​Cần Thơ - Phòng chống sốt xuất huyết đầu mùa mưa

13/05/2019 In bài viết

Cần Thơ - Phòng chống sốt xuất huyết đầu mùa mưa
Tính từ đầu năm 2019 đến ngày 16/5, toàn TP Cần Thơ ghi nhận 382 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể 8/9 quận, huyện có số ca mắc tăng, cao nhất là Ninh Kiều (86 ca), Ô Môn (56 ca), Cái Răng (51 ca) và Phong Ðiền (48 ca), huyện Vĩnh Thạnh tuy chỉ có 23 ca, nhưng tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2018. Theo ngành y tế, bắt đầu mùa mưa thì nỗi lo SXH bùng phát cũng tăng.

* Kiểm tra các địa bàn trọng điểm SXH

Ngày 9/5/2019 vừa qua, đoàn Sở Y tế TP Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch SXH tại huyện Cờ Đỏ. Đoàn đã kiểm tra xử lý ca bệnh tại xã Trung Hưng, theo đó đoàn đến nhà em Nguyễn Gia Hạo, bệnh nhi bị SXH. Theo người nhà, em Hạo đang nhập viện điều trị SXH. Qua thực tế kiểm tra tại khu vực ca bệnh, phía sau nhà dân còn nước đọng; một vài hộ dân chưa quan tâm đến dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, tạo cơ hội cho muỗi có nơi trú ngụ.

Cán bộ đoàn kiểm tra dụng cụ chứa nước tạo nhà dân
 
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, nhận xét: Qua kiểm tra chỉ số Bréteau (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) đều đạt, ở xã Trung Hưng chỉ số là 15, thị trấn Cờ Đỏ chỉ số 10 (quy định chỉ số dưới 20). Tuy nhiên, qua kiểm tra xử lý ca bệnh, ổ dịch, kiểm tra biên bản sổ sách liên quan đến phòng, chống dịch SXH thì xã Trung Hưng cần rút kinh nghiệm, sổ ghi nhận bệnh, báo cáo phải làm theo mẫu quy định, từ đó biết quy trình xử lý ca bệnh cụ thể, căn cứ quy trách nhiệm, thời gian xử lý.
Theo BS Dương Văn An, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ, so với cùng kỳ 2018, toàn huyện tăng 6 ca SXH. Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, thành phố chọn Thị trấn Cờ Đỏ là xã trọng điểm và hỗ trợ kinh phí; đối với các xã còn lại, UBND huyện, xã hỗ trợ kinh phí 500.000đ/ấp thực hiện chiến dịch nên việc triển khai thuận lợi.  Số ca mắc SXH toàn thành phố tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2018. Từ thực tế đó, thành phố tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng trên địa bàn toàn thành phố nhằm giảm số ca bệnh SXH. Thành phố chọn 16 phường/xã làm trọng điểm triển khai chiến dịch. Các xã/phường còn lại, Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện chọn các ấp, xã có nguy cơ. Thời gian triển khai đợt I từ 18/4 đến 20/4, đợt II từ 2/5 đến 4/5.

* Tăng cường tuyên truyền
Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, hiện bắt đầu bước vào mùa mưa, diễn biến thời tiết xuất hiện những cơn mưa bất thường, chú ý tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là trong các trường học để học sinh tự kiểm tra, diệt lăng quăng, diệt muỗi tại gia đình. Thời gian qua, khi đi kiểm tra thực tế một số quận/huyện vẫn còn thấy vật phế thải xung quanh nhà các hộ dân còn nhiều, ứ đọng nước mưa, đồ đạc chưa gọn gàng ngăn nắp, trong nhà ẩm thấp tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn và phát triển gây bệnh; những nền nhà, khu đất trống để hoang, nước đọng, cỏ dại mọc nhiều là ổ lăng quăng, muỗi… cũng là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho côn trùng trú ẩn và phát triển gây bệnh.
 
Từ đầu tháng 5/2019, mưa nhiều hơn, tạo thuận lợi cho bệnh SXH bùng phát. Người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá lia thia vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; cọ rửa bên trong dụng cụ chứa nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày ít nhất 1 lần/tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Bên cạnh đó, người dân có thể phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi trẻ có bị bệnh, cần theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên: Nếu sốt cao trên 38,50C cần hạ sốt bằng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, nằm chỗ thoáng, chườm mát cho người bệnh. Bên cạnh đó, cần cặp nhiệt độ mỗi 4-6 giờ một lần, nếu còn sốt cao thì tiếp tục cho người bệnh uống thuốc hạ sốt. Đặc biệt chú ý không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết. Cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước có chất điện giải hoặc nước trái cây như cam, chanh, nước dừa. Nên ăn đồ loãng như cháo, súp, sữa. Nếu trẻ có nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ và nhiều lần.
Để chủ động phòng chống bệnh SXH, đặc biệt ngăn chặn nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ và các ban ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh để người dân tự giác thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận/huyện đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên loa phát thanh nội viện; loa phát thanh xã, phường; qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt dưới cờ và vãng gia. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động trong trường học. Đặc biệt là phòng, chống SXH; tổng vệ sinh làm sạch môi trường vào chiều cuối tuần,… Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát huyết thanh,… phát hiện sớm vùng nguy cơ, bao vây và dập tắt dịch kịp thời không để dịch bùng phát. Điều tra ca bệnh tại bệnh viện và cập nhật thông tin chính xác trên phần mềm Thông tư 54/TT-BYT và thông tin phản hồi kịp thời giữa các tuyến và xử lý theo đúng quy định. Tổ chức các đợt chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng; chiến dịch tổng vệ sinh làm sạch môi trường các xã/phường nguy cơ và kết hợp phun hóa chất diện rộng vào tháng 4, tháng 6 và tháng 9 năm 2019.
 
Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Admin

Tin tức liên quan

Một số biện pháp phòng, chống nắng nóng

Trong thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng với nhiệt độ cao, có nơi lên trên 40 độ C. Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao.

Xem chi tiết Next

Hội nghị Đối thoại về Hợp tác trong Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu

Ngày 16/05/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Khai mạc Hội nghị Đối thoại về Hợp tác trong Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Y Havard và Norvatis đồng tổ chức.

Xem chi tiết Next

Mít tinh tuần lễ tiêm chủng năm 2019

Sáng 19/4/2019, tại TP Hà Tĩnh, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng năm 2019 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

Xem chi tiết Next

Lễ Mitting hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá: Thuốc lá và các bệnh về phổi

Ngày 26/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Mitting hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá với chủ đề: Thuốc lá và các bệnh về phổi. Tham dự có GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế; TS. Kidong Park, trưởng đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo…; các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế…

Xem chi tiết Next
Thong ke