​Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong phòng chống bệnh không lây nhiễm

07/04/2017 In bài viết

_

Nhận thức được tầm quan trọng của phòng chống BKLN, nhiều  quốc gia đã có những chính sách nhằm bảo vệ người dân trước nạn dịch này. Những ví dụ thành công trên thế giới có thể cung cấp những ý tưởng cũng như bài học kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam.
 
a) Nhật Bản: Kế hoạch vì sức khỏe người Nhật
Từ năm 1978 Nhật Bản đã phát động và thực hiện các kế hoạch 10 năm về nâng cao sức khỏe. Đến nay, kế hoạch này trải qua 3 chu kỳ. Chu kỳ thứ nhất từ năm 1978 với chủ đề “Nâng cao sức khỏe tiếp cận chu kỳ vòng đời”, chu kỳ 2 bắt đầu từ 1988 với khẩu hiệu “Năng động tuổi 80”. Chu kỳ thứ 3 bắt đầu từ năm 2000 với tiêu đề “Vì sức khỏe người Nhật thế kỷ 21”.
Kế hoạch quốc gia vì sức khỏe người Nhật đề ra 70 chỉ tiêu trong 9 lĩnh vực (dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực, phòng chống tác hại thuốc lá, đồ uống có cồn, nghỉ ngơi và sức khỏe tâm thần, sức khỏe răng miệng, phòng chống bệnh tim mạch,đái tháo đường, ung thư). Kế hoạch tập trung vào thiết lập môi trường hỗ trợ nâng cao sức khỏe có sự tham gia của tất cả các ban ngành đoàn thể và mỗi cá nhân với sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu về sức khỏe cho mọi công dân.
Việc lập kế hoạch triển khai được thực hiện từ chính quyền trung ương đến các địa phương. Trên cơ sở kế hoạch của chính quyền trung ương, chính quyền các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch phù hợp với đặc điểm của địa phương. Cách tiếp cận tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Vận động tăng nhận thức và sự ủng hộ; thiết lập mạng lưới triển khai và hỗ trợ kế hoạch các cấp; tăng cường phối hợp, điều phối các hoạt động nâng cao sức khỏe để đảm bảo tính hiệu quả; và thúc đẩy nghiên cứu, giám sát, xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng. Sự vào cuộc của chính quyền các cấp, từ trung ương tới các địa phương chính là điểm nhấn cơ bản, và là mấu chốt cho sự bền vững cũng như những thành công của các kế hoạch nâng cao sức khỏe của Nhật Bản.
 
b) Hoa Kỳ: Kế hoạch vì sức khỏe nhân dân
Từ trước năm 1990 Hoa Kỳ cũng đã có nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe, tuy nhiên chưa có một kế hoạch tổng thể, có tính phối hợp ở cấp quốc gia. Bản kế hoạch “Vì sức khỏe nhân dân” với các chu kỳ 10 năm bắt đầu từ năm 1990 đã khắc phục được các yếu điểm của các hoạt động đơn lẻ trước đó. Tới nay, Hòa kỳ đang thực hiện chu kỳ thứ 3 bản kế hoạch này, với tên gọi “Vì sức khỏe nhân dân năm 2020”.
Kế hoạch vì sức khỏe nhân dân có phạm vi rộng, tuy nhiên cũng có trọng tâm gồm 10 chỉ số y tế quan trọng liên quan đến hoạt động thể lực, thừa cân béo phì, sử dụng thuốc lá, lạm dụng chất gây nghiện, hành vi tình dục có trách nhiệm, sức khỏe tâm thần, thương tích và bạo lực, chất lượng môi trường, tiêm chủng, và tiếp cận với dịch vụ y tế. Báo cáo đánh giá sau 20 năm thực hiện (tính đến năm 2010) đã thu được những kết quả khả quan như: tỷ lệ sử dụng rượu ở học sinh trung học giảm từ 32% xuống 25%, tỷ lệ người hút thuốc lá trong nhóm người trưởng thành giảm từ 24% xuống còn 21%, còn trong nhóm học sinh trung học tỷ lệ này giảm từ 40% (1999) xuống 26% (2009), tỷ lệ tử vong do tim mạch và đột quỵ giảm 30% sau 10 năm, tử vong do ung thư cũng giảm đáng kể.

c) Thái Lan: Mô hình Quỹ Nâng cao sức khỏe
Thái Lan đã thành công trong việc thiết lập một cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động nâng cao sức khỏe nhân dân, đó chính là Quỹ Nâng cao sức khỏe Thái Lan, với tên gọi ThaiHealth. Quỹ này được ra đời từ năm 2001, thông qua một đạo luật cùng tên. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành từ khoản phụ thu được tính bằng 2% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 2 sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe là thuốc lá và rượu, bia.
Quỹ nâng cao sức khỏe của Thái Lan được điều phối bởi Ban quản lý gồm đại diện của 8 bộ ngành và 8 chuyên gia độc lập. Các bộ ngành trong ban quản lý gồm: Ủy ban phát triển kinh tế xã hội quốc gia, Thư ký thường trực của Văn phòng Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế.
Kết quả đến năm 2010, Thái Lan đã đạt được những thành tựu: xây dựng 21 văn bản chính sách công (Chiến lược quốc gia về kiểm soát thuốc lá 2010 - 2014, Chiến lược kiểm soát rượu, Luật kiểm soát đồ uống có cồn; Nghị quyết về quản lý thừa cân béo phì, Luật bình đẳng giới…), 10 văn bản cấp tỉnh/địa phương, 2 tổ chức mới (Bệnh viện NCSK cấp huyện)…và góp phần giúp Thái Lan đạt được nhiều kết quả cụ thể như giảm tỉ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành từ 35% (1991) xuống 19% (2009), từ năm 1999 đến năm 2009 số tử vong do tai nạn giao thông giảm từ 11.267 xuống còn 10.717 ca, tỷ lệ lạm dụng rượu bia ở nhóm trên 15 tuổi giảm 19,8% khi so sánh giai đoạn 2003-2004 với giai đoạn 2008-2009. Mô hình này được đánh giá là rất hiệu quả và bền vững do đảm bảo được nguồn tài chính lâu dài và huy động được các ngành, các cấp và đông đảo các tổ chức xã hội và các cá nhân tham gia xây dựng và thực hiện các sáng kiến nâng cao sức khỏe trên toàn quốc.

d) Australia: Chiến lược quốc gia vì người Australia khỏe mạnh đến năm 2020
Năm 2006 Chính phủ Australia đã đề ra “Sáng kiến người Australia khỏe mạnh hơn”. Mục đích của sáng kiến để định hướng hệ thống y tế tập trung ưu tiên cho nâng cao sức khỏe và giảm gánh nặng BKLN. Đến năm 2008, Bộ trưởng Bộ y tế và già hóa dân số đã quyết thành lập một nhóm công tác về Y tế dự phòng quốc gia với nhiệm vụ phát triển Chiến lược quốc gia về Y tế dự phòng, tập trung vào các yếu tố nguy cơ hàng đầu đó là béo phì, thuốc lá và rượu bia. Tháng 9 năm 2009, Chính phủ Australia đã thông qua Chiến lược y tế dự phòng quốc gia với tầm nhìn “Australia, quốc gia khỏe mạnh nhất năm 2020”. Để thực hiện chiến lược được hiệu quả, Chính phủ Australia nhận định công tác phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, của các ban ngành, các tổ chức xã hội, các đơn vị và của từng người dân.
Chính phủ Australia xác định đây là một chương trình cần có sự tham gia của các ban ngành ngoài lĩnh vực y tế, vì vậy đã thành lập Cơ quan Phòng bệnh và Nâng cao sức khỏe quốc gia với chức năng điều phối đa ngành ở cấp quốc gia, địa phương, tư vấn xây dựng chính sách của chính phủ (kể cả chiến lược của các ban ngành khác), xây dựng các bằng chứng, phát triển nguồn nhân lực, điều tra, giám sát, và hỗ trợ triển khai các can thiệp nâng cao sức khỏe. Về nguồn lực, Chính phủ Australia đã quyết định dành riêng một khoản ngân sách đáng kể khoảng 100 triệu đô-la Australia mỗi năm cho công tác này.
Kết quả mong đợi sẽ đạt được vào năm 2020 bao gồm giảm 1 triệu người hút thuốc, ngăn chặn 300.000 ca tử vong sớm bởi các bệnh do hút thuốc lá, ngăn chặn 7.400 ca tử vong và làm giảm 94.000 người-năm mất sớm (DALYs) do lạm dụng bia rượu, giảm 330.000 người mắc bệnh phải nhập viện, ngăn ngừa 500.000 trường hợp tử vong do sinh non vì béo phì và tiết kiệm chi phí dự tính gần 2 tỷ Australia đô la cho chăm sóc y tế vào năm 2020. Chiến lược này đã mở ra một cách tiếp cận mới với y tế đó là cách tiếp cận “toàn chính phủ” với phương châm phòng bệnh là trách nhiệm của chính phủ và tất cả mọi người dân
Từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để hoạt động phòng chống BKLN hiệu quả cần có sự cam kết của chính phủ và sự phối hợp liên ngành để điều phối triển khai các hoạt động, có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Một yếu tố quyết định cho sự thành công là cần có nguồn tài chính bền vững cho hoạt động phòng chống BKLN. Chính phủ cần đầu tư thích đáng cho công tác nâng cao sức khỏe và y học dự phòng vì đây là đầu tư chi phí thấp - hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe như của Thái Lan cũng là một kinh nghiệm quý báu giúp đảm bảo kinh phí bền vững cho hoạt động phòng chống BKLN, giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế




 

Admin

Tin tức liên quan

Khuyến cáo chủ động phòng chống dịch mùa mưa lũ

Bước vào mùa mưa bão, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Xem chi tiết Next

Hà Nội: Số mắc sốt xuất huyết từ trên 500 ca xuống khoảng 100 ca/ngày

​Sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch, số mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đã giảm 80%, tức từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày.

Xem chi tiết Next
Thong ke