Tin tức

Tin tức

​Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động

28/08/2024 In bài viết

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động trong bối cảnh tình hình còn diễn biến phức tạp hiện nay, ngày 21/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo số 5957/VPCP-NN yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng quản lý nhà nước được phân công chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động, trong đó tập trung chủ động, tích cực triển khai quyết liệt một số nội dung sau:

          1. Thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với gia đình bị thiệt hại do thiên tai, động đất, tai nạn lao động, nhất là các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương, gia đình khó khăn, gia đình chính sách, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người dân; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn, chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết ngay các nhiệm vụ, công việc cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng pháp luật, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

          2. Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu và cơ quan có liên quan phối hợp với các địa phương, các chủ thể quản lý vận hành đập thủy điện tăng cường thực hiện công tác khảo sát, quan trắc, nghiên cứu về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực các hồ thủy điện đã xảy ra động đất kích thích trong thời gian qua để xác định cụ thể nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các phương án chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra (bao gồm cả việc chủ động di dời nếu không bảo đảm an toàn).

          3. Chủ động dự báo, cảnh báo, thông tin đầy đủ, kịp thời về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thiên tai, động đất để người dân và các cơ quan chức năng triển khai phòng ngừa, ứng phó giảm thiệt hại. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn, phòng ngừa tai nạn lao động xảy ra.

          4. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn, diễn tập, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

          5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3243/VPCP-TKBT ngày 15 tháng 8 năm 2024 về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt tháng 8 năm 2024; đồng thời chủ động quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ tại văn bản này theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện trước ngày 20 tháng 9 năm 2024./.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke