Tin tức

Tin tức

​Đồng chí Ngô Văn Quí – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Tp. Hà Nội trực tiếp kiểm tra hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Quận Hoàng Mai

13/07/2017 In bài viết

Trước diễn biến dịch sốt xuất huyết ngày càng phức tạp tại Thủ đô, sáng 12/7, Đoàn công tác y tế do ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, dẫn đầu đã đến kiểm tra, giám sát tình hình triển khai hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trước diễn biến dịch sốt xuất huyết ngày càng phức tạp tại Thủ đô, sáng 12/7, Đoàn công tác y tế do ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, dẫn đầu đã đến kiểm tra, giám sát tình hình triển khai hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tham gia Đoàn công tác có ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cùng các chuyên gia, chuyên viên, cán bộ y tế thành phố cùng đại diện một số đơn vị có liên quan. 

Đoàn công tác nghe báo cáo của UBND phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại các hộ dân phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội sau khi nghe chính quyền phường Vĩnh Hưng báo cáo sơ bộ tình hình dịch SXH tại đây và các hoạt động đã triển khai từ đầu năm phòng chống dịch. Tiếp theo đó, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì đã họp với UBNDcác quận, huyện thành phố Hà Nội về công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống SXH trên địa bàn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cùng đoàn thị sát việc vệ sinh phòng dịch
tại các hộ dân ở quận Hoàng Mai.

Mặc dù ngành y tế Hà Nội đã chủ động, nỗ lực trong công tác kiểm tra, giám sát, vận động nhân dân hưởng ứng, phối hợp với ngành y tế trong việc diệt muỗi, diệt lăng quăng, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch nhưng dịch SXH vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Về nguyên nhân khách quan, Hà Nội là địa phương có sự lưu hành của muỗi Aedes trong nhiều năm nay, cộng thêm điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.

Nguyên nhân chủ quan là do người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế... 

Để chủ động công tác phòng chống SXH, UBND quận Hoàng Mai đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân thông qua những hình thức phong phú như: đài phát thanh – truyền hình, loa cổ động, in tờ rơi, in thông báo, tổ chức các buổi tập huấn, họp dân, xe lưu động, tuyên truyền trực tiếp,… Từ đầu năm đến 7/2017, quận Hoàng Mai đã tổ chức 28 đợt chiến dịch Vệ sinh môi trường và phun hóa chất diện rộng tại 8 phường, kiểm tra trên 80.000 hộ gia đình, loại trừ trên 4.700 ổ bọ gậy, thả 34.963 con cá, cấp trên 70.000 tờ rơi phòng chống SXH đến tay người dân, huy động được sự tham gia mạnh mẽ của 2.453 cán bộ chính quyền, ban ngành đoàn thể, cán bộ và cộng tác viên y tế. Tiêu biểu, ngày 8-9/7/2017, UBND quận Hoàng Mai đã phát động hưởng ứng chiến dịch toàn dân diệt bọ gậy ngành giáo dục và huy động 500 giáo viên ra quân, cùng người dân 10 phường tham gia hoạt động.

Theo báo của quận Hoàng Mai, khó khăn lớn trong công tác phòng chống dịch hiện nay là đa số các phường đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng đang thi công, dẫn đến rất nhiều phế liệu, phế thải tại công trường thành nơi chứa nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển. Tại nhà dân, không ít hộ cũng đang xây dựng, cơi nới, hoặc trồng rau , chứa nước trong sân vườn, trên tầng thượng mà chủ quan không thực hiện đầy đủ các biện pháp diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt. Các dụng trong nhà vườn của các hộ dân như phế thải có thể chứa nước đọng như lốp xe, chai, lọ, vỏ hộp các loại, các thùng, chum, bể chứa nước mưa, bể chứa nước trên nóc nhà, các lọ hoa trong nhà, trên bàn thờ, khay nước ở phía sau tủ lạnh, các chậu cây cảnh,…  Tất cả các dụng cụ chứa nước trên đều cần được vệ sinh khô ráo sau khi dùng, lật úp, hoặc bỏ đi nếu không còn sử dụng để tránh thành nơi cho muỗi vằn đẻ trứng.

Ngoài ra, quận Hoàng Mai có nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân ở trọ, di dân biến động phức tạp, chưa nhận thức rõ về việc vệ sinh nơi ở, phòng chống dịch hoặc thường xuyên vắng nhà, khó tiếp cận để phối hợp với ngành y tế phun thuốc diệt muỗi. Đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên và cán bộ y tế đã liên tục nỗ lực đến từng nhà dân, kiểm tra, tư vấn, nhắc nhở thường xuyên, liên tục.
 

