Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, ngành y tế đã chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm cúm quốc gia song chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) trên gia cầm và trên người, khống chế thành công cúm A(H5N1), trong 2 năm qua không ghi nhận trường hợp mắc mới ở người.
Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3 năm 2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Hầu hết gia cầm nhiễm vi rút đều không có biểu hiện bệnh nhưng có khả năng lây bệnh cho người. Người mắc bệnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của gia cầm trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, ăn thịt và các sản phẩm gia cầm không được nấu chín kỹ hoặc tiếp xúc với môi trường bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9). Hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc lây truyền từ người sang người. Bệnh diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao khoảng 40%.
Khác với vi rút cúm A(H7N9), vi rút cúm A(H5N1) khi lây nhiễm trên các đàn gia cầm thường gây hiện tượng chết gia cầm hàng loạt nên dễ phát hiện các ổ dịch. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát gần đây, trên các đàn ngan, vịt có hiện tượng nhiễm vi rút cúm A(H5N1) nhưng không có biểu hiện bệnh. Bệnh do cúm A(H5N1) trên người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể tới 50%.
Từ năm 2013 đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 5 đợt dịch cúm gia cầm A(H7N9), chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm mới. Đáng chú ý gần đây nhất, đợt dịch lần thứ 5 bắt đầu từ tháng 10 năm 2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với hơn 425 trường hợp mắc xảy ra tại 14 tỉnh thành phố, trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây có chung đường biên giới với Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới nhận định về tình hình dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc tiếp tục gia tăng, tuy chưa khuyến cáo hạn chế việc đi lại, song có khuyến cáo hành khách du lịch nên tránh đi đến các khu vực đã phát hiện có ổ dịch, đặc biệt là các trang trại nuôi gia cầm, khu vực giết mổ và các khu vực được thông báo có nhiễm vi rút cúm A(H7N9) ở môi trường.
Đồng thời, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế, trong tháng 01/2017 đã xảy ra một dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Căm Pu Chia) là tỉnh có chung đường biên giới khu vực Tây Nam của nước ta. Ngoài dịch cúm A(H7N9), A(H5N1) đang có những diễn biến phức tạp trên các đàn gia cầm hoặc gây bệnh trên người nêu trên, hiện nay thế giới cũng đang ghi nhận cúm A(H5N6), cúm A(H5N8) gây dịch trên các đàn gia cầm tại một số nước châu Âu, châu Á. Tại Việt Nam cũng ghi nhận rải rác ổ dịch cúm A(H5N6) trên đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành phố.
Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, ngành y tế đã chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm cúm quốc gia song chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) trên gia cầm và trên người, khống chế thành công cúm A(H5N1), trong 2 năm qua không ghi nhận trường hợp mắc mới ở người. Để đạt được kết quả nêu trên, trong thời gian qua đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp tập trung vào việc giải quyết tốt việc ngăn ngừa nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới; giám sát phát hiện sớm và xử lý nhanh các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm cũng như ở người; phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, đơn vị tham gia công tác phòng chống dịch, sự hỗ trợ kịp thời của các Tổ chức quốc tế cũng như sự đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu kinh phí, thuốc, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch, trong đó ngành y tế đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, triển khai các biện pháp giám sat, phòng chống dịch, cấp cứu điều trị bệnh nhân và tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Bộ Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động chủ động ngăn ngừa các chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhập và lây truyền sang người, tập trung vào một số nội dung:
Về công tác chỉ đạo, Bộ Y tế đã có các Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai các biện pháp quyết liệt ngăn ngừa việc nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, vận chuyển trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để ngăn ngừa dịch bệnh lây truyền sang người; đồng thời đã ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm và chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng đáp ứng, xử lý khi có ổ dịch xảy ra.
Ngay trong tháng 2/2017, đã tổ chức hai Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong đó trọng tâm là chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) do trực tiếp Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan, UBND, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành y tế 63 tỉnh, thành phố. Ngày 23/02/2017, Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) trên cơ sở rà soát bản Kế hoạch đã được ban hành từ năm 2013 để làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động một cách chủ động theo 4 tình huống dịch bệnh.
Thường xuyên tổ chức họp Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) của Bộ Y tế; ngày 20/02/2017, Bộ Y tế đã tổ chức họp Văn phòng EOC với sự tham dự của các Bộ, ngành liên quan để đánh giá nguy cơ, thống nhất triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xâm nhập và lây truyền sang người. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6), ngày 22/02/2017, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Chánh Văn phòng EOC đã ban hành quyết định số 39/QĐ-DP kích hoạt Văn phòng EOC để phòng ngừa dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào nước ta.
Về công tác chuyên môn, củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các Trung tâm cúm quốc gia, đến nay nước ta đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng vi rút cúm gia cầm bao gồm cả cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) đồng thời có thể giải trình tự gien để phát hiện sự biến chủng của vi rút.
Triển khai tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, điểm giám sát trọng điểm quốc gia và tại các cơ sở y tế, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ để xác định tác nhân gây bệnh; trong năm 2016 và đầu năm 2017 đã xét nghiệm 3.405 mẫu bệnh phẩm, không phát hiện trường hợp nhiễm vi rút cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người, trong hơn 1 tháng đầu năm 2017 đã giám sát trên 700.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia, không ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm ở người.
Duy trì mạng lưới sẵn sàng thu dung, điều trị, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ và khi có bệnh nhân giảm thiểu các biến chứng và tử vong. Chỉ đạo sẵn sằng phương tiện cấp cứu, thuốc, vật tư cho cơ sở điều trị; tăng cường hoạt động của các đơn vị huấn luyện, điều trị tại các bệnh viện trung ương để hỗ trợ các tuyến dưới khi có yêu cầu. Thường xuyên kiện toàn các đội đáp ứng nhanh chống dịch tại Bộ Y tế, các Viện khu vực, các địa phương; tổ chức tập huấn về giám sát, điều trị cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) cho cán bộ của ngành y tế và các đơn vị liên quan.
Về công tác truyền thông, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo kịp thời trên website của Bộ Y tế. Tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến, trao đổi trên truyền hình tuyên truyền cho người dân về các chủng vi rút cúm gia cầm, sự nguy hiểm và các biện pháp phòng bệnh, kịp thời giải tỏa các thắc mắc của người dân về các chủng vi rút cúm gia cầm, không để người dân hoang mang, lo lắng, yên tâm sử dụng gia cầm sạch, không sử dụng gia cầm ốm chết, gia cầm không rõ nguồn gốc.
Về hợp tác quốc tế, Bộ Y tế hiện đang thực hiện cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) chia sẻ thường xuyên và kịp thời với Cơ quan đầu mối IHR của các nước về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống chống; tăng cường năng lực thực hiện các chức năng về IHR tại Việt Nam, trong tháng 12/2016 Đoàn đánh giá độc lập của WHO đánh giá nước ta có đủ năng lực đáp ứng với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Phối hợp chặt chẽ với WHO, FAO, USCDC trong các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh và các Tổ chức quốc tế huy động các nguồn lực trong phòng chống, đáp ứng với dịch cúm gia cầm.
Về công tác kiểm tra giám sát, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp do Lãnh đạo Bộ Y tế và các Vụ, Cục, Viện kiểm tra, giám sát về công tác sẵn sàng phòng chống dịch tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới, cửa khẩu tập trung vào công tác chỉ đạo của các địa phương, giám sát, triển khai công tác thu dung điều trị bệnh nhân và đáp ứng tình hình dịch.
Mặc dù hiện nay nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người, tuy nhiên nguy cơ có thể các dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động do:
Dịch cúm A(H7N9) ở Trung Quốc, cúm A(H5N1) ở Campuchia đã ghi nhận tại các tỉnh sát biên giới nước ta, hiện tượng gia cầm nhập lậu mặc dù đã được hạn chế song vẫn chưa triệt để, do đó vi rút cúm gia cầm có thể xâm nhập qua gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào nước ta và lây truyền sang người.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm ở nước ta đang gia tăng nhất là trong dịp lễ hội đầu năm, trong khi đó việc đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ của người dân còn hạn chế, việc sử dụng gia cầm nhập lậu, ốm, chết vẫn còn xảy ra.
Ngoài ra, dịch cúm gia cầm lây truyền sang người có thể bùng phát do chính đàn gia cầm bị lây truyền thông qua các đàn chim hoang dã khó khăn trong việc kiểm soát lây lan ra các đàn gia cầm nuôi. Đồng thời trong thời gian qua, nước ta cũng đã ghi nhận sự lưu hành cúm A(H5N1), A(H5N6) trên đàn gia cầm và cúm A(H5N1) trên người.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) sang người, xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế
Admin