Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách dinh dưỡng dự kiến đưa vào luật phòng bệnh
20/09/2023 In bài viết
- Ngày 25/10/2017, tại HN lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, ngày 31/12/2017 CP ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP trong đó giao BYT chủ trì xây dựng Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, thay thế Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
- Tiếp đó, ngày 16/12/2021 TTgCP phê duyệt Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội XV trong đó giao Bộ Y tế nghiên cứu, rà soát Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.
- Ngoài ra, Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của QH giao Chính phủ chậm nhất năm 2025, hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp trong đó có việc nghiên cứu, rà soát Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.
Theo Bộ Y tế, quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XIII.
Khắc phục được các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Bảo đảm tính dự báo trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Mục tiêu chính sách là góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.
Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh với 5 chính sách sau:
Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch.
Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe.
Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân.
Ngày 24/8/2023, dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật phòng bệnh đã được đăng tải xin ý kiến người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế.
Trong khuôn khổ hoạt động Tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách dinh dưỡng dự kiến đưa vào Luật Phòng bệnh (mã 2.1.1) thuộc Dự án “Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường” do UNICEF viện trợ giai đoạn 2022-2026, ngày 14/9/2023 Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chính sách dinh dưỡng dự kiến đưa vào Luật Phòng bệnh do Ts. Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại biểu từ Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) một số tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan và các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế.
Tại Hội thảo, Cục Y tế dự phòng báo cáo tiến độ chuẩn bị Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh và thuyết minh dự thảo đề cương Luật Phòng bệnh, nội dung chính sách dinh dưỡng dự kiến đưa vào luật và đánh giá tác động chính sách về dinh dưỡng trong đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh. Ngoài ra các đại biểu từ các Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, WHO tại Việt Nam có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm về một số chính sách dinh dưỡng đã được triển khai tại các quốc gia được cho là có hiệu quả để tham khảo và làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách dinh dưỡng tại Việt Nam.
Các nội dung chính sách dinh dưỡng cụ thể dự kiến đưa vào Luật Phòng bệnh.
1. Chăm sóc dinh dưỡng.
a) Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người dân (khẩu phần ăn phù hợp cho từng lứa tuổi, vùng, miền);
b) Chăm sóc dinh dưỡng cho các đối tượng đặc thù;
c) Bổ sung, tăng cường vi chất dinh dưỡng;
d) Dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp.
2. Theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng.
3. An toàn thực phẩm trong dinh dưỡng.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng