Tin tức

Tin tức

​GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chuyên gia về vắc xin tiêm chủng - Vắc xin quinvaxem có hiệu qủa bảo vệ cao hơn và độ an toàn tương đương như vắc xin pentaxim

31/12/2015 In bài viết

_
Vắc xin pentaxim chứa 5 thành phần kháng nguyên gồm Bạch hầu, Ho gà vô bào, Uốn ván, Bại liệt và Hemophilus influenza týp B, do Công ty Sanofi Pasteur - thuộc Tập đoàn Sanofi-Aventis (Pháp) sản xuất, hiện đang được đăng ký sử dụng ở 99 nước trên thế giới.

Vắc xin Quivaxem chứa 5 thành phần kháng nguyên gồm bạch hầu, ho gà toàn tế bào, uốn ván, viêm gan B và Hemophilus influenza týp B. Vắc xin Quivaxem do công ty Crucell Hàn Quốc sản xuất (trong đó thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván được sản xuất tại Đức;  thành phần kháng nguyên Hib nhập từ Ý, Hàn Quốc chỉ sản xuất thành phần viêm gan B), đã được Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG)  tiền thẩm định về chất lượng, hiện đang được sử dụng ở 94 nước trên thế giới.

Điều khác biệt cơ bản mà mọi người quan tâm đó là sự khác biệt về thành phần ho gà. Vắc xin ho gà toàn tế bào là vắc xin chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vắc xin vô bào là vắc xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn. Điều đó giải thích cho lý do tại sao vắc xin ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc xin ho gà vô bào. Nhưng điều đó cũng có một ưu điểm quan trọng là vì kháng nguyên toàn tế bào nên vắc xin ho gà toàn tế bào kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu bảo vệ cao hơn vắc xin ho gà vô bào. Ngoài ra, vắc xin ho gà toàn tế bào có giá thành thấp hơn nhiều so với vắc xin ho gà vô bào.

Theo TCYTTG,  mặc dầu các phản ứng hệ thống và tại chỗ thường liên quan với vắc xin ho gà toàn tế bào, cả hai vắc xin ho gà toàn tế bào và vắc xin ho gà vô bào đều rất an toàn như nhau về các phản ứng nặng và tử vong. Báo cáo các ca tử vong sau tiêm vắc xin là như nhau đối với vắc xin ho gà toàn tế bào (quinvaxem) và vắc xin ho gà vô bào (pentaxim). Kết quả giám sát và nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy các trường hợp tử vong hầu hết là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ mà không liên quan tới vác xin. Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn vắc xin của TCYTTG đã họp ngày 12/6/2013 và kết luận: “Vắc xin 5 trong 1 (Vắc xin Quinvaxem) là một trong những vắc xin an tòan nhất hiện nay, có lợi ích rất to lớn về y tế công cộng trong việc bảo vệ 5 bệnh phổ biến ở trẻ em chỉ bằng một mũi tiêm”. Ngoài ra, thành phần vắc xin ho gà toàn tế bào trong Quivaxem giống với thành phần ho gà trong vắc xin sản xuất trong nước Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván (BH-HG-UV) mà chúng ta đã dùng từ năm 1895 đến nay (hiện chúng ta vẫn dùng vắc xin BH-HG-UV mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi). Thực tế cho thấy vắc xin này là an toàn và có hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ trẻ mắc và tử vong vì ho gà ở Việt Nam (giảm gần một nghìn lần so với năm 1984).

Gần đây, đứng trước sự lo lắng về việc tăng trở lại bệnh ho gà ở một số nước công nghiệp phát triển mặc dù có tỷ lệ tiêm vắc xin ho gà vô bào cao, và ở một số nơi có sự gia tăng tỷ lệ tử vong bệnh ho gà ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, năm 2014, Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG) đã xem xét số liệu dịch tễ học bệnh ho gà của 19 nước phát triển và đang phát triển ở các khu vực khác nhau có các chương trình tiêm vắc xin ho gà toàn tế bào và vô bào. Các bằng chứng hiện tại cho thấy vắc xin ho gà vô bào được cấp phép hiện nay có hiệu qủa ban đầu thấp hơn, miễn dịch giảm nhanh hơn, và có thể làm giảm tác động đến ngăn chặn sự lây truyền bệnh so với các vắc xin ho gà toàn tế bào hiện đang sử dụng trên thế giới. Kết qủa nghiên cứu cho thấy rằng chuyển đổi từ vắc xin ho gà toàn tế bào sang vắc xin ho gà vô bào có liên quan tới việc gia tăng trở lại bệnh ho gà. Vắc xin phối hợp có thành phần ho gà vô bào kém hiệu qủa hơn vắc xin phối hợp có thành phần ho gà toàn tế bào trong dự phòng bệnh ho gà.  Sử dụng vắc xin ho gà vô bào có thể dẫn đến gia tăng trở lại bệnh ho gà sau nhiều năm và có thể dẫn đến làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Do đó, TCYTTG khuyến cáo các nước hiện đang sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào nên tiếp tục sử dụng.  Việc chuyển đổi sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào sang vắc xin ho gà vô bào có tác động lớn về tài chính do giá thành của vắc xin ho gà vô bào cao hơn, cộng với việc tiêm nhắc lại nhiều liều vắc xin hơn, và hiệu quả bảo vệ lại thấp hơn so với sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào.
 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Thong ke