​Các khó khăn, thách thức trong hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

11/04/2017 In bài viết

_
1. Các chính sách còn chưa đầy đủ, toàn diện và việc tuân thủ chưa tốt
 
- Chưa có một kế hoạch, chiến lược quốc gia toàn diện phòng chống BKLN;
 
- Đã có một số chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ nhưng chưa đầy đủ (thiếu luật phòng chống tác hại rượu bia…). Vận động chính sách gặp khó khăn, khó huy động nguồn tài chính cho các hoạt động.
 
- Thiếu một số chính sách đa ngành trong kiểm soát yếu tố nguy cơ: giảm sử dụng muối ăn, kiểm soát chất béo bão hoà trong chính sách về dinh dưỡng; chính sách tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tăng cường hoạt động thể lực, thể thao quần chúng; chính sách khuyến khích các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe; chính sách rượu bia chưa chú trọng đến phòng chống BKLN; bất cập trong chính sách thuế đối với thuốc lá và rượu bia…
 
 - Thực thi các chính sách, pháp luật chưa được tuân thủ tốt. Việc thực thi Luật PCTHTL chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Khó kiểm soát việc kinh doanh, tiêu thụ rượu, bia. Hạn chế trong kiểm soát việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm…
 
2. Ưu tiên đầu tư và phối hợp liên ngành phòng chống BKLN còn hạn chế
 
- Chưa có sự ưu tiên và cam kết chính trị cho phòng chống BKLN, gánh nặng bệnh tật và gánh nặng kinh tế của BKLN chưa được nhận thức đầy đủ. Không đề cập tới phòng chống BKLN trong Văn kiện Đại hội Đảng XI. Nguồn tài chính cho các chương trình phòng chống BKLN bị cắt giảm.
 
- Chưa có một đầu mối tổ chức thống nhất để điều phối, huy động sự tham gia liên ngành trong kiểm soát các yếu tố nguy cơ BKLN. Ban chỉ đạo Chương trình Phòng, chống BKLN chưa đảm bảo sự tham gia đa ngành, mới chỉ giới hạn trong ngành y tế.
 
- Nhiệm vụ phòng chống các yếu tố nguy cơ BKLN chủ yếu vẫn do ngành y tế đảm nhận. Các Bộ, ngành liên quan chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm trong thực thi các chính sách của các Bộ, ngành mình để kiểm soát rượu bia, thuốc lá, khuyến khích dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực…
 
- Các tổ chức chính trị xã hội lớn chưa chủ động, tích cực vào cuộc để phòng chống BKLN (Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị thành viên…)
 
- Chưa có cơ chế phối hợp liên ngành, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách của các Bộ, ngành.
 
3. Công tác thông tin, giáo dục truyền thông chưa hiệu quả
 
- Gánh nặng bệnh tật và gánh nặng kinh tế của BKLN còn chưa được các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ. Vận động chính sách gặp khó khăn, khó huy động nguồn lực cho các hoạt động.
 
- Ý thức chấp hành pháp luật về PCTHTL, phòng chống tác hại rượu bia của người dân còn chưa cao. Nhận thức của cộng đồng về nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ còn chưa đầy đủ. Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp.
 
- Thông tin, giáo dục, truyền thông còn chung chung, chưa hiệu quả, đặc biệt trong truyền thông phòng chống tác hại của rượu, bia, khuyến khích hoạt động thể lực, hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý. Truyền thông về dinh dưỡng chưa chú trọng đến nội dung giảm ăn mặn, kiểm soát chất béo chuyển hóa và hướng dẫn sử dụng thực phẩm.
 
4. Hệ thống cung ứng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu
 
- Tổ chức phòng chống BKLN chưa có sự lồng ghép. Các dự án phòng chống BKLN thuộc CTMTQG về y tế được triển khai theo chiều dọc, thiếu sự lồng ghép giữa các chương trình, giữa các cơ sở y tế dự phòng và khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương.
 
- Hoạt động phòng chống BKLN thiên về tiếp cận cá nhân mà chưa đảm bảo sự cân đối giữa tiếp cận dựa trên cộng đồng và tiếp cận cá nhân. Các chương trình đều có đề cập tới kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhưng tập trung chủ yếu vào quản lý và điều trị người bệnh, chưa chú trọng tới dự phòng, phục hồi chức năng và giám sát theo dõi. Chưa tiếp cận toàn diện theo cả chu trình vòng đời.
 
- Dự phòng đóng vai trò quan trọng tuy nhiên mạng lưới y tế dự phòng chưa tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động phòng chống BKLN. Nhiệm vụ phòng chống BKLN chưa được đưa vào chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố. Y tế cơ sở (huyện, xã) tuy được nâng cấp về trang thiết bị và nhân lực, nhưng chưa đủ năng lực sàng lọc, phát hiện sớm BKLN, cung ứng các dịch vụ chăm sóc, quản lý người BKLN, dẫn tới quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và không đảm bảo công bằng trong CSSK.
 
- Các giải pháp có tính chi phí hiệu quả cao mới bước đầu triển khai tại y tế cơ sở ở diện hẹp, chưa được lồng ghép trong hoạt động thường quy của y tế cơ sở, đặc biệt là y tế xã phường.
 
- Một số mục tiêu cụ thể của Kế hoạch chiến lược toàn cầu dự phòng và kiểm soát BKLN của WHO không có trong chính sách, chương trình phòng chống BKLN của Việt Nam. Ví dụ như không đề cập tới mục tiêu giảm muối, đảm bảo sự sẵn có đối với kỹ thuật cơ bản và thuốc thiết yếu cần dùng để điều trị các BKLN chính.
 
5. Mức độ bao phủ các dịch vụ thiết yếu về phát hiện, dự phòng, quản lý điều trị BKLN còn chưa cao
 
- Tỷ lệ bao phủ của các dự án phòng chống BKLN còn thấp: Quy mô triển khai của dự án còn nhỏ, dự án phòng chống COPD mới triển khai tại một số ít tỉnh, dự án THA mới triển khai quản lý bệnh <10% số xã phường. Một số hoạt động dự án mới chỉ giới hạn chủ yếu tại các cơ sở khám chữa bệnh (COPD, ung thư). Hệ thống ghi nhận ung thư mới bao phủ 20% dân số, toàn quốc chỉ có 5 cơ sở có thực hiện chăm sóc giảm nhẹ.
 
- Hoạt động phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao còn chưa triển khai một cách hệ thống, rộng khắp. Các can thiệp giảm ăn mặn, can thiệp sàng lọc giảm tác hại rượu bia, cai nghiện rượu, cai nghiện thuốc lá mới triển khai ở quy mô nhỏ.
 
- Sàng lọc phát hiện sớm BKLN còn nhiều bất cập. BHYT chưa có cơ chế chi cho khám sàng lọc phát hiện sớm. Tỷ lệ bệnh nhân THA, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, COPD được phát hiện sớm qua sàng lọc chủ động còn thấp.
 
- Tỷ lệ người mắc BKLN được tiếp cận với các dịch vụ quản lý điều trị và chăm sóc lâu dài tại cộng đồng còn rất thấp.
 
6. Nhân lực y tế còn chưa đảm bảo về chất lượng và số lượng
 
- Nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực BKLN được đánh giá là còn yếu, thiếu và không đồng bộ. Hạn chế về năng lực chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh và huyện, xã. Nhiều tài liệu hướng dẫn chuyên môn chưa được chuẩn hóa, thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
 
- Các nội dung đào tạo về phòng chống BKLN trong các chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng và đại học y còn thiếu cập nhật; đặc biệt đối với các chương trình đào tạo bác sỹ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng và cử nhân dinh dưỡng.
 
- Chiến lược đào tạo liên tục chưa phù hợp, không cải thiện được nhiều về số lượng và năng lực cho cán bộ y tế. Hiệu quả của các hoạt động đào tạo liên tục chưa được đánh giá rõ ràng.
 
