Ngày 16/05/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Khai mạc Hội nghị Đối thoại về Hợp tác trong Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Y Havard và Norvatis đồng tổ chức.
Ngày 16/05/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Khai mạc Hội nghị Đối thoại về Hợp tác trong Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Y Havard và Norvatis đồng tổ chức.
Tham dự Hội nghị có PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì; bà Dessislava Dimitrova, lãnh đạo về Đổi mới các Hệ thống Y tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Bulgaria; PGS.Andrew Ellner, Giám đốc Chương trình Toàn cầu về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu Toàn cầu, Đại học Y Havard, Hoa Kỳ; PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Chủ đề về chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại các diễn đàn toàn cầu nói chung và tại các quốc gia nói riêng. Vào ngày 25/10/2018, tại thành phố Astana, Kazakhstan, Tuyên bố Astana đã chính thức được đưa ra tại Hội nghị toàn cầu về CSSKBĐ. Theo đó, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc đã nhất trí cam kết tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu như một "bước quan trọng" để đạt được bao phủ y tế toàn dân cho tất cả mọi người.
Với 07 nội dung đã được đề cập đến trong Tuyên bố Astana 2018 mà sẽ được trình bày ngay trong Đối thoại ngày hôm nay bởi đại diện của Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, chúng ta có thể thấy rằng chưa bao giờ vai trò của CSSKBĐ lại trở nên quan trọng như lúc này nhất là trong bối cảnh thế giới đang thay đổi phức tạp và nhanh chóng cùng với mong muốn xây dựng một thế giới phát triển và bền vững với con người là trung tâm.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững trong đó mục tiêu số 3 về y tế là bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và phúc lợi cho mọi lứa tuổi. Mục tiêu này bao gồm13 mục tiêu cụ thể, trong đó 03 mục tiêu về sức khỏe sinh sản và trẻ em, 03 mục tiêu liên quan đến bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, 02 mục tiêu liên quan đến sức khỏe môi trường; 01 mục tiêu về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và 04 mục tiêu còn lại liên quan đến cách thức để hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) đã đề ra ưu tiên chiến lược trong 5 năm 2019-2023 là thêm 01 tỷ người hưởng lợi từ bao phủ CSSK toàn dân, thêm 01 tỷ người được bảo vệ tốt hơn trước các tình huống y tế khẩn cấp, thêm 01 tỷ người có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
Để thực hiện các mục tiêu này, CSSKBĐ có vai trò cốt lõi và nền tảng. Hệ thống CSSKBĐ lấy con người làm trung tâm và dựa trên nền tảng dân số sẽ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện dự phòng, cung cấp vắcxin, ứng phó với tình trạng khẩn cấp và thực hiện Bao phủ CSSK toàn dân bảo đảm công bằng và hiệu suất. Nhìn rộng hơn, CSSKBĐ trong hệ thống y tế sẽ góp phần thực hiện 16 Mục tiêu Phát triển bền vững khác như xóa bỏ đói nghèo, cải thiện dinh dưỡng, giáo dục sức khỏe, học tập suốt đời, giảm bất bình đẳng, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, xây dựng môi trường sống khỏe mạnh và bền vững...
Tại Việt Nam, vai trò của CSSKBĐ đã và đang được khẳng định và đã nhận được chỉ đạo về chiến lược và cam kết chính trị. Nghị quyết 20- NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Đề án 2384 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, và dự án thí điểm xây dựng 26 trạm y tế xã phường trên 8 tỉnh thành phố đã mang lại một số kết quả, tuy nhiên thách thức vẫn còn nhiều.
Đó là các thách thức về tài chính cho CSSKBĐ, đầu tư cho CSSKBĐ còn hạn chế so với đầu tư cho bệnh viện, chi BHYT tại tuyến cơ sở và y tế dự phòng chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng chi BHYT, chất lượng và danh mục cung ứng dịch vụ tại các cơ sở y tế tuyến dưới còn hạn chế, thiếu niềm tin của người dân đối với CSSKBĐ; nhân lực cho CSSKBĐ thiếu và yếu, bệnh viện vẫn là trung tâm trong hệ thống y tế, vướng mắc trong việc áp dụng nguyên lý bác sĩ gia đình trong CSSKBĐ tại cộng đồng; vấn đề về chuyển tuyến và liên kết các cấp độ CSSK; việc ứng dụng thống nhất hệ thống thông tin và phần mềm trong quản lý CSKBĐ; CSSKBĐ chưa được đầu tư và phát triển đúng đắn để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trước những vấn đề trên, tăng cường CSSKBĐ, mà điều cốt lõi là để hiện thực hóa mục tiêu Bao phủ CSSK toàn dân và các Mục tiêu Phát triển bền vững cần được xem xét một cách hệ thống để đưa ra các cách thức giải quyết tổng thể, có lộ trình, nhất quán và bền vững. Việc đưa ra các giải pháp cần tham khảo thêm khuyến cáo và kinh nghiệm quốc tế cũng như dựa trên các bằng chứng cụ thể và cần sự tham gia của toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đại biểu cùng thảo luận 4 nội dung chính đó là:
1. Đánh giá các thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác CSSKBĐ;
2. Các thách thức và cơ hội để đổi mới công tác CSSKBĐ cho nhân dân;
3. Thảo luận về các mục tiêu, chính sách, bước đi trong đổi mới CSSKBĐ ở Việt Nam;
4. Tìm kiếm cơ chế phối kết hợp giữa các bên liên quan để đóng góp hiệu quả nhất cho công tác CSSKBĐ tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Dessislava Dimitrova, Trưởng Bộ phận Các Hệ thống Y tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Bulgaria cho biết: Đối thoại về Hợp tác trong Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu tại Hà Nội nhằm các mục đích: Chia sẻ các thách thức và các cơ hội về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyển tuyến trong y tế cơ sở, với trọng tâm là các sáng kiến, dự án và đầu tư do Bộ Y tế chỉ đạo; Thống nhất từ Bộ Y tế, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về một tầm nhìn chung trong đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam; Thúc đẩy thảo luận giữa Chính phủ, hàn lâm, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về cách thức cùng đóng góp đầu tư tốt nhất thực hiện Tầm nhìn về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận như: Chiến lược và các Ưu tiên của Chính phủ về Tăng cường Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu nhằm thực hiện Tuyên bố Astana về đạt được Bao phủ Y tế Toàn dân trước năm 2030 do PGS. TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế Việt Nam trình bày; Đạt được Bao phủ Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân thông qua Đổi mới Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu – Kinh nghiệm quốc tế áp dụng vào bối cảnh Việt Nam do PGS. Andrew Ellner, Giám đốc, Chương trình Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu và Thay đổi Xã hội Toàn cầu, Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ; Các quan điểm của Người dân và Bệnh nhân về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu tại Việt Nam do TS. Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế Việt Nam trình bày; Thảo luận xung quanh các Dự án thí điểm hiện nay về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu (HPET, ADB), tập trung vào 4 thách thức lớn…/.
Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
Admin