Đoàn công tác số 1 của bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 và làm việc tại tỉnh Kiên Giang
20/04/2021 In bài viết
Ngày 18/4, đoàn công tác số 1 do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc Gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 và làm việc tại tỉnh Kiên Giang.
Với hơn 56 km đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, Bộ Y tế nhận định Kiên Giang là địa phương có “đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ” do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn; Công tác phòng chống dịch cần được triển khai quyết liệt, chặt chẽ toàn diện; Các phương án, kịch bản phòng, chống ngăn ngừa dịch COVID-19 cần được chuẩn bị và xây dựng sẵn sàng cho các tình huống khác nhau của dịch bệnh.
Tỉnh Kiên Giang đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bổ sung lực lượng cho các chốt kiểm soát; Tăng cường kiểm soát người và hàng hóa nhập cảnh qua cửa khẩu; Nâng cao khả năng thu dung cách ly tập trung, kích hoạt các khu cách ly tập trung sẵn sàng cho các tình huống gia tăng số lượng trường hợp cách ly; Đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát COVID-19 để phát hiện sớm các ca bệnh; Đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện tốt thông điệp 5K….Để triển khai tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là không để xảy ra các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng từ các đối tượng nhập cảnh trái phép cũng như sẵn sàng các điều kiện cách ly, thu dung, tiếp nhận điều trị ngay tại tuyến đầu khi có các tình huống dịch bệnh xảy ra, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế có hỗ trợ cho tỉnh trên nhiều mặt như: Nâng cao năng lực xét nghiệm, hỗ trợ các trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, đặc biệt là xem xét hỗ trợ 2 máy Real time RTR-PCR để xét nghiệm khẳng định COVID-19…Nâng cao hiệu quả và năng lực điều trị nhất là các trường hợp đòi hỏi kỹ thuật cao như ICU, ECMO.
Bên cạnh đó đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc xin cho tỉnh Kiên Giang trong các chương trình phân bổ vắc xin sắp tới, kiến nghị mở rộng cho các đối tượng tình nguyện viên cũng như đề xuất phương án tiêm vắc xin cho người dân trên đảo Phú Quốc để tạo tiền đề cho công tác du lịch, kích cầu du lịch, phát triển kinh tế…
Đoàn công tác đã đánh giá cao hiệu quả, nỗ lực và quyết tâm của tỉnh, đồng thời biểu dương những trường hợp hi sinh, đóng góp của các lực lượng tham gia công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch COVID-19, đặc biệt là các đồng chí, cán bộ tham gia công tác quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh xâm nhập. Nhiều trường hợp các cán bộ phải bám chốt, bám điểm hằng tháng trời với nhiều khó khăn thiếu thốn trong điều kiện sinh hoạt, công tác.
Thay mặt đoàn công tác, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương về các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật đồng thời khuyến nghị một số nội dung trọng tâm địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc Gia phòng chống dịch COVID-19, các Bộ, ban ngành và của địa phương; Tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19 trên đường bộ và trên biển; Tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”; Tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp ca bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Kiên Giang cũng cần tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để phục vụ công tác xét nghiệm, tầm soát diện rộng cũng như sẵn sàng trong các tình huống, kịch bản có thể xảy ra.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản cách ly, phong tỏa, phòng chống dịch trước các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra kể cả các phương án xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, dịch bệnh lây lan trên diện rộng hay trường hợp gia tăng đột biến số ca bệnh nhập cảnh về nước, kịch bản cần được xây dựng và quán triệt theo từng cấp độ khác nhau, phù hợp với tình hình từng huyện cụ thể nhằm đảm bảo sự chủ động ứng phó khi có tình huống phát sinh thực tế.
Chủ động các phương án, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác điều trị, xây dựng các phương án thiết lập khu vực lưu trú, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
Admin