Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19
10/11/2022 In bài viết
Chiều ngày 09/11/2022, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại trụ sở Cơ quan Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đồng chí Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện các tỉnh, thành phố và đại diện các báo đài tại Trung ương và địa phương.
Tại cuộc họp, đại diện Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế đã trình bày về số lượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 và cập nhật dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Đến nay thế giới ghi nhận 613.616.306 ca nhiễm, trong đó 592,151,778 ca khỏi bệnh; 6.516.076 ca tử vong và 14,948,452 ca đang điều trị (41.795 ca diễn biến nặng). Trong đó tại Châu Âu tăng 95.051 ca; Bắc Mỹ tăng 69.921 ca; Nam Mỹ tăng 15.538 ca; châu Á tăng 185.151 ca; châu Phi tăng 5.167 ca; châu Đại Dương tăng 4.104 ca. Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 10.969 ca, trong đó: Indonesia tăng 2.609 ca, Malaysia tăng 1.971 ca, Thái Lan tăng 1.093 ca, Philippines tăng 3.100 ca, Singapore tăng 1.824 ca, Myanmar tăng 262 ca, Lào tăng 51 ca, Campuchia tăng 5 ca, Đông Timor tăng 54 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.439.613 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.256 ca nhiễm).
Ngoài ra cuộc họp còn đề cập đến công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác như bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, cúm gia cầm;
Tại cuộc họp, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ: trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó dự báo, với sự nỗ lực cao của các ngành, các địa phương, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm khác được hạn chế, ngăn chặn kịp thời. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh; tính đến hết ngày 09/11/2022, cả nước đã tiêm hơn 262 triệu liều vắc xin.
Tại cuộc họp Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng COVID-19; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch, công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở; tuyệt đối không lơ là, chủ quan ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; rà soát việc tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt như mong muốn và đề xuất nhu cầu vắc xin sát thực tế, hạn chế xảy ra việc thiếu vắc xin cục bộ; phối hợp với các Viện khu vực, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng đảm bảo việc vận chuyển, tiếp nhận và chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng, tránh để vắc xin hết hạn, gây lãng phí. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur tiếp tục tổng hợp, báo cáo chi tiết về các địa phương đã nhận đủ vắc xin theo đề xuất nhưng có tỷ lệ tiêm chủng thấp và xác định các khó khăn, vướng mắc.
-Các địa phương, đơn vị khẩn trương báo cáo việc rà soát, cập nhật dữ liệu tiêm chủng COVID-19 gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Cục Công nghệ thông tin).
- Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm khác: các địa phương tiếp tục chủ động, tăng cường thực hiện công tác giám sát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
+ Với bệnh sốt xuất huyết: tập trung, kiên trì, thường xuyên, liên tục triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và tuyên truyền các thông điệp để hướng dẫn người dân phòng bệnh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế ca mắc và tử vong, nhất là tại các đô thị lớn, các địa điểm du lịch. Các địa phương chỉ đạo khoanh vùng, xử lý dứt điểm các ổ dịch; thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phun hoá chất diệt muỗi và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, tăng cường ý thức tham gia tích cực chủ động của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân.
+ Với bệnh đậu mùa khỉ: phối hợp với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur tiếp tục chủ động giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm và xử lý theo quy định.
+ Với bệnh cúm gia cầm: tiếp tục chủ động giám sát, phát hiện; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch; tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; cập nhật khuyến cáo phòng, chống dịch cho người dân và cộng đồng.
- Về hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm: các địa phương, đơn vị báo cáo thực trạng công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và gửi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
- Về nguồn lực phòng, chống dịch: Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu Uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo thực hiện phân cấp, phân quyền để đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng