_
Bệnh viêm gan A là một loại bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch với chiều hướng xảy ra theo chu kỳ. Bệnh có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi và thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh nhỏ tuổi (tiểu học) và lứa tuổi vị thành niên. Mọi người đều có tính cảm nhiễm đối với bệnh. Tính miễn dịch đặc hiệu được tạo thành sau khi mắc bệnh và có thể tồn tại suốt đời.
Vì sao mắc bệnh viêm gan A
Bệnh chỉ xuất hiện như là một nhiễm trùng mới, cấp tính, bệnh diễn biến từ vài tuần đến vài tháng và ít để lại những di chứng trầm trọng như xơ gan hay ung thư gan. Chúng lây qua đường tiêu hoá do ăn uống các loại thực phẩm, nước ô nhiễm…
Nếu một người nhiễm virut viêm gan A, làm công việc nấu ăn, phục vụ ăn uống trong bếp ăn tập thể… khả năng lây lan bệnh rất nhanh. Mọi người có thể nhiễm virut do ô nhiễm uống nước, do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh… Bệnh lây lan rất nhanh trước khi các triệu chứng xuất hiện nên khó phát hiện để phòng tránh.
Sau khi bị nhiễm virut 2- 3 tuần bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng hay có cảm giác khó chịu ở bụng, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da và mắt, đau cơ, ngứa…
Phòng bệnh thế nào?
Thực hiện tốt vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Thực hiện ăn chín, uống sôi; cung cấp và sử dụng nước sạch, xử lý hệ thống rác và nước thải; những loại sò, trai, hến, tôm cua, ốc… ở những vùng nhiễm bẩn cần được đun sôi hoặc hấp chín trước khi ăn; khu nhà trẻ, mẫu giáo cần tuân thủ các quy tắc vệ sinh; tiêm phòng là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng bệnh viêm gan siêu vi A: Vaccine phòng viêm gan siêu vi A tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, thông thường tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 đến 12 tháng (94% - 100% sẽ được miễn nhiễm một tháng sau mũi tiêm đầu tiên, nếu được tiêm mũi thứ 2 kết quả sẽ tốt hơn).
Người đã nhiễm virut viêm gan A chưa khỏi, không nên chế biến,
nấu nướng thức ăn cho gia đình hoặc nơi tập thể. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị nấu nướng hay ăn uống. Không dùng chung bát, đũa, khăn mặt, hay bàn chải đánh răng với người bệnh.. Không tắm ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm. Tại các vùng lũ lụt cần vệ sinh tốt nơi chứa nước sinh hoạt, tẩy uế và cho thuốc sát khuẩn. Chỉ sử dụng nước đã khử khuẩn cho sinh hoạt và nấu ăn.
Admin