Bệnh chân - tay - miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Bênh xảy ra quanh năm nhưng thường hay gặp vào mùa hè, mùa thu. Bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ em dưới 10 tuổi
Bệnh chân- tay-miệng
Bệnh chân - tay - miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Bênh xảy ra quanh năm nhưng thường hay gặp vào mùa hè, mùa thu. Bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ em dưới 10 tuổi, cũng có thể gặp ở cả người lớn. Mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai nhiễm cũng phát bệnh. Trẻ nhỏ, trẻ em và thiếu niên rất dễ nhiễm và rất dễ phát bệnh vì chúng có ít kháng thể.
Những yếu tố gây bệnh
Bệnh do virut thuộc nhóm enteroviruses (vi trùng đường ruột) gây ra. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước bọt, mụn, phân của người nhiễm. Tuần đầu tiên của người bệnh dễ lây sang người khác.
Khi bị nhiễm virut bệnh thường ủ từ 3- 5 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Đặc biệt bệnh rất dễ nhầm với các bệnh khác như viêm da bọng nước, thuỷ đậu. Trong 1-2 ngày có nốt hồng ban đường kính vài milimet nổi trên nền da, sau đó trở thành bọng nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay, cẳng tay, lòng bàn chân, cẳng chân. Ở miệng có dạng vết loét, thường ở trong miệng, ở trên lưỡi hay ở vòm miệng làm trẻ nuốt đau. Trong giai đoạn diễn biến, khi virut gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác, như lơ mơ, li bì mê sảng hay co giật. Nếu được điều trị kịp thời sẽ phục hồi nhanh nhưng sau đó vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài. Nếu không được điều trị bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Cần làm gì để có biện pháp phòng bệnh?
Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh và điều trị đặc hiệu. Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Chăm sóc trẻ bị nhiễm không ôm hôn, hay ăn, uống chung bát, đĩa, cốc.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da, niêm mạc cần cho trẻ súc miệng, tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bọng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày.
Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước hoa quả, nước cháo…
Không cần kiêng gió, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bệnh nặng như: sốt cao, rối loạn tri giác, co giật, bọng nước có mủ máu.
Admin