ người bệnh.  
- Cũng có thể gặp lây nhiễm do sinh hoạt tình dục (qua dịch tiết âm đạo và tinh dịch) và lây nhiễm tại phòng thí nghiệm do thiếu an toàn sinh học.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Mọi người, ở mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm vi rút và mắc bệnh sốt xuất huyết do các vi rút Lassa, Ebola và Marburg. Chỉ số lây nhiễm được đánh giá là cao và rất cao, đặc biệt đối với vi rút Ebola, các phụ loài lưu hành tại Công gô và Sudan. Miễn dịch có thể gặp trên một số nhóm thổ dân Châu Phi, tuy nhiên ngay trong những vùng bệnh lưu hành vẫn có rất nhiều người mắc bệnh rất nặng, tỷ lệ chết cao. Hiện chưa có vắc xin cho các bệnh này, trong khi vắc xin sốt vàng 17D không có bảo vệ chéo đối với cả 3 loại vi rút.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch:
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Biện pháp kiểm dịch y tế biên giới là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp nghi mắc bệnh có thể xâm nhập vào từ các khu vực có lưu hành bệnh trên thế giới.
- Hướng dẫn và tổ chức cho nhân viên y tế, đặc biệt là người làm việc tại khu vực cửa khẩu về các quy định giám sát, kiểm soát, xử lý phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Lassa, Ebola và Marburg. Nhân viên phòng xét nghiệm phải được tập huấn định kỳ về an toàn sinh học đối với các vi rút thuộc nhóm bệnh này. Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo vệ cá nhân có độ an toàn sinh học cấp 3 cho nhân viên y tế khi tiếp xúc, làm việc với tác nhân nghi là vi rút Lassa, Ebola và Marburg.
- Tuyên truyền giáo dục cộng đồng để có những hiểu biết cơ bản nhất và cách phòng chống khi có nguy cơ cảnh báo về khả năng xâm nhập của các vi rút Lassa, Ebola, Marburg.
7.2. Biện pháp chống dịch:
7.2.1. Tổ chức.
- Báo cáo khẩn cấp cơ quan y tế cấp trên về mọi trường hợp nghi ngờ ca bệnh sốt  xuất huyết do vi rút Lassa, Ebola và Marburg ở bất cứ địa điểm nào trong nước. Có thể báo cáo vượt cấp lên tới Bộ Y tế. Duy trì báo cáo cho tới khi hết tình trạng cảnh báo dịch bệnh xâm nhập.
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch sốt  xuất huyết do vi rút Lassa, Ebola và Marburg khẩn cấp ở các tuyến theo quy định của Chính phủ khi có tình trạng cảnh báo dịch xâm nhập.
7.2.2. Chuyên môn.
- Cách ly bắt buộc người bệnh tại bệnh viện, trong khu cách ly nghiêm ngặt đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Thu gom chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác) và khử khuẩn triệt để bằng cloramin 5%, hoặc những chất khử khuẩn bệnh viện khác, dùng với nồng độ tối đa. Quần áo, đồ dùng kim loại ô nhiễm có thể khử khuẩn bằng nhiệt (hấp áp lực hoặc luộc sôi 30 -60 phút). Buồng bệnh được khử khuẩn bằng xông hơi formaldehyd duy trì nhiều giờ. Thời gian theo dõi cách ly trong vòng 14 - 21 ngày sau khi phát bệnh.
- Lập danh sách, tổ chức theo dõi sức khỏe trong thời gian 3 tuần kể từ khi phơi nhiễm cho những người tiếp xúc trực tiếp hay cùng sống với người bệnh từ trước khi phát bệnh 5 ngày hoặc nhân viên phòng thí nghiệm trong thời gian làm việc với bệnh phẩm có vi rút Lassa, Ebola, Marburg; phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mới phát bệnh để có thể cách ly, điều trị.
- Biện pháp dự phòng bằng vắc xin: hiện chưa có vắc xin đặc hiệu cho  bệnh sốt  xuất huyết do các vi rút Lassa, Ebola và Marburg.
7.3 Nguyên tắc điều trị: Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng, chống sốc; hạn chế tối đa các biến chứng muộn. Có thể sử dụng một số hóa dược kháng vi rút như Ribavirin. Chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn.
7.4 Kiểm dịch y tế biên giới:
- Tự khai báo bệnh khi quá cảnh.
- Giám sát, theo dõi tiếp sức khỏe những người quá cảnh có tiếp xúc gần với bệnh nhân, như ở mục 7.2.2. 
- Kết hợp kiểm dịch động vật đối với các loài linh trưởng (khỉ, vượn, tinh tinh), thú gặm nhấm, nhập khẩu, theo dõi 21 ngày kể từ khi rời khu vực có bệnh sốt  xuất huyết do vi rút Lassa, Ebola và Marburg.
 
 

Admin

Thong ke