Tin tức

Tin tức

​Gặp gỡ báo chí về Truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa Đông xuân

04/12/2015 In bài viết

_
Sáng ngày 1/12, tại Hà Nội và ngày 2/12 tại Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi gặp gỡ báo chí về Truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân nhằm chia sẻ thông tin đến người dân giúp phòng chống những căn bệnh dễ mắc trong tiết chuyển mùa như tay chân miệng, cúm gia cầm, liên cầu lợn,...
 
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TS. Trương Đình Bắc phát biểu khai mạc buổi gặp mặt báo chí về Truyền thông phòng, chống dịch bệnh trong thời gian chuyển mùa ngày 2/12 tại Tp.Hồ Chí Minh.
 
Trong thời gian tới thời tiết chuyển mùa đông, nhiệt độ giảm mạnh làm nguy cơ tăng cao bệnh cúm mùa, bệnh cúm gia cầm lây truyền sang người như: cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm gia cầm (H5N6),... Đặc biệt trong thời gian cuối năm, Tết và lễ hội, nhu cầu đi lại tăng cao, nhiều nơi tập trung đông người, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và sử dụng thịt gia cầm rất lớn. Để trang bị tốt thông tin, kiến thức phòng chống dịch bệnh trước dịp lễ Tết, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí mang tên Truyền thông phòng chống dịch, bệnh mùa đông xuân.
 
Phát biểu khai mạc tại buổi gặp gỡ, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TS.Trương Đình Bắc nhấn mạnh: Trước tình  hình diễn biến khí hậu phức tạp, theo Trung tâm dự báo khí hậu Hoa kỳ (NOAA), năm 2015 có thể là năm El Nino mạnh nhất và gây ra sức tàn phá lớn nhất lịch sử từ trước tới nay. Hiện tượng này khiến cho bầu khí quyển nóng lên, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu dịch bệnh ở các quốc gia trên Thế giới. Vì thế năm nay dịch bệnh trên thế giới diến biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi nguy hiểm có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao như bệnh Ebola tại Tây phi, bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9). Trong khi đó nhiều dịch bệnh bùng phát trong năm 2015 sau nhiều năm sau hàng chục năm không có vụ dịch như dịch bệnh sốt xuất huyết tại Ai Cập, một số ca bệnh sốt xuất huyết tại Châu Âu; bệnh tả bùng phát tại Iraq và lan sang một số nước trong khu vực Trung đông.
 
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương bên cạnh sự bùng phát của bệnh sốt xuất huyết năm 2015 số ca mắc ghi nhận tăng cao so với năm 2014: tại Philipines có hơn 108.263 ca nhiễm sốt xuất huyết, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2014, tại Malaysia ghi nhận 96.222 ca nhiễm sốt xuất, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2014, tại Singgapo tăng 27,7%, Hồng Kông tăng 125%. Tại Lào từ tháng 6-10/2015 ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại 6/17 tỉnh với số ca mắc 588 trường hợp.

 

Toàn cảnh buổi gặp mặt báo chí ngày 1/12 tại Hà Nội.
 
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 69.441 ca mắc sốt xuất huyết, lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố (56 tỉnh, thành phố). Đáng lo ngại là virus sốt xuất huyết đã lưu hành ở nhiều týp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau nặng hơn lần trước. Bệnh Tay chân miệng ghi nhận khoảng 46.646 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố. Số mắc hai bệnh này có thể hạn chế được nếu người dân thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng.
Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của El Nino cũng tác động đến tình hình dịch bệnh của Việt Nam. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn có thể xảy ra nếu các biện pháp phòng bệnh không được thực hiện đầy đủ, triệt để, đồng bộ và chủ động.

Buổi gặp gỡ báo chí nằm trong chuỗi các hoạt động của chương trình phối hợp liên ngành giữa Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” với mục tiêu mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các thành viên trong gia đình. Các bà mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các bệnh có thể phòng được bằng vắc xin. Thực hiện thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, tăng cường các chất dinh dưỡng, đủ khoáng chất và vitamin để tăng sức để kháng cơ thể.

Phó Cục trưởng cũng thể hiện mong muốn các phóng viên báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Y tế, chuyển tải các thông tin và kiến thức cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế tới người dân để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về các biện pháp phòng chống dịch, giúp mỗi công dân nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân, từ đó cùng gia đình, tổ chức, đoàn thể chung tay trong công tác phòng bệnh.

 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 
 

Admin

Tin tức liên quan

Ký sinh trùng ăn thịt người do IS gieo rắc nguy hiểm như thế nào

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh dịch bệnh Mỹ (CDC), Leishmaniasis là bệnh do loại trùng roi leishmania ký sinh ở đường máu và hệ lưới - mô bào gây ra, lây lan qua vết cắn của ruồi cát nhiễm trùng. Bệnh được tìm thấy ở 90 nước, chủ yếu thuộc khu vực Trung Đông, châu Phi, một phần châu Á và châu Mỹ. Có nhiều loại leishmaniasis, trong đó phổ biến nhất là leishmaniasis da gây lở loét và leishmaniasis nội tạng phá hủy lá lách, gan, tủy xương.

Xem chi tiết Next

Công điện Bộ Y tế gửi Sở Y tế tỉnh Sơn La về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Theo thông báo ngày 25/11/2015 của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại 03 hộ chăn nuôi thuộc bản Lụa và bản Sàng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung công tác sau:

Xem chi tiết Next
Thong ke