Tin tức

Tin tức

​Chủ tịch nước gặp mặt các đại biểu tiêu biểu trong ngành Y tế dự phòng nhân kỷ niệm 60 năm ngành Y tế dự phòng

07/12/2016 In bài viết

_

Ngày 5/12/2016, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt các cán bộ y tế tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong công tác y tế dự phòng.

Tham dự buổi gặp mặt có PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; các đồng chí thứ trưởng đương nhiệm, tiền nhiệm; đại diện Lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện/Văn phòng Bộ của Bộ Y tế; cùng gần 200 đại biểu là các cán bộ y tế làm trong lĩnh vực y tế dự phòng trong cả nước.
 


Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phát biểu tại buổi gặp mặt
 

Thay mặt các đại biểu dự buổi gặp mặt, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã báo cáo những thành tựu trong 60 năm của ngành Y tế dự phòng. Theo đó, ngành Y  tế dự phòng đã phát triển toàn diện từ Trung ương đến địa phương, gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu chuyên sâu ở tuyến Trung ương cũng như hệ thống các đơn vị y tế dự phòng tại các địa phương. Trong những năm qua, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về nâng cao sức khoẻ người dân, phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được 10/12 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và có đủ khả năng xét nghiệm được các dịch bệnh mới nổi, các dịch bệnh hiện đang lưu hành hoặc có nguy cơ xâm nhập. Việt Nam là nước được tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao khi đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ mắc sốt rét; giữ vững thành quả thanh toán và loại trừ, khống chế một số bệnh dịch nguy hiểm, như đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh; chủ động khống chế và đẩy lùi nhiều bệnh dịch lưu hành, mới nổi khác, như tả, dịch hạch, sốt rét, lao, HIV/AIDS...


PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo công tác Y tế dự phòng tại buổi gặp mặt
 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích, những đóng góp to lớn mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế dự phòng toàn quốc đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước chỉ rõ: Trong quá trình hội nhập và phát triển, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, quản lý chất thải y tế được tăng cường; hoạt động hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe người dân phát triển sâu rộng; công tác đào tạo nhân lực y tế dự phòng được đổi mới theo hướng chuyên sâu, tiếp cận với xu hướng quốc tế ưu tiên thực hành, dành nhiều thời gian cho thực địa và mang tính liên ngành. Đồng thời, các hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tích cực tham gia các chương trình hành động của Tổ chức Y tế thế giới, khu vực, góp phần bảo đảm an ninh y tế toàn cầu và nâng cao vai trò, vị thế của ngành Y tế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nói chung, Y tế dự phòng nói riêng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và sáng tạo đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến


Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Y tế nói chung, Y tế dự phòng nói riêng cần phát huy những kết quả đặt được, đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và sáng tạo; nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

 

(1) Nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác Y tế dự phòng, trên cơ sở đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân gắn với việc dự phòng các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thực hiện tốt phương châm lấy con người làm trung tâm, dự phòng, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng. Đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước, phòng bệnh và thể dục, thể thao. Tiến hành đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về vệ sinh phòng bệnh, các biện pháp tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe.

(2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các đon vị y tế dự phòng các tuyến theo hướng tinh giản đầu mối, sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, triển khai quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình. Quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng vừa có năng lực, tay nghề, trình độ chuyên môn giỏi, vừa có y đức tốt, đủ năng lực đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi cũng như nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp dự phòng tiên tiến.

(3) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, phát triền công nghệ có khả năng xác định, phát hiện những tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm cũng như phát triển công nghệ sản xuất vắc-xin, bảo đảm an ninh về vắc-xin trong phòng bệnh cho người dân cả nước. Triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, quản lý chất thải y tế, bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, nâng cao chất lượng vệ sinh trường học và phòng, chống tai nạn thương tích. Kết họp chặt chẽ giữa quân và dân y trong lĩnh vực y tế dự phòng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

(4) Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nghiên cứu, áp dụng các mô hình hoạt động có sự tham gia đóng góp của xã hội, người dân. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế, chú trọng các loại hình dựa vào cộng đổng. Tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân đều tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế.

(5) Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chổ với Tổ chức Y tế thế giới, các nước và các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực y tế dự phòng. Tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đảo tạo cán bộ y tế dự phòng cũng như tranh thủ sự hỗ trợ thiết bị, phương tiện hiện đại của các nước, các tổ chức quốc tế. Tiếp tục tham gia tích cực vào việc thực hiện Điều lệ Y tế thế giới và Chương trình hợp tác an ninh y tế toàn cầu để chủ động đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và các sự kiện y tế công cộng hướng tới một thế giới an toàn hơn trước dịch bệnh, nâng cao vai trò, vị thế của ngành Y tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo, xây dựng ngành Y tế nói chung, Y tế dự phòng nói riêng ngày càng vững mạnh. Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn, ngành Y tế nói chung, Y tế dự phòng nói riêng sẽ tiếp tục có được những đóng góp to lớn trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: moh.gov.vn)





 

Admin

Tin tức liên quan

Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố nhiễm vi rút Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế

Với những ý kiến nêu trên, Tổng giám đốc WHO tuyên bố kết thúc sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế liên quan đến nhiễm vi rút Zika. Tổng giám đốc cũng nhắc lại những khuyến cáo tạm thời từ các cuộc họp của Uỷ ban trước đây sẽ được tích hợp vào cơ chế đáp ứng lâu dài.

Xem chi tiết Next

Phó chủ tịch UBND TP.HCM hướng dẫn dân diệt lăng quăng

“Muốn chặn dịch bệnh do virus Zika phải diệt lăng quăng. Tuy nhiên, đừng tuyên truyền suông mà phải trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn".

Xem chi tiết Next

Không diệt lăng quăng phạt 1,5 triệu đồng

Thực tế, không chỉ không diệt lăng quăng bị phạt mà rất nhiều hành vi mà nhiều người tưởng là “chuyện nhỏ” như xả rác ra đường, để chó mèo phóng uế bừa bãi, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, tè bậy… đều bị chế tài theo các quy định pháp luật.

LS Hồ Nguyễn Lễ cho biết việc để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng và nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo qui định tại khoản 1, điều 7 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Ngoài ra còn buộc người vi phạm phải khắc phục tình trạng ô nhiễm đã gây ra.

Xem chi tiết Next
Thong ke