​Cục Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công Hội nghị Dịch tễ học thực địa Việt Nam 2024 tại Đà Nẵng

30/08/2024 In bài viết

Nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng và triển khai  thực hiện dịch tễ học thực địa được đề cập đến là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác nghiệp vụ tại các đơn vị chuyên môn thuộc các cơ quan của Trung ương và địa phương làm tốt nhất hiệu quả phòng chống dịch bệnh và y tế công cộng.

Trong các ngày từ 26-30/8/2024 tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị dịch tễ học thực địa (FETP) Việt Nam 2024, đây là hội nghị quốc gia lần thứ 6 tại Việt Nam với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, đại diện từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Y học dự phòng Quân đội khu vực phía Nam, các Tổ chức quốc tế như CDC Hoa Kỳ (US CDC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đơn vị liên quan khác tham dự Hội nghị đào tạo dịch tễ học thực địa Việt Nam 2024 với sự tham gia của các giản viên, các hướng dẫn viên, chuyên gia, các bạn học viên, cựu học viên FETP trong ngày 29/08/2024.

TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đại diện Bộ Y tế phát biểu khai mạc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quốc gia để có thể hành động và ứng phó hiệu quả đối với các tình huống của dịch bệnh. Để thực hiện việc này, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai nhiều hình thức đào tạo cán bộ y tế dự phòng, trong đó đào tạo dịch tễ học thực địa với trọng tâm đào tạo kỹ năng thực hành thông qua việc tham gia ứng phó, giải quyết các dịch bệnh và vấn đề y tế công cộng diễn ra tại cộng đồng và đã dần khẳng định được vai trò của chương trình đào tạo, sự tin tưởng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ y tế dự phòng ở tất cả các tuyến. Các học viên FETP sau khi hoàn thành khóa học đã tham gia tích cực và có hiệu quả công tác giám sát, điều tra, đáp ứng phòng chống dịch, giải quyết các vấn đề đang diễn ra trên thực địa và hình thành mạng lưới FETP trong toàn quốc và kết nối với các Chương trình FETP khác trên thế giới và mạng lưới toàn cầu.

Tiếp đó là phát biểu chào mừng Hội nghị của TS. Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia của USCDC Việt Nam và TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

A group of people sitting in chairs in a room with a large screenDescription automatically generated

Hội nghị có 18 bài trình bày, một tọa đàm và 21 poster. Đây là các bài viết, trình bày trực tiếp, poster cùng các ý kiến trao đổi tại Hội nghị để có cái nhìn rõ hơn về vai trò, đóng góp và kết quả của cơ quan quản lý, cán bộ, học viên dịch tễ học thực địa đối với hệ thống y tế dự phòng và đồng thời thấy được sự cần thiết của việc xây dựng mô hình đào tạo dịch tễ học thực địa nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ trong giám sát, đáp ứng dịch bệnh từ đó xây dựng định hướng phát triển của đào tạo dịch tễ học thực địa trong những năm tới đây.

Trước Hội nghị chính thức, từ ngày 26/8 đến ngày 30/8/2024 đã diễn ra một chuỗi các hoạt động kết hợp tại Hội nghị, gồm: Tập huấn giảng viên, tập huấn hướng dẫn viên thực địa, tập huấn hiển thị dữ liệu và cuộc họp đối tác. Chuỗi sự kiện cũng hưởng ứng kỉ niệm Ngày dịch tễ học thực địa thế giới 7/9 năm nay với chủ đề "Hợp tác là cần thiết cho dịch tễ học thực địa".

Hội nghị dịch tễ học thực địa Việt Nam 2024 đã thành công tốt đẹp. Cục Y tế dự phòng trân trọng cảm ơn các cơ quan phối hợp và các đối tác đã hỗ trợ tích cực và đồng hành hiệu quả trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đào tạo dịch tễ học thực địa trong thời gian qua, nhất là CDC Hoa Kỳ và WHO đã góp phần cho sự thành công của Hội nghị năm 2024.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke