​Hội nghị liên ngành về công tác phòng chống sốt rét tại Việt Nam 2015

16/04/2015 In bài viết

_
 
Ngày 07/4/2015, Cục Y tế dự phòng đã tổ chức thành công Hội nghị liên ngành về công tác phòng chống sốt rét tại Việt Nam.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự Hội nghị có đại diện của Bộ Y tế gồm: Cục Y tế dự phòng,Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; các đại diện của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Cục Quân Y - Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an; Cục Y tế giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải; Bệnh viện Xây dựng, Bộ Xây dựng; Bệnh viện Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quân y Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Các trung tâm phòng chống sốt rét tại các tỉnh tham dự Hội nghị gồm có: Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Kon Tum, Sơn La, Nghệ An; Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trắng, Lâm Đồng, Bắc Kạn.

Về phía khách mời quốc tế, các đại biểu tham dự Hội nghị gồm có: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh các nhà Lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương phòng chống sốt rét (ALPMA), Đại diện Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI), Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (PSI), Tổ chức Di dân quốc tế (IOM).

Tại Hội nghị các đại biểu tham dự  đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2015. Với việc triển khai nhiều biện pháp phòng chống, tính đến hết năm 2014, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1000 dân giảm 40,0% so với năm 2011 (0,3/0,52), số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 57,1% so với năm 2011 (6/14 trường hợp). Vùng sốt rét lưu hành được thu hẹp, số xã trong vùng sốt rét lưu hành giảm 30,4%, dân số trong vùng sốt rét 23,5% so với năm 2009.
Mạng lưới phòng chống sốt rét được duy trì ổn định và phát huy được hiệu quả, thuốc sốt rét được cung cấp đủ và miễn phí tới tận thôn bản và tận người dân, hóa chất và màn tẩm hóa chất cũng được cấp miễn phí cho vùng sốt rét lưu hành. Xác định vùng trọng điểm và thực hiện phân vùng dịch tễ sốt rét để tập trung nguồn lực và xúc tiến các hoạt động loại trừ theo từng khu vực. Có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành và đơn vị liên quan trong các hoạt động phòng chống sốt rét, phối hợp với Lào và Campuchia để thực hiện các hoạt động phòng chống sốt rét khu vực biên giới chung.

Mặc dù tình hình sốt rét đã giảm liên tục theo hàng năm, tuy nhiên có sự gia tăng cục bộ tại các vùng sốt rét lưu hành nặng tập trung Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa, các công trình trọng điểm kinh tế của nhà nước, đặc biệt là sốt rét ở nhóm di dân tự do, đi rừng ngủ rẫy và nhóm lao động tại các nước có sốt rét lưu hành; ký sinh trùng kháng thuốc có nguy cơ lan rộng nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả; Việc xác định trách nhiệm cho các Bộ, ngành chưa được cụ thể, đầy đủ. Chưa xác định rõ vai trò của Bộ, ngành đối với di dân tự do, đi rừng ngủ rẫy và lao động tại các nước có sốt rét lưu hành như ở Lào và Campuchia và châu Phi để có thể phối hợp với các cơ quan y tế địa phương cũng như Bộ Y tế trong việc tiếp cận và quản lý nhóm đối tượng này.

Sau khi nghe các báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương về kết quả triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2015, tham luận của các đơn vị về hoạt động phòng chống sốt rét tại các Bộ, ngành và các địa phương, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có ý kiến kết luận Hội nghị:

Trong giai đoạn 2011-2015, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Nhà nước với sự nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống sốt rét đã đạt được các kết quả đáng kể đó là tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm qua hàng năm. Tuy nhiên, tại các vùng sốt rét lưu hành nặng tình hình sốt rét vẫn có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan rộng, gia tăng tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc, còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sốt rét, sự phối hợp của các cơ quan hiệu quả chưa cao. Để triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét đạt hiệu quả cao và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, đề nghị các đơn vị đầu mối của các bộ, ngành và đơn vị liên quan thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt rét trong giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành nặng, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như người đi rừng, ngủ rẫy, dân di biến động, người đi lao động tại các vùng sốt rét lưu hành; có các giải pháp để tăng cường sự tiếp cận với các đối tượng này để đảm bảo được giám sát, phát hiện và điều trị đầy đủ và đúng phác đồ.

2. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét, đặc biệt là nguy cơ sốt rét quay trở lại và sốt rét kháng thuốc. Tổ chức các hoạt động truyền thông hiệu quả phù hợp với từng địa phương, tập quán của người dân. Tăng cường chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành để triển khai phối hợp hiệu quả các biện pháp phòng chống.

3. Phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để quản lý các đối tượng nguy cơ khi đi lao động hoặc trở về từ các nước châu Phi. Phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan để bàn biện pháp giải quyết và quản lý dân di biến động giữa Việt Nam, Lào, Căm Pu Chia. Tổ chức các hội nghị, cuộc họp chung giữa các nước để chia sẻ thông tin và thảo luận biện pháp giải quyết.

4. Yêu cầu các doanh nghiệp và đơn vị xây dựng thủy điện, giao thông, công trình an ninh quốc phòng, nông lâm trường... có các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các vùng sốt rét lưu hành tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét cho cán bộ, công nhân, người lao động và bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng chống sốt rét. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và đơn vị liên quan để xây dựng thông tư, quy chế phối hợp, văn bản hướng dẫn để có thể tiếp cận được với các đối tượng nguy cơ và tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả cho nhóm đối tượng này.

5. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các tổ chức liên quan để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống cho từng nhóm đối tượng thuộc các đơn vị do bộ, ngành quản lý.

6. Đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, phương tiện xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng, triển khai thực hiện tốt việc giám sát điều trị bệnh nhân. Đảm bảo cho mọi người dân trong tại vùng nguy cơ được được tiếp cận đầy đủ về biện pháp phòng chống và điều trị. Đảm bảo huy động đủ kinh phí hoạt động cho các vùng trọng điểm về sốt rét.

Trong suốt thập kỷ qua, với sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế, cùng với sự cam kết và hỗ trợ của Chính phủ và các đối tác trong và ngoài nước, chiến dịch phòng chống sốt rét của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do sốt rét đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét còn hạn chế. Mỗi người dân nên tích cực trang bị thông tin, kiến thức và chủ động các biện pháp phòng chống như giữ gìn vệ sinh môi trường sống, mắc màn khi ngủ,… và phối hợp thực hiện tốt các hoạt động phòng bệnh với cán bộ nhân viên y tế địa phương để loại trừ sốt rét thành công.
 

 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Admin

Tin tức liên quan

Thái Nguyên đạt tỷ lệ trên 98% trẻ trong độ tuổi được tiêm trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella

Đoàn công tác kiểm tra, đánh giá công tác tiêm chủng của Bộ Y tế ngày 09/4/2015 do PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm trưởng đoàn kiểm tra cho thấy, được sự quan tâm của chính quyền các cấp trong kế hoạch tổ chức tiêm chủng, truyền thông cho các bà mẹ đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng chống dịch bệnh, hầu hết tại 9 quận, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh gồm: 180 xã, phường, 9 bệnh viện tuyến huyện, 03 bệnh viện tuyến tỉnh và 01 bệnh viện tuyến Trung ương đã đồng loạt triển khai thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc sởi-rubella; kết quả điều tra ngẫu nhiên 20 trẻ trong độ tuổi từ 1-14 tuổi và 07 trẻ dưới 1 tuổi tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho thấy 100% trẻ được tiêm chủng theo đúng lịch. Về việc triển khai tiêm vắc xin Viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh được thực hiện ở tất cả các Bệnh viện đa khoa tuyến trung ương/tỉnh/huyện đóng trên địa bàn tỉnh. Kết quả năm 2014 tỷ lệ tiêm đạt 69,7%, riêng Quý I năm 2015 đạt 83% cao hơn mục tiêu đề ra của kế hoạch chung cả nước (65%).

Xem chi tiết Next

Cập nhật thông tin dịch bệnh EBOLA đến ngày 15/4/2015

Theo WHO tính đến 12/4/2015 số mắc mới trong 7 ngày qua tại Guinea là (28) trường hợp, Sierra Leone (9); Liberia không có trường hợp mắc mới.
Các nước khu vực Tây Phi tiếp tục phối hợp qua biên giới, chia sẻ kinh nghiệm, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phòng chống Ebola cũng như thực hiện trên thực địa kể cả hỗ trợ nguồn lực xét nghiệm; đặt ra lộ trình 90 ngày khống chế không có trường hợp mắc mới Ebola.

Xem chi tiết Next
Thong ke