7. Tài chính y tế còn rất hạn chế
 
- Mặc dù BKLN chiếm 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong nhưng phòng chống BKLN vẫn chưa được xác định ưu tiên thỏa đáng trong phân bổ kinh phí, chỉ chiếm 2,5% tổng chi y tế năm 2009. Ngân sách cho các chương trình chủ yếu từ ngân sách nhà nước, không đáp ứng đủ nhu cầu và đang bị cắt giảm rất nhiều. Trung bình ngân sách cho cho BKLN trong tổng kinh phí CTMTQG y tế chỉ từ 13-17%, năm 2014 bị cắt giảm tới 50-70%.
 
- Phân bổ kinh phí chia cắt theo các chương trình dọc, được sử dụng phần lớn cho điều trị, trong khi 10 can thiệp lựa chọn hàng đầu theo khuyến cáo của WHO đều là các can thiệp dự phòng yếu tố nguy cơ và thực hiện trên quy mô dân số. Chưa sử dụng các bằng chứng chi phí hiệu quả trong xác định ưu tiên phân bổ ngân sách.
 
- Chưa tạo đủ cơ chế tài chính bền vững cho phòng chống BKLN. Diện bao phủ BHYT mới đạt 70% dân số trong khi BHYT không chi trả một số dịch vụ phòng chống BKLN.
 
8. Cung ứng dược, vắc xin và trang thiết bị y tế còn bất cập
 
- Mặc dù nhiều thuốc thiết yếu điều trị BKLN đã có trong danh mục thuốc chủ yếu được bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng một số thuốc điều trị BKLN thường không sẵn có tại các cơ sở y tế công, đặc biệt tại các trạm y tế xã, phường. Thuốc thiết yếu cho hen phế quản và COPD, ĐTĐ không có sẵn tại y tế cơ sở. Tiếp cận thuốc điều trị THA còn bất cập trong việc xây dựng danh mục và lựa chọn thuốc, quy định về thời gian cấp thuốc định kỳ. BHYT không chi trả một số thuốc điều trị theo khuyến cáo, thiếu điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và thiếu cơ chế khuyến khích cho cán bộ trạm y tế xã.
 
- Sử dụng vắc xin phòng HPV chưa được đánh giá đầy đủ để áp dụng rộng rãi.
 
9. Chưa thiết lập hệ thống giám sát BKLN quốc gia
 
- Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin về BKLN và các yếu tố nguy cơ, còn thiếu các số liệu chuẩn hóa mang tính hệ thống. Còn rất thiếu thông tin, số liệu quốc gia để theo dõi xu hướng, quy mô và sự phân bố của BKLN và các yếu tố nguy cơ. Các chỉ số giám sát chưa sử dụng trong thực tế, nhiều chỉ số chưa phù hợp với bộ chỉ số giám sát toàn cầu. Các số liệu, quy trình thống kê báo cáo thường quy chưa hợp nhất, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu các chương trình.
 
- Hoạt động giám sát chưa mang tính hệ thống. Chưa thực hiện định kỳ điều tra các yếu tố nguy cơ, còn nhiều nghiên cứu riêng lẻ theo nhu cầu từng chương trình, dẫn đến lãng phí về nguồn lực, không thống nhất, chuẩn hóa về phương pháp. Hoạt động ghi nhận ung thư có diện bao phủ chưa rộng. Chưa triển khai hệ thống giám sát tử vong tại cộng đồng.
 
- Chưa tổ chức theo dõi đánh giá hoạt động quốc gia về phòng chống BKLN để báo cáo quốc tế năm 2016 theo cam kết.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế



 

Admin

Tin tức liên quan

Khuyến cáo chủ động phòng chống dịch mùa mưa lũ

Bước vào mùa mưa bão, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Xem chi tiết Next

KHÓA TẬP HUẤN GIÁM SÁT Y TẾ CÔNG CỘNG CHO HỌC VIÊN FETP DÀI HẠN

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Y tế dự phòng - Văn phòng FETP và Mạng lưới Kỹ thuật và Dịch tễ học thực địa Nam Á (SAFETYNET), từ ngày 12 - 30/6/2017 Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang đã tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn 3 tuần dành cho học viên là cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại các Trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố khu vực miền Trung.

Xem chi tiết Next
Thong ke