_
Ngày 08-09/12/2015, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế đã tham dự Hội thảo xây dựng Chiến lược Y tế khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã có nhiều đóng góp tích cực mang lại chuyển biến lớn trong lĩnh vực y tế đối với các nước Châu Á, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Để xác định phương hướng đầu tư cho lĩnh vực y tế của khu vực GMS giai đoạn 2016-2021, ADB đã tổ chức Hội thảo với sự tham gia của đại biểu từ các nước Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Các nội dung thảo luận tại Hội thảo bao gồm: y tế toàn cầu, y tế khu vực; thực trạng các dự án do ADB đầu tư đang thực hiện tại các nước GMS; chiến lược ưu tiên đầu tư của ADB tại khu vực GMS giai đoạn 2016-2021 và đề xuất các nội dung ưu tiên đầu tư từ ADB của các nước trong khu vực.
Ông Gerard Servais, Chuyên gia cao cấp về y tế của ADB phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Đoàn đại biểu Việt Nam bao gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục An toàn thực phẩm, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương thuộc Bộ Y tế đã tham gia thảo luận, trao đổi, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tại Việt Nam nói chung, và kinh nghiệm triển khai các Dự án trong lĩnh vực Y tế do ADB tài trợ. Đồng thời, đoàn đại biểu Việt Nam cùng đại diện các quốc gia trong khu vực và ADB đã trao đổi, thống nhất các định hướng đầu tư chiến lược cho giai đoạn tiếp theo, 2016-2021.
Ký kết Biên bản ghi nhớ về chiến lược ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2021.
Kết thúc Hội thảo, Đoàn đại biểu Việt Nam cùng đoàn đại biểu các nước khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng và đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á đã ký các biên bản ghi nhớ (MOU) song phương về chiến lược đầu tư ưu tiên cho lĩnh vực Y tế giai đoạn 2016-2021, trong đó chiến lược ưu tiên đầu tư Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2021 dự kiến gồm: Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm; An toàn thực phẩm; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Phát triển kỹ thuật cao trong điều trị ung thư và Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Admin