Đoàn y tế phát hiện nhiều bọ gậy trong một thùng chứa lớn trước cửa một nhà dân.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, tình hình phức tạp dịch SXH đang diễn ra trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Trong 10 năm trở lại đây, năm SXH cao đỉnh điểm là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000 – 6.000 ca. Như vậy, tính đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 4.000 ca và diễn biến có thể tăng cao nếu không kịp thời xử lý quyết liệt. Ông Hạnh cũng cho biết, việc tuyên truyền phòng chống SXH cho người dân cần thật đầy đủ và thiết thực, ví dụ, muỗi truyền SXH là muỗi vằn, và chỉ con muỗi cái mới đốt người lây truyền bệnh, chỉ đốt ban ngay, thích ở trong nhà, thích đẻ trứng ở các vùng nước trong. Do đó, chỉ cần một hộp sữa chua vứt ở góc sân trường chưa dọn, ngày mưa nước đọng lại trong hộp là tạo nên một ổ bọ gậy. Hiện Hà Nội đã thu gom hơn 12.000 lốp xe cũ để rải rác, tạo thành nơi thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và đang tiếp tục thu gom, xử lý triệt để.

Tại buổi làm việc, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng nêu ý kiến cần tăng cường sự giám sát dịch, phối hợp tốt hơn nữa giữa công tác điều trị và công tác dự phòng. Việc phun hóa chất cũng cần được công bố, giải thích rõ ràng để dân hiểu, dân tin. Theo Cục trưởng Phu, biện pháp phun thuốc ngành y tế đang thực hiện là cách phun dạng sương mù, không phải là kiểu phun tồn lưu lên tường như với cách phun thuốc diệt muỗi gây sốt rét. Cách phun sương này cần phun đủ vào không gian các tầng, các phòng trong nhà để diệt muỗi gây bệnh SXH, tiêu diệt hết muỗi trong một không gian đóng kín tại thời điểm đó. Sau thời điểm phun, nếu không vệ sinh môi trường, để muỗi đẻ trứng, thì vài ngày sau đó chúng sẽ phát triển thành muỗi tiếp tục gây bệnh cho con người.

Do đó, quan trọng nhất là làm cho người dân nhận thức rõ biện pháp phòng chống SXH tốt nhất là diệt bọ gậy, loại bỏ hoặc đậy, úp các thùng, chai, lọ,… có thể chứa nước quanh nhà, mắc màn, đốt hương hoặc dùng kem xoa chống muỗi để tránh muỗi đốt,… Đặc biệt, cần nghiêm túc thi hành xử phạt với cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống SXH để nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, đơn vị, tổ chức đối với cộng đồng.

Trên cơ sở kết quả thị sát thực tế, sau khi làm việc với UBND quận Hoàng Mai và các đơn vị liên quan về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, do ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nộinhấn mạnh để phòng chống bệnh hiệu quả, quận Hoàng Mai nói riêng và các quận, huyện trên địa bàn thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp:

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch SXH cho người dân, giúp người hiểu biết và sẵn sàng phối hợp với ngành y tế.

- Phối hợp mạnh mẽ với các đài địa phương, các phương tiện truyền thông báo chí để cập nhật thông tin và đưa tin về phòng chống dịch hiệu quả tới mỗi người dân

- UBND các quận, huyện cần chỉ đạo, giám sát các chiến dịch vệ sinh phòng chống dịch trong địa bàn hàng tuần, huy động sự tham gia của cả người dân và chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ, chủ công trình,…

- Tăng cường huy động lực lượng phối hợp tham gia phòng chống dịch như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ,… đặc biệt là đối với các khu vực động dân nhưng lực lượng y tế còn hạn chế.

- Thi hành các biện pháp xử phạt đối tượng theo Nghị định 176 đối với những cơ quan, đơn vị, công trường,... không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 








 

Admin

Tin tức liên quan

TẠI SAO TIÊM CHỦNG LẠI QUAN TRỌNG ĐẾN NHƯ THẾ

Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm

Xem chi tiết Next

Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Xem chi tiết Next

Nỗi oan vắc xin gây tự kỷ động kinh phải trả bằng tính mạng trẻ nhỏ

​Báo cáo sai lệch năm 1974, 1998 về văcxin gây động kinh, tự kỷ tại Anh và Mỹ, khiến hàng trăm trẻ con chết vì bệnh do không chích ngừa.

Xem chi tiết Next

Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

​Bước vào tháng 7, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Xem chi tiết Next
Thong